Tiết mục của xã Đông Hiếu (Nghĩa Đàn, Nghệ An) trong Liên hoan dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh 2012
Dân ca Ví Giặm xứ Nghệ là sản phẩm từ đời sống lao động và chiến đấu hàng nghìn năm của dân cư xứ Nghệ, miền đất thiên nhiên khắc nghiệt, nắng lửa, gió Lào, rét như cắt da cắt thịt, của những con người cần cù, thông minh, cá tính, dạt dào sức sống.
Lạ kì thay, như bông hoa xương rồng trên cát, sinh ra từ mảnh đất cỗi cẵn, từ những giọt mồ hôi mặt chát, từ đời sống còn quá nhiều vất vả đắng cay, Ví Giặm lại có âm điệu ngọt ngào tha thiết, đằm thắm, chan chứa yêu thương, như dòng suối mát, như giọt sương mai lấp lánh tình yêu, niềm tin và hi vọng.
Bao thế hệ người Nghệ đã lớn lên trong lời ru của mẹ, của ông bà, tiếng hát của chị, của cha, để rồi những làn điệu ngọt ngào tha thiết thấm đẫm tâm hồn, trở thành một di sản tinh thần ôm ấp trong tim. Hơn thế, những làn điệu đó đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm trái tim, thành chỗ dựa về mặt tinh thần, thành nơi hội tụ những tấm lòng thương nhớ quê hương của những người con xa xứ.
Năm Giáp Ngọ 2014 là thời điểm đặc biệt có ý nghĩa đối với dân ca Ví Giặm xứ Nghệ. Hồ sơ đề nghị xem xét vinh danh Ví Giặm Nghệ Tĩnh đã được hoàn tất, đặt lên bàn của UNESCO.
Theo NSƯT Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Nghệ An, trong năm Con Ngựa 2014, UNESCO sẽ xem xét ghi danh dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đó là một niềm vinh dự, tự hào lớn của văn hóa xứ Nghệ, quê hương của hai anh hùng văn hóa được nhân loại tôn vinh là Nguyễn Du (Hà Tĩnh) và Hồ Chí Minh (Nghệ An).
Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã nỗ lực rất nhiều trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản dân ca Ví Giặm. Nghệ An có Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, Hà Tĩnh thành lập Nhà hát nghệ thuật truyền thống. Các nghệ sĩ, diễn viên của hai nhà hát hăng say sưu tầm, nghiên cứu, biểu diễn và sáng tạo các làn điệu dân ca dù trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn thiếu thốn.
Hai tỉnh có hàng trăm CLB dân ca với hàng nghìn thành viên, hàng trăm nghệ nhân được tôn vinh.
Vào năm 2012 và 2013, hai tỉnh đã phối hợp tổ chức Liên hoan Dân ca Ví Giặm xứ Nghệ. Chương trình có sức lan tỏa lớn trên phạm toàn quốc.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Với sức lấn át của các loại hình văn hóa nghệ thuật, giải trí hiện đại, dân ca ngày càng vắng bóng trong cuộc sống. Giới trẻ ít quan tâm, đam mê dân ca. Các nghệ nhân nắm vững các bài bản gốc ngày càng mai một. Môi trường diễn xướng của dân ca xưa không còn.
Dân ca Ví Giặm đang đứng trước nguy cơ trở thành di sản cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Do đó, thiết nghĩ, cần phải có sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và toàn thể cộng đồng để bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản dân ca xứ Nghệ.
Hi vọng rằng, từ năm Giáp Ngọ, dân ca Ví Giặm xứ Nghệ sẽ được quan tâm hơn, có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa cư dân xứ Nghệ và cả nước.