19 tuổi ông vào quân ngũ rồi tham gia chiến đấu trên các chiến trường; gần 10 năm cầm súng ông 7 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ.
Ông Xưng bồi hồi nhớ lại những ký ức chiến tranh.
Ở xã Thọ Hợp hầu như ai cũng biết tiếng ông Trương Văn Xưng, bởi thế mà chúng tôi không khó khăn để tìm đến nhà ông. Ông Trương Văn Xưng (sinh năm 1949, dân tộc Thổ, ở xóm Sợi Dưới, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) đi bộ đội tháng 2/1967; xuất ngũ tháng 9/1975, tái ngũ 3/1979, đến tháng 8/1979 thì trở về tham gia công tác tại địa phương cho đến hôm nay.
Trong câu chuyện chân tình, ông Xưng kể: “Sau 3 tháng huấn luyện cùng đồng đội ở C312 - D8 - E22 - QK4, đơn vị chúng tôi hành quân vào chiến đấu tại Khe Sanh (Quảng Trị), đến tháng 6/1968, Khe Sanh được giải phóng, Tiểu đoàn 8 lại tiếp tục hành quân vào B2 (thuộc các tỉnh Sông Bé, Tây Ninh).
Ngoài ra, tôi còn được trên giao nhiệm vụ thông tin liên lạc giữa khu căn cứ mật và vùng chiến khu. Mỗi khi nhận được thông tin do tình báo ta cung cấp tôi phải lập tức tìm cách đưa thông tin về chiến khu, sau đó dẫn bộ đội, dân công chuyển đạn vào căn cứ mật; ém đạn xong, tôi lại dẫn dân quân, bộ đội trở lại chiến khu.
Không từ chối một nhiệm vụ nào được cấp trên giao phó, tôi luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tháng 3/1971 tại mặt trận Bình Dương, sau một trận đánh Mỹ ác liệt, tôi đã được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trận đánh tiêu diệt được nhiều lính Mỹ nhất của cá nhân tôi là trận chống càn khoảng giữa tháng 6 năm 1972.
Hôm đó, tại hầm căn cứ của ta ở khu vực Bến Trám (gần sông Bé - Tây Ninh) tổ chúng tôi chỉ có 4 chiến sỹ bám trụ lại đánh địch. Nhóm biệt kích Mỹ đi càn quét đã gây nhiều tội ác với nhân dân vùng giáp ranh, cho nên chúng tôi quyết tâm tiêu diệt chúng để trả thù cho đồng bào và đồng đội, du kích đã hy sinh trong đợt càn quét này. Đợi cho chúng tiến sát đến miệng hầm, đúng cự ly thích hợp, chúng tôi mới đồng loạt nổ súng, tiêu diệt gọn 22 tên địch. Riêng tôi đã tiêu diệt được 17 tên…”.
Chỉ trong 7 năm trực tiếp chiến đấu trên chiến trường (từ 1968 đến1975), chiến sỹ Trương Văn Xưng đã tham gia 127 trận đánh, tiêu diệt được 37 tên lính Mỹ và nhiều lính ngụy Sài Gòn khác. Ông bị thương nặng 3 lần (lần cuối cùng bị một viên đạn AR15 của Mỹ bắn xuyên qua bàn chân phải) nhưng vẫn quyết tâm bám trụ chiến trường để chiến đấu.
Chia tay ông Trương Văn Xưng ra về, chúng tôi nhớ mãi câu nói của ông rằng, giữa đời thường, chiến công lớn nhất là làm cho dân làng ngày càng vươn lên giàu có, ấm no, hạnh phúc.