Sinh ra và lớn lên tại xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, vùng đất nổi tiếng có những nét văn hóa đặc sắc của người Thái Nghệ An, đặc biệt là những làn điệu dân ca. Từ thuở nhỏ, ông Thơ đã được đắm mình trong những bài dân ca Thái. Từ năm lên tám tuổi ông đã biết lắng nghe, ghi nhớ từng lời và hát theo những điệu khắp, nhuôn, xuối của cha mẹ. Tình yêu với nền văn hoá dân tộc mình ngày càng lớn dần trong ông.
Ông Vi Văn Thơ hát Nhuôn trong một buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng với bà con bản Rốc, xã Châu Đình
Ông say mê học hát dân ca Thái và có giọng hát rất trong, khỏe, cao vút và đầy chất tự sự làm lay động lòng người. Ông cũng là người có tài ứng đối sắc sảo trong hát Nhuôn nên từ khi ông còn rất trẻ, ông đã nổi tiếng khắp làng trên xóm dưới giọng hát của ông đã được bà con ghi lại thành băng đài Cát séc và chuyền tay nhau để nghe. Trong các đám cưới, đám hỏi ở các bản làng xưa của huyện Quỳ Hợp, đâu đâu cũng có tiếng hát Nhuôn của ông Thơ vang lên.
Để tìm hiểu các nét văn hoá độc đáo của dân tộc mình, không quản ngại khó khăn, ông lặn lội khắp nơi để sưu tầm các làn điệu dân ca cổ của dân tộc mình về mày mò tự học các làn điệu dân ca.
Mỗi lần ông đi dự đám cưới là bà con dân tộc Thái rất vui mừng vì được nghe ông hát Nhuôn.
Năm 1969, ông Vi Văn Thơ là đội trưởng Đội Thông tin lưu động Miền Tây, thuộc Ty Thông tin Nghệ An. Sau đó được tăng cường về làm chủ nhiệm HTX, chủ tịch, bí thư Đảng ủy xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu. Năm 1985, ông Thơ được điều lên làm cán bộ Ban Tổ chức Huyện Quỳ Châu. Năm 1986, ông chuyển về công tác tại Nhà Văn hóa huyện Quỳ Hợp. Gia đình ông cũng chuyển về Quỳ Hợp sống từ đây. Cuộc đời ông có nhiều biến cố, vì hoàn cảnh gia đình cha mẹ già, vợ ốm đau, con cái nheo nhóc nên ông đành phải bỏ dở sự nghiệp của mình trở về quê lo cho gia đình.
Khi về địa phương ông Thơ vẫn tham gia làm xóm trưởng, bí thư chi bộ xóm Quệ. Với tâm huyết trong việc giữ gìn các làn điệu nhuôn, lăm, khắp của dân tộc Thái, ông Vi Văn Thơ đã ghi lại và tổ chức truyền dạy các làn điệu dân ca dân tộc Thái cổ cho các bản, làng trong xã; tham gia biểu diễn tại các chương trình văn nghệ của địa phương. Ông còn có thể biên đạo các vở kịch ngắn, viết lời mới cho các làn điệu dân ca Thái để tuyên truyền về các phong trào của địa phương như: thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tránh xa ma túy, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng bản làng đổi mới, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ", động viên bà con nhân dân hăng say sản xuất…
Ông Vi Văn Thơ đã ghi lại và truyền dạy các làn điệu dân ca dân tộc Thái cho con cháu, bạn bè.
Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, điều ông ghi nhận được là sự lạc quan trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hàng ngày, ông vẫn vui thú với công việc của mình là chăn nuôi dê, gà, trồng keo, trồng ngô, bốc thuốc nam… để đỡ đần con cháu. Các con ông đều rất ngoan và giờ cũng đã trưởng thành, còn 2 đứa nhỏ nhất đang học Đại học. Đặc biệt là tất cả 8 đứa con của ông (3 trai, 5 gái), kể cả con dâu, con rể và các cháu nội, ngoại của ông đều biết hát và hát dân ca Thái rất hay. Họ đều là những hạt nhân tiêu biểu trong phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương ông.
Hằn sâu trong lời ru của ông là những nỗi niềm trăn trở về nguy cơ mai một của những làn điệu dân ca Thái cổ.
Dù đã bước qua tuổi 60 nhưng ông Thơ vẫn miệt mài tìm hiểu để truyền bá những giá trị tốt đẹp và độc đáo của dân ca Thái cho đồng bào mình. Ông chỉ mong đồng bào ai cũng biết và trân trọng những điều tốt đẹp mà cha ông để lại.