Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 22/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh >
  Chân dung Nguyễn Du (Kỳ 4) Nhóm tác giả (*) Chân dung Nguyễn Du (Kỳ 4) Nhóm tác giả (*) , Người xứ Nghệ Kiev
 

 




Bàn về truyện Kiều các bậc thức giả đã góp ý kiến một cách rất đông đảo, súc tích. Đứng trước sự kiện đó cũng có người hoặc vì tư tưởng yếm thế, hoài nghi, hoặc vì muốn nổi bật, muốn vượt ra ngoài đám đông nhân chúng, thường tỏ ý chê cười những ý kiến khác biệt đôi khi đến chỗ mâu thuẫn của những thức giả.

 Nhưng thật ra cuộc họp mặt lớn rộng trong vườn hoa lá của những chủ trại Nguyễn Du chỉ là một điều thông thường gần như tất nhiên ắt có. Những con nước dù là sông nguồn, thác lũ bao giờ cũng đổ về biển khơi. Cũng vậy, những tác phẩm vĩ đại của lịch sử văn học thế giới vốn có một ma lực, một sức nam châm hút sắt. Đứng trước những trái núi kinh dị, con người luôn bị thúc đẩy bởi ước vọng đặt lộ khai thông. Có những khoảng đường mòn đã được vẽ lên trong lớp cỏ lau, trườn mình qua vách đá. Những người đi sau có thể không hài lòng về những bước chân đặt trước. Mỗi người đều muốn kiến tạo lấy một đường đi thẳng tắp hơn, gần gũi sáng sủa hơn để về được chân trời. Nhưng đường đi có được khai thác đến trăm nghìn, vẻ hoang vu vẫn còn nguyên trong rừng thẳm. Con người có thể đập vỡ dăm ba tảng đá bé mọn nhưng thạch bàn thì không bao giờ có thể bị đổi thay, di chuyển.

Nhưng trên tất cả trăm nghìn đường đi ngang dọc xuyên sơn ta vẫn có thể tìm được một ngã ba quan ải. Vẫn có một con sông cái tụ họp được nhiều ngọn nước, ngành sông.

Những bậc thức giả có người khen Nguyễn Du thành công trong việc tác thành một nền đạo lý, truyền bá lẽ làm người, xây dựng được nền tảng cho một ngôn ngữ trong những lúc ban sơ. Họ đã tìm thấy, như chúng ta đã biết, ở thi hào họ Nguyễn một Đệ nhất tài tử, một tác phẩm tuyệt mỹ, trọn vẹn trên thi đàn xứ Việt. Có những người khác tuy cũng nhận nơi nhà thơ họ Nguyễn một thi tài lại lên tiếng bài xích tác giả truyện Kiều đã truyền bá những tình tiết dâm ô, phô diễn, khuếch trương những điều hỗn loạn, trái với đạo luân thường. Có người tìm thấy ở Nguyễn Du hình ảnh người Việt Nam kiểu mẫu. Cũng có người khác lại nghĩ rằng họ Nguyễn điển hình cho một giai cấp thoái trào. Nhưng dù muốn giải phẫu tâm lý Thuý Kiều, mác xít hoá Nguyễn Du hay chỉ xétĐoạn trường tân thanh qua lớp kính của nhà luân lý, ta thấy mọi người đều đồng ý với nhau về một điểm: tư tưởng nền tảng, nòng cốt của truyện Kiều, Hoàng Ngọc Phách, Trần Trọng Kim, Phan Kế Bính, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Bách Khoa,v.v. những con người đến từ những chân trời tư tưởng hết sức xa xăm, cách biệt đều thoả hiệp với nhau trên một điểm: thuyết Định mệnh là nền tảng của truyện Kiều. Tất nhiên có người cho rằng Mệnh trong truyện Kiều thoát thai từ Phật giáo. Có người cho rằng chữ Mệnh đó nhuộm sắc thái của đạo Khổng nhiều hơn. Và cũng nhiều người muốn đem lại cho chữ Mệnh một màu sắc dân tộc nên bảo rằng nó vốn đa nguyên (tam giáo). Nhưng tựu trung tất cả hầu như đều công nhận: thuyết định mệnh là triết lý nền tảng của truyện Kiều.

 

*


Nhận định nhất loạt đó tất nhiên không phải những ngọn gió vu vơ, những lời hoang truyền vô căn cứ. Vô số chứng tích hiển hiện trong tác phẩm thi ca của thi sĩ Tiên Điền cho phép người đọc tưởng nghĩ như vậy. Toàn thể truyện Kiều cuốn hút người yêu thơ vào giữa một vùng gió lốc ngào ngạt, uất nghẹn, vào giữa một bầu không khí bi thảm, phũ phàng.

Khi thì định mệnh được phơi bày rõ rệt, được chỉ đích danh qua những lời thơ trác luyện. Chúng ta đều ghi nhớ những sức thơ đi như những đường dao lướt xuống: "Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau…". "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen…".

Khi thì định mệnh mượn lời kẻ sống, người chết để nói lên nghiệp dĩ của người trong cuộc. Nguyễn Du đã mượn bóng ma của Đạm Tiên để trình diễn với người đời hình ảnh của Định mệnh qua một cuốn sổ "đen" của bên kia cõi thế, cuốn sổ đoạn trường, trong đó người con gái họ Vương tên gọi Thuý Kiều đã được ghi chú và nét mực còn hằn rõ đậm đà. Nguyễn Du cũng đã mượn lời người tu hành Giác Duyên mà ngỏ lời thương xót người con gái hồng nhan gian khổ, xót thương vì sức người nhân thế vô cùng nhỏ bé trước những căn do linh diệu, vô hình. Ngay chính cả Thuý Kiều trong trạng thái tâm tư đa sầu đa cảm, trong những giờ phút thở ngắn than dài cũng đã để toát ra niềm đau đớn của xuất ngoại trước những sự đã đành, những sự được coi như đã đành từ khi chưa xảy đến.

Một cách đại cương ta có thể nói được rằng là khi gấp sách lại lần đầu tiên người đọc có cảm tưởng rằng Nguyễn Du đã cho đẩy mình đến trước sức sáng loáng của những lưỡi thép, lưỡi gươm đã được sửa soạn, lau chùi để chờ đợi giờ hành quyết và nạn nhân đã bị trói tay bịt mắt sẵn sàng.

Phải, tất cả cuộc đời của Thuý Kiều hầu như đã bị trói buộc sẵn sàng. Cả một cuộc đời đã bị quy định bởi những căn do ở bên ngoài nhân thế. Những căn do cố định, phũ phàng, những nét bút của người hành hình nơi âm ti ghi trên một cuốn sổ hộ tịch chung cho cả hai vũ trụ âm dương. Tất cả tương lai của Thuý Kiều đã bị quyết định từ trước. Tất cả một tương lai đã bị "dĩ vãng hoá", đã bị ràng buộc, trói chặt vào dĩ vãng và con người chỉ còn một phương sách là cam chịu. Tự do làm lấy cuộc đời chỉ còn là một loài giun, kiến bé nhỏ trước một trái núi khổng lồ phun lửa ngày đêm.

 

*


Nhà phê bình văn học đã nhận định được một cách sáng rõ nhất về tính chất phũ phàng của định mệnh trongĐoạn trường tân thanh hẳn là ông Trần Trọng Kim. Nhà học giả đã viết: "Cái nghiệp đã định đến đâu mới hết thì phải đi cho đến cùng chứ không sao trốn được". Và học giả họ Trần đã ví cuộc đời một người bị quy định bởi định mệnh như số phận một tên tội đồ không thể trốn thoát gông xiềng canh giữ của một vị quan tư pháp.

Tuy nhiên, đứng trước sự đè ép đến uất nghẹn của định mệnh, nhiều lúc người đọc vẫn cảm thấy sự uất nghẹn chưa bị đẩy sâu đến độ bóp nghẹt lòng người. Trong khoảng u tối của một đời người, trong màn bao phủ mịt mù của biển cả, hải đăng vẫn quay tròn le lói ở chân trời xa. Toàn thể câu chuyện, như chúng ta đã biết, đem đến một kết quả có ít nhiều tươi sáng, kết luận mà người đời thường bảo là hàm súc một niềm trung hậu. Nếu Đạm Tiên đóng vai sứ giả của định mệnh đến báo trước cho Thuý Kiều biết trước một cuộc đời lưu lạc, nổi chìm thì nàng cũng lại đến bên bờ sông Tiền Đường mà mở tung cửa ngục cho người con gái họ Vương, xoá bỏ án tội đồ trên tờ khai lý lịch. Cả Giác Duyên và cả Tam Hợp cũng đã thông suốt cuộc ân xá mà Thuý Kiều được hưởng thụ sau những ngày tháng đày ải, trầm luân.

Cả những câu thơ lục bát bóng láng như những chiếc khoá vàng mở tung, những câu thơ biểu hiện một số mệnh nặng nề u tối. Nguyễn Du đã viết: "Biết thân chạy chẳng khỏi trời, cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh".Rồi Nguyễn Du lại cởi gỡ tung ra: "Tại trời mà cũng tại ta…". Bên cạnh sự phũ phàng của định mệnh, con người vẫn còn một ý kiến, vẫn được quyền góp một ý kiến. Vẫn còn một con đường máu để thoát thân khỏi vòng vây trùng điệp.

Nhưng một câu hỏi đến với ta: Tại sao lại có thể như thế được? Nếu đời ta bị quyết định bởi những căn do cố định tại làm sao ta còn có thể thay đổi cuộc đời được? Là một con người làm sao ta có thể ảnh hưởng đến những sự kiện thần linh được? Nguyễn Du muốn gì? Thi sĩ muốn bênh vực Tự do hay đề cao Định mệnh thuyết? Một khi đã công nhận định mệnh thuyết mà còn nói tới tự do phải chăng không rơi vào chỗ tự mâu thuẫn?

Ta có đầy đủ chứng tích để được quyền thắc mắc như vậy. Thuý Kiều đã bị định mệnh đưa vào một cuộc đời gian khổ. Nguyễn Du đã bảo thế vì chính thi sĩ đã đặt trước mắt ta cuốn đoạn trường. Có những câu thơ nói về định mệnh. Có những câu thơ đề cập đến Tự do. Làm sao hai sự kiện đó có thể sống chung trên một mảnh đất, dưới một ánh sáng mặt trời được? Trần Trọng Kim đã trả lời: Sự kiện đó có thể giải thích được. Ông đã viết:"Cái thuyết nhân quả của nhà Phật gần giống cái thuyết định mệnh của triết học Tây phương. Nhưng chỉ khác ở chỗ là cái định mệnh của nhà Phật do tự mình định ra, chứ không phải tự ở sức người sai khiến. Thành thử cái thuyết nhân quả vẫn để cho mình có cái hoàn toàn tự do".

Và một cách rất hợp luận lý, lời giải thích đó đưa ta đến kết luận: "Văn dĩ tải đạo" (Văn dùng để chở đạo). Nguyễn Du đã làm cái việc của người muốn phổ biến một tư tưởng triết học lên văn chương. Ông là nhà văn đại biểu của Phật giáo và ý thức được một cách rõ rệt trách vụ của mình.

 

*


Lời giải thích đó thoạt nhìn, ta thấy hầu như có một giá trị hiển nhiên. Rất nhiều lời thơ trong tác phẩm của Nguyễn Du làm ta liên tưởng đến đạo Phật. Chữ mệnh trong truyện Kiều mang nặng sắc thái đạo Phật. Cái nghiệp mà con người tự "mang lấy vào thân" làm ta liên tưởng tức khắc tới thuyết nhân quả của đạo Phật. Tự do và định mệnh trong tác phẩm Nguyễn Du có thể dung hoà được vì đó là những tư tưởng phản ảnh một khía cạnh của đạo Phật.

Nhưng trong Đoạn trường tân thanh còn những nghi vấn bắt người đọc phải suy nghĩ sâu rộng hơn. Biết rằng số mệnh của Thuý Kiều sẽ gian khổ là một điều quen thuộc với ta. Nhưng chính vì quá quen thuộc nên đôi khi ta đã bỏ quên những nét lạ nơi người thân, không nhìn thấy nhan sắc của người đàn bà gần gũi. Ta hãy hỏi: Những ai đã biết Thuý Kiều bị ghi tên trong sổ Đoạn trường? Không phải chỉ có Nguyễn Du, người tạo ra Thuý Kiều, độc giả, kẻ chia sớt niềm đau xót của đời Kiều, Đạm Tiên sứ giả của định mệnh, mà chính cả Thuý Kiều, người trong cuộc cũng biết rõ, biết trước cái hoàn cảnh của mình, đất đứng của mình. Nguyễn Du đã để cho Đạm Tiên báo rõ cho Kiều. Chính Thuý Kiều cũng biết mình sẽ được đặt lên chiếc xe của Định mệnh để lang bạt trong cuộc đời. Chính Kiều cũng biết rằng "hồng nhan" thì phải "bạc mệnh", "tiền oan" thì phải "túc trái" vì nhân quả là nghiệp dĩ. Thế tại sao khi Kiều đã được người anh hùng "vai năm tấc rộng, thân mười thước cao"đưa về chỗ ngồi của bà mệnh phụ, nàng lại nghĩ đến chuyện đền ơn trả oán? Làm gì có ơn và oán mà trả? Tú bà, Hoạn Thư, Mã Giám Sinh, v.v., có làm gì đâu mà đáng bị xử phạt? Thúc Sinh có làm gì đâu mà đáng được khen tặng? Họ chỉ là những quân cờ, những lá bài của Định mệnh. Định mệnh đã đẻ ra họ để thi hành bản án của sổ đoạn trường, để hành hạ Thuý Kiều. Không có quân cờ này sẽ có quân cờ khác. Không có Tú bà này sẽ có Tú bà khác. Số cô Kiều phải khổ thì cô sẽ khổ cơ mà. Tại sao lại đền ơn, trả oán những quân cờ của Định mệnh, những quân cờ vô tội vì không phải là kẻ chủ mưu hành hạ Thuý Kiều – Thí dụ họ đã có lỗi sự thật vì tại sao Tú bà này lại không nhường việc hành hạ Thuý Kiều cho Tú bà khác lại cứ đồng loã với Định mệnh mà làm tranh thì Kiều cũng lại phải để cho Định mệnh xử phạt họ chứ – Để cho họ đền tội oan trái trong một kiếp sau chứ. Kiều đã biết rõ cái luật nhân quả, tại sao lại còn làm lấy việc công lý, tránh sao khỏi lệch lạc và làm thế nào tránh khỏi oan trái một lần nữa? Thuý Kiều đã ý thức được cái mệnh, cái nhân và cái quả tại sao lại làm việc thiếu ý thức đó?

Ta có thể đẩy câu hỏi đi xa hơn nữa. Thuý Kiều đã đền tội và nàng đã được ân xá. Nàng đã bị đẩy lên con đò Định mệnh nhưng qua những cơn giông tố thuyền lại cập bến và trên bờ Kim Trọng đang đứng đấy, ưu tư. Hoàn cảnh của chàng Kim đã thay đổi chút ít. Kim Trọng đã kết hôn cùng người em gái của vị hôn thê. Nhưng tâm hồn của Kim Trọng còn ngát hương hoa của đêm trăng hò hẹn dưới hiên Lãm Thuý. Chàng lại muốn làm "lành" lại tấm gương đã vỡ, muốn giữ trọn vẹn "lời nguyền xưa", lời "thâm giao" có đất trời chứng kiến nên "dẫu rằng vật đổi sao dời, tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh". Kim Trọng sẵn sàng kết hôn với Thuý Kiều bởi vì chàng cho rằng "chữ trinh kia cũng có ba bảy đường". Nên chàng sẵn sàng xoá bỏ tất cả như bụi phấn trên một tấm bảng đen. Và không phải chỉ Kim Trọng, con người si tình mới lý luận, ước muốn như vậy. Cả "hai thân thì cũng quyền theo một bài". Cha mẹ Kiều, tượng trưng cho đạo lý, khuôn sáo của cuộc đời cũng du đẩy Kiều vào chỗ kết lại duyên xưa.

Nhưng đứng trước tất cả như thúc đẩy, cầu xin đó Kiều đã trả lời ra sao? Người con gái đẹp gian truân đó chỉ biết "cúi đầu" để ngắn dài thở than. Nàng đã viện vô số lý lẽ để chối từ: nàng chỉ tự cho là một làn "hương dưới đất", một loài "hoa cuối mùa". Nàng muốn đổi "duyên cầm sắt ra duyên cầm kỳ". Nhưng tại sao nàng lại chối từ?

Nếu Kiều chỉ là một nạn nhân của định mệnh thì mọi hành động của nàng đều vô trách nhiệm cơ mà. Bị một tên hung bạo dí súng vào lưng bắt làm điều vô lý, kẻ nạn nhân hành động vì bạo lực áp bức bao giờ cũng được tha thứ vì họ không muốn làm, họ làm mà không được trọn quyền tự do. Chỉ có trách nhiệm khi nào có tự do, ta đều biết như vậy. Nên ta phải hỏi "Tại sao Kiều lại chối từ không trở về với Kim Trọng?". Và nàng đã lý luận một cách rất nguỵ biện, chẳng hạn như "Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy", "Thì còn em đó, lo cầu chị đây",hoặc "Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm". Tại sao lại như vậy? Duyên "bạn bầy" và "duyên đôi lứa" khác nhau xa chứ? Làm thế nào có thể "sắt cầm" mà không chăn gối được? Tại sao?

 

*


Lý luận yếu đuối, ngập ngừng của Thuý Kiều trong những giờ phút tái hợp phản ảnh một sự kiện gì? Có liên lạc gì với sự mâu thuẫn giữa Tự do và Định mệnh trong tác phẩm của Nguyễn Du không? Nếu mà bảo Nguyễn Du muốn "kết hậu" thì tại sao lại có chuyện rẽ duyên đó? Tại sao không để Kiều và Kim Trọng lấy nhau bởi vì đa thê có gì là xấu xa với luân lý đương thời đâu?

Sự yếu đuối, non nớt, nguỵ biện trong lời lý luận của Kiều phải chăng là dấu hiệu của một sự lo âu dài hạn, lo âu được đúc kết từ những ngày biệt ly trong những năm về trước.

Bài toán có những ẩn số chứa đựng trong nỗi phân vân của Thuý Kiều trước khi bán mình chuộc cha. Trước khi quyết định Kiều đã "đặt vấn đề", đã cân nhắc thiệt hơn với tất cả tâm hồn sáng suốt. Có ít nhiều tình cờ trong câu chuyện, tất nhiên. Những tình cờ mà Nguyễn Du gọi là số mệnh và cả những người đọc thơ họ Nguyễn cũng gọi như vậy. Tại sao thằng bán tơ không hại ai mà lại nhằm đúng một gia đình "bậc trung" có hai con gái đầu lòng mà người trưởng nữ lại có một vẻ đẹp "sắc sảo mặn mà" để tác quái? Phải, ta có thể gọi sự kiện đó là sự kiện mang ít nhiều sắc thái tình cờ. Nhưng đó phải chăng cũng chỉ là một trong muôn một sự tình cờ của đời ngườimà ngày nay ta quen gọi là những hoàn cảnh của đời người? Sự có mặt của một con người trên cõi đời đã là một sự ngẫu nhiên kỳ ngộ rồi. Tại sao lại có ta? Không có, có phải tiện hơn không? Tại sao ta da vàng mà lại không trắng, đỏ hoặc đen? Tại sao lại làm con ở gia đình họ Vương mà không lộn sòng đến một cửa nhà quyền tước nào khác? Những hoàn cảnh bọc quanh một đời người kể ra vô vố. Đứng trước những hoàn cảnh đó con người hoàn toàn tự do chấp nhận hoặc chối bỏ. Không ai hỏi ý kiến ta trước khi sinh ra. Nhưng không ai cấm ta từ bỏ cuộc đời nếu thấy nó vô nghĩa, không đáng sống. Hoàn cảnh vậ hạn của gia đình họ Vương là một sự kiện rõ rệt. Kiều nằm trong hoàn cảnh đó cũng như mỗi người bị chi phối bởi vô số hoàn cảnh của cuộc đời. Nhưng hoàn cảnh không bắt ta có một thái độ cố định. Ta chọn lấy thái độ của ta trước hoàn cảnh. Thằng bán tơ không hề bắt buộc hoặc khuyên nhủ Kiều bán mình chuộc cha. Cha mẹ Kiều cũng không bắt buộc nàng. Trái lại, các người lại còn can ngăn vì e ngại: "Nỡ đày đoạ trẻ, càng oan khốc già". Nhưng đứng trước hoàn cảnh đó Kiều đã chọn lựa. Nàng đã sáng suốt lý luận: nếu một mình nàng hy sinh đi thì an toàn của gia đình sẽ trọn vẹn. Trái lại nếu Kiều ở lại đợi chờ Kim Trọng thì gia đình sẽ tan nát và nàng cũng sẽ lênh đênh. Một là mất nàng mà được toàn gia. Hai là gia đình tan nát mà Kiều cũng chẳng vẹn toàn. Những con số của bài toán đó Kiều đã bày ra trọn vẹn trước mắt: "Thà rằng liều một thân con. Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây…" hoặc nếu ở lại thì "Tan nhà là một, thiệt mình là hai…".

Cho nên có một hoàn cảnh trớ trêu nhưng cũng có một Thuý Kiều tự do chọn lựa con đường đi của mình trước hoàn cảnh đó. Không phải Thuý Kiều đã đi vào con đường một chiều. Nàng đứng trước ngã ba xem một bản hoạ đồ trước khi đi vào con đường gai góc.

Nếu ta gọi hoàn cảnh đó là định mệnh thì chính Kiều đã chọn định mệnh. Nàng đã đem lại cho định mệnh giá trị của định mệnh bởi vì nếu nàng không tự ý bán mình chuộc cha thì làm gì có định mệnh cho đời nàng. Nàng đã tính toán: cửa nhà tan nát và mình sẽ lênh đênh. Nhưng đó mới là một giả thuyết. Có thể cửa nhà sẽ tan nát nhưng còn nàng sẽ được đoàn tụ với Kim Trọng thì sao? Làm gì còn định mệnh? Tự do của Thuý Kiều đã đẻ ra định mệnh.

Đứng trước cuộc lựa chọn đau đớn của Kiều những người không phải hy sinh, những người tắc trách đều muốn tin vào số mệnh để an ủi lương tâm. Tại sao Vương Quan không ra tay chèo lái? Tại sao Thuý Vân không bán mình? Vương Quan, Thuý Vân đều muốn tin ở cuốn sổ đoạn trường của Thuý Kiều vì tiện lợi biết bao! Và Kiều từ hành động tự do đó nàng đã không thể trở về với dĩ vãng được nữa. Vì nàng tự do nên mới có cuộc đền ơn trả oán khi được người anh hùng dọc ngang trời đất sủng ái. Nàng đã hành động tự do nên không thể trở về kết duyên cùng Kim Trọng. Nếu chấp nhận đề nghị "kết tóc se tơ" cùng họ Kim tức là Kiều đã phủ nhận tất cả những hành động tự do của đời nàng, phủ nhận sự hy sinh có suy tính kỹ lưỡng, ý thức đầy đủ của nàng, phủ nhận tự do của nàng. Lấy Kim Trọng tức là công nhận làm một quân cờ của định mệnh, một lá bài của cuốn sổ đoạn trường. Kiều đã từ chối lời đề nghị của Kim Trọng. Nàng không lý luận hệt như ta vừa nói, vừa diễn tả. Nhưng trong lời từ chối nguỵ biện của nàng đã phản ảnh đầy đủ niềm âu lo, dấu hiệu của sự công nhận tự do, của mọi hành động tự do trọn vẹn.

 

*


Và từ niềm lo âu của Thuý Kiều ta có thể nhìn thấy ít nhiều tâm trạng lo âu lớn rộng của con người Nguyễn Du. Cũng như Thuý Kiều bị đặt trước một số hoàn cảnh, Nguyễn Du cũng vậy. Họ Nguyễn cũng như nàng Kiều và những kẻ đồng cuộc ưa giải thích sự ngẫu nhiên của cuộc đời, giải thích mọi hành động của mình là kết quả của số mệnh, là quả của một cái nhân kết lại từ xưa. Nhưng cũng như Kiều đã phục hồi tự do của mình, Nguyễn Du đã cảm thấy cái thuyết định mệnh bó chặt lấy đời người đó gò bó quá. Có người đời sau đã ngợi khen họ Nguyễn đã làm việc "đem văn ra chở đạo". Có người khác lại chê Nguyễn Du vì ông chỉ là phản ảnh cái ý thức hệ, cho giai cấp sĩ phu thời đại. Nhưng cả hai bên, người muốn "Phật hoá", kẻ định "mác xít hoá" Nguyễn Du đều biến ông thành một sự kiện, thành một con người thụ động chỉ biết tiếp nhận những ảnh hưởng thời đại mà không hề có phản ứng lựa chọn. Xã hội theo thuyết nhân quả thì văn Nguyễn Du chỉ là cái xe chở đạo. Giai cấp sĩ phu thời đại có những ý nghĩ đó, thì Nguyễn Du thành một phần giai cấp cũng phải nghĩ như thế.

Thi sĩ Tiên Điền đã tiếp nhận những luồng tư tưởng, những ảnh hưởng đến từ bốn phương, từ trăm ngả cuộc đời. Tiếp nhận nhưng họ Nguyễn vẫn muốn góp một ý kiến. Cũng như mọi người, Nguyễn Du đã muốn nghĩ rằng cái "số" đã đẩy mình vào cảnh "hàng thần lơ láo" như một người con gái ở hồng lâu. Nói thế nhưng thi sĩ vẫn cảm thấy rằng chưa đủ. Nguyễn Du có thể tự hỏi: Nếu tất cả mọi người làm công việc quy thuận đó đều quy lỗi vào số mệnh thì làm gì còn ai có trách nhiệm về bất cứ một việc gì nữa? Kẻ phản quốc đã bán nước vì số bán nước. Người yêu nước cũng chẳng có công lao gì vì số yêu nước. Cuộc đời sẽ ra sao? Số mệnh hay nói cho đúng hơn hoàn cảnh đã tạo nên cảnh "vật đổi sao dời" thì mình phải duy trì lại trật tự chứ. Chấp nhận trật tự mới là công nhận, đồng loã rồi.

Cho nên nghĩ rằng tại số, họ Nguyễn vẫn cảm thấy rằng cũng không phải là hoàn toàn tại số. Nếu cô Kiều vẫn có tên trong sổ đoạn trường mà vẫn đền ơn trả oán, vẫn không se duyên cùng Kim Trọng. Những mâu thuẫn đó là dấu hiệu của những âu lo. Đó là niềm âu lo của nhân vật Thuý Kiều. Đó cũng là niềm âu lo của thi sĩ Tiên Điền Nguyễn Du. Đứng trước một hệ thống tư tưởng cổ truyền đã được bắt rễ từ muôn đời, đã được sức bảo vệ của phong tục tập quán, Nguyễn Du chỉ có âm thanh làm vốn liếng. Ông chỉ là một người thơ – thi sĩ không thể góp ý kiến, đổi mới một hệ thống tư tưởng cổ truyền. Nhưng Nguyễn Du vẫn không chịu là một sự kiện, một tấm gương phản chiếu. Ông đã tỏ dấu âu lo. Ông đã nhảy bừa vào mảnh đất tự do. Chưa xây được một đoạn đường dài tư tưởng, Nguyễn Du qua những mâu thuẫn của tác phẩm, đã chiếm được một chỗ đứng trên nẻo đường tự do đó.
 

(*):  Vũ Hoàng Chương – Nguyễn Sỹ Tế – Nguyễn Văn Trung – Trần Bích Lan – Đinh Hùng – Doãn Quốc Sỹ – Việt Tử – Trần Thanh Hiệp – Phạm Thếng – Thanh Tâm Tuyền – Vũ Khắc Khoan – Nguyễn Thị Sâm)


[1]Xin đọc thêm: “Để giải quyết mâu thuẫn trong Đoạn trường tân thanh " – Trần Thanh Hiệp, cũng trong tập này.
[2]Rien ne nous rend si grands qu’une grande douleur.
[3]Les chants désespérés sont les chants les plus beaux.
Et j’en sais d’immortels qui sont de purs sanglois
[4]Gémir, pleurer, prler est également lâche.
Fais énegiquement la longue et lourde tâche
Dans la vole où le sort a voulu t’appeler,
Puis après, comme moi, souff re et meurs sans parler.
[5]Hiểu theo nghĩa mới của “những nhân bản” của thế kỷ chúng ta.

Nguồn: Chân dung Nguyễn Du, in tại nhà in Nam Sơn, 36 Nguyễn An Ninh, Sài Gòn. Kiếm duyệt số 401/XB ngày 08-3-1960. Bản điện tử do talawas thực hiện.

  Các Tin khác
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65980030

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July