(Baonghean.vn) – Sáng 28/5, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tổ chức Hội thảo khoa học "Đưa dân ca ví, giặm vào trường học".
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL, các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài tỉnh, giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật cùng đông đảo học sinh, sinh viên.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
1 năm sau khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiều thuận lợi cũng như thách thức đặt ra cho loại hình âm nhạc truyền thống của người dân xứ Nghệ.
Trong đó, vấn đề lớn nhất là tìm các giải pháp thích hợp để bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong bối cảnh thế giới phẳng, sự hội nhập và toàn cầu hóa sâu rộng.
Ông Hồ Mậu Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở VH-TT&DL phát biểu tại hội thảo. |
Một trong những giải pháp được đồng thuận và triển khai từ nhiều năm qua, đó là đưa dân ca ví, giặm vào trường học. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy đây là vấn đề mới và khó.
Tại hội thảo, lãnh đạo ngành VH-TT&DL, các chuyên gia văn hóa và các giảng viên, giáo viên các trường học trên địa bàn tỉnh đã đánh giá thực chất, thẳng thắn thực trạng việc truyền dạy dân ca trong xã hội (trên truyền hình, các CLB, dạy dân ca trong nhà trường); đóng góp kinh nghiệm và đề xuất các chương trình, tài liệu dạy học dân ca và phương pháp tổ chức dạy học…
Truyền dạy dân ca tại xã Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh tư liệu. |
Đồng thời, hội thảo cùng bàn bạc, thảo luận một số nội dung trọng tâm: cơ sở lý luận của việc đưa dân ca ví, giặm vào trường học; chủ trương và cơ chế thực hiện; điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, giáo trình giảng dạy… Tất cả nhằm mục tiêu làm rõ những thuận lợi và khó khăn trong việc đưa dân ca vào trường học, từ đó xác định các giải pháp hiệu quả, có khả năng đảm bảo cho dân ca có sức sống bền vững và lâu dài trong xã hội đương đại.
Phước Anh
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/xa-hoi/van-hoa/201605/bao-ton-va-phat-huy-dan-ca-vi-giam-tu-noi-truong-hoc-2699301/