Mấy chục năm vùn vụt trôi, mái tóc thiếu nữ ngày nào giờ đã điểm bạc nhưng trong thâm tâm “cô giáo làng” Hoàng Thị Trinh (Nam Đàn, Nghệ An), lời ước hẹn tình duyên vẫn vẹn nguyên son sắt. Có một tình yêu gửi lại nơi chiến trường, có sự đợi chờ hóa đá suốt 42 năm…
Dù chưa một ngày làm vợ, 42 năm qua bà Trinh vẫn thủy chung với chiến sỹ trong bức di ảnh.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của xã Nam Cát (Nam Đàn), Hoàng Thị Trinh ngày ấy là cô giáo làng hiền lành, chăm chỉ, đoan trang lại dạy giỏi có tiếng.
Không may bị dị tật từ nhỏ, một bên bàn chân cô không thể cử động và đi lại bình thường như những người khác, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì khi mọi người ai cũng quý mến cô.
Anh và cô cùng lớn lên trên vùng quê lam lũ, chung nhau miền ấu thơ sau lũy tre làng. Như nhiều người khác, từ lâu chàng trai Hồ Đức Tín đã rung động với hình ảnh cô thôn nữ cùng làng giỏi giang, dịu hiền. Nhưng cái ngại ngùng, e ấp cứ để tình cảm của đôi trai gái mãi lửng lơ.
Anh chẳng dám ngỏ lời, còn cô lúc đó cũng chỉ biết thẹn thùng, né tránh. Nhớ lại “thuở ban đầu lưu luyến ấy”, ánh mắt người phụ nữ tuổi xế chiều như sáng bừng trở lại.
Một ngày tháng 2/1965 anh lên đường nhập ngũ, phụ trách Đài vô tuyến 15W ở Khu trung tâm tiền phương chiến trường Hướng Hóa, Quảng Trị. Những ước hẹn tình duyên được chắp nối qua những cánh thư đầy ắp yêu thương ở cả “hai đầu nỗi nhớ”.
Năm 1969, anh Tín có một chuyến công tác qua Nghệ An và được ghé về quê 3 ngày. Đó cũng là dịp cô giáo Trinh được kết nạp Đảng. Họ chỉ có một ngày chủ nhật cùng nhau đi chơi quanh xóm rồi nấu cho nhau bữa cơm đạm bạc. Sau đó hai người lại xa nhau mà chưa biết rằng đó lần cuối cùng họ còn gặp được nhau!
Lần giở những cánh thư cũ đã úa vàng, người phụ nữ đầu đã bạc mắt rưng rưng: "Lá thư này anh gửi kèm kỷ vật cho tôi vào tháng 4/1971. Kỷ vật là một tấm vải dù và tấm huân chương chiến công hạng ba. Anh hẹn khoảng 1 tháng sau sẽ xin nghỉ phép về quê để chúng tôi làm lễ cưới…".
Người phụ nữ già ứa nước mắt khi giở lại những kỷ niệm tuổi thanh xuân. |
Nơi chiến trường, người lính trẻ say sưa, tỉ mỉ với từng đường kim, mũi chỉ, dốc hết tâm huyết và tình yêu thương để chính tay mình thêu đôi gối hạnh phúc cho đám cưới. Anh đã chuẩn bị đầy đủ cho cô dâu những đồ dùng cần thiết như: nón, dép, khăn, áo... Chỉ chờ ngày đón cô về xây tổ ấm.
Nhưng rồi ông trời cũng khéo đùa với lòng người! Ngày 30/4/1971, anh Tín lên báo cáo chỉ huy đơn vị, xin cắt phép về quê cưới vợ. Ác nghiệt thay, tối 1/5, sau bữa cơm chiều, trận bom Mỹ đã đánh vào đơn vị. Anh Tín cùng 2 chiến sỹ khác hy sinh. Đồng đội anh nghẹn đắng khi xếp lại những bức thư của hai người cùng món quà cưới ấp ủ giấc mơ hạnh phúc của anh giữa đạn bom khốc liệt.
Ở nhà, cô giáo Trinh chờ hết tháng 5, tháng 6 mà không có tin gì của anh. Linh cảm của người phụ nữ mách bảo cho cô có điều gì đó chẳng lành. Vì cô hiểu anh. Anh chẳng bao giờ lãng quên cô như thế? Sẽ chẳng có lý do gì để mấy tháng trời cô bặt tin anh.
Bốn tháng trời sống trong phấp phỏng, lo âu và hoang mang sợ hãi. Nhưng cô vẫn cứ tự trấn an mình, chờ tin anh bằng trọn vẹn niềm tin của một người con gái mới ngoài 20…
Ngày ngày, bà Trinh đều thắp hương cho người “chồng” của mình. |
Mãi đến đầu tháng 9, một người đồng đội mới có đủ can đảm viết thư báo tin cho cô. Nhận thư, giữa giờ lên lớp, cô lặng đi và ngất lịm. Cả một lớp học cũng lặng phắc trong nỗi ngơ ngác. Hôm đó cô cũng không biết mình đã về nhà bằng cách nào.
Cô ngã bệnh cùng với nỗi đau. Chiếc khăn dù kia như vẫn còn nguyên hơi ấm bàn tay anh. Cô quàng lên cổ mong tìm thấy hình bóng anh bên mình. Rồi triền miên trong những giấc mơ, cô vẫn mong đó không phải là sự thật. Nước mắt cạn dần sau bao đêm thức trắng, cô gầy rộc đi với nỗi khắc khoải về anh.
Tuổi thanh xuân cứ lặng lẽ trôi trong nỗi đau của hạnh phúc dở dang. Từng trang nhật ký vẫn được cô đều đặn viết cho anh như thể anh còn sống, còn hiện diện.
Đã gần bước qua cái ngưỡng “thất thập cổ lai hy”, cô giáo làng ngày xưa nay đã thành bà Trinh. Trên đầu điểm hai thứ tóc nhưng bà vẫn một mình chăn đơn, gối chiếc. Ngày ấy, bà xin phép bên nhà anh Tín lập một bàn thờ trong nhà. Để rồi hơn 40 năm qua, bà trở thành “người vợ” son sắt thủy chung với bức di ảnh.
"Đến giờ tôi vẫn thấy day dứt mãi khi trong bức thư gửi anh tôi viết: "Em ăn với anh bữa cơm đó là bữa đầu tiên cũng là bữa cuối cùng thôi đó!". Không ngờ câu nói vu vơ đó đã vận vào chúng tôi…" - người phụ nữ già ngậm ngùi khi ước mơ được ăn cơm cùng anh suốt đời đã mãi không thành hiện thực.
Trò chuyện cùng bà, chợt người viết nhớ đến những câu thơ xúc động của Dương Đức Quảng:
"Ba sáu năm trở về Buôn Ma Thuột
Vợ bạn tôi vẫn lặng lẽ thờ chồng
Không con cháu, một mình một bóng,
Bữa cơm nào cũng chống đũa chờ mong…"
Bà gạt nước mắt, lau lại tấm di ảnh của liệt sỹ Hồ Đức Tín đặt lên bàn thờ, và kính cẩn thắp thêm nhang. Chúng tôi cảm nhận được bà đang gìn giữ và nâng niu quá khứ bằng cả trái tim mình.