Lược trích trong cuốn “Ví phường vải” của Nguyễn Tất Thứ
Hết ví lối chơi tiếng, chơi chữ phường vải lại xoay sang chơi Nôm. Ở đây lời ví chỉ toàn bằng tiếng Nôm – một thứ Nôm đặc biệt của dân quê gốc rễ. Không phải những tiếng khiến người ta phải xoay từ âm này ra chữ khác như trên. Xin dẫn một vài câu:
Mấy lời trỏ trẻ, trây tra
Nỉ non duyền trước, dần dà tình sau.
Câu này ý nói: mấy lời non nớt bây ba để tỉ tê tâm sự cùng nhau rồi sau này sẽ tiến tới tình ngãi với nhau. Nhưng chỗ làm người ta khó đối nhất là tiếng trẻ, tra, non, dà (già) cùng những tiếng đi cặp đôi với nó.
Đã ví phường vải, dù khó thế nào cũng phải đối, nếu không sẽ bị đối phương ví kháy, đến xóc xương. Vậy muốn đối lại, ít ra cũng phải gò được một câu như:
Đừng còn láo lớn, tăm tiu
Tỉ to chuyện vắn, đìu hiu tình dài.
Khi chơi nôm phường vải còn dùng cả lối lái
Hay Nôm có khách hôm nay
Thấy chàng đã mấy tháng chầy không đi.
Trong câu ví có tiếng nói đi rồi lái lại: Hay Nôm – hôm nay; thấy chàng – tháng chầy.
Đã gặp phải lối ví ngoắt nghoéo như thế, khách nhởi cũng phải đối cho thật lọt cả từ lẫn ý mới có thể gọi là “thầy nho đi ví phường vải”. Vậy hãy thử xem thầy nho đã đối như thế nào?
Đi rông gặp buổi đông ri
Thì đương bông vải thường đi cõi này.
Khổ biết bao cho người đi ví, đã đối là phải đối cho chỉnh, lại còn phải đáp nữa. Nếu đối mà không đáp tức sẽ bị sổ truôn, đáp mà không đối cũng bị chị em loại ra ngoài ngõ.
Chúng ta cũng nên tham khảo thêm một lối chơi Nôm rắc rối hơn bậc nữa. Phải ! Câu ví chỉ bằng tiếng Nôm như ta thường dùng như nó lại có thể vặn sang âm chữ Hán nó cũng tương đương với lối chữ Tây và quốc ngữ nói ở phần trên, vì dụ:
Dần dà một tý can chi
Quý ra khỏi ngọ vị chi đến nhà.
Chỉ một câu giản dị, bình thường như thế, ta thử lượm xem: dần, tý, can, chi, ngọ, vị. đó là những tiếng thuộc về bộ can – chi.
Lại còn một lối mà ta có thể vặn ra vừa chữ, vừa nghĩa cùng nằm trong câu ví:
Ra về thiếp dặn thiệt nha
Mai răng cũng lại đàng nhà thiếp chơi.
Có bốn tiếng thiệt, nha và răng, lại (chữ Hán: thiệt là lưỡi, nha là răng)
Có câu ta phải vặn một âm ra đôi ba chữ, một chữ ra đôi ba nghĩa như xoay một ván bài tổ tôm vậy:
Mấy phen tri kỷ biết mình
Trăng nhâm gác ngõ, gà canh gáy dần.
Trước hết hãy nói về một chữ kỷ ở nửa trên câu ví. Cùng một âm mà ở trong câu này chữ kỷ đã biến thành ba chữ và ba nghĩa khác nhau. Kỷ là mấy, kỷ là mình, lại còn chữ kỷ thuộc về bộ can chi để cùng đi luôn một chuỗi với nửa dưới câu ví: nhâm, ngọ, canh, dần.
Muốn đối đáp cho lọt cả từ lẫn ý câu trên, phải ghép một câu như:
Chưa khi hương vị ngát nồng
Bóng dần trước dậu (1) sao đông láy đoài.
Chữ vị trong câu này cũng gánh đủ ba nghĩa như chữ kỷ của câu ví trên. Vị là chưa, vị là hương (mùi), lại còn chữ vị trong bộ can chi để cùng một chuỗi với dần dậu, đồng, đoài. Mà ý nghĩa của câu ví cũng đã họa lại cùng nhau rất chỉnh.
Lại còn những câu toàn bằng tiếng nôm mà ta có thể vặn ra chữ tiếp liền với nghĩa, nghĩa tiếp liền với chữ:
Cửa song dựa ỷ (2) viết thư
Thân mình liệu tính đợi chờ ai thương.
Nửa trên thấy rõ ràng nghĩa rồi tiếp đến chữ (song, ỷ, thư). Nửa dưới thì chữ rồi tiếp đến nghĩa (thân, liễu, đợi, ai).
Đi ví phường vải mà phải đối đáp một câu gò gập như thế thì thật là tai nạn. Nhưng biết là tai nạn vẫn phải bóp óc cho ra để đối. Thầy nho phải hút một điếu thuốc, ăn một miếng trầu, uống một đọi “nác mới” để lấy đà cho sự suy nghĩ. Nếu thầy chịu không đối được, thác cớ ra về, tức thời bị chị em đưa chân một câu:
Nghe chàng học thuộc ngũ kinh
Đến đây chàng lại làm thinh ra về?
Thế là phường vải đã quệt vào trán thầy rồi đó! Hôm sau, nếu thầy nho còn tới vì von nữa, họ lại cứ đưa câu hôm trước ra, bao giờ thầy nho đối cho thật chỉnh nghĩa, chỉnh ý họ phường vải mới chịu tha.
Năm xưa trong Huế, có người ra một vế đối chỉ mấy tiếng:
Không vô trong nội nhớ hoài
Ý thì đã rõ, nhưng cần phải thấy: vô cũng là không, nội cũng là trong, hoài là nhớ. Nếu đối được câu này, cần phải gò làm sao để có một số cặp từ vừa Hán vừa Việt phải đồng nghĩa với nhau mà đọc lên thì cứ tưởng như một câu nói nôm na bình thường.
Người đối cũng nhiều nhưng chẳng có câu nào đáng được kể là hay. Về sau, lựa mãi mới được vài câu như:
Đi chi đường đạo sợ cụ.
Đối được thế cũng khá, nhưng ý thì chẳng ăn nhập gì với câu ra. Nghĩa mới là mới đối chứ không có đáp.
Vậy mà phường vải lại ra một câu dài hơn – một câu lục bát hẳn hoi – buộc vừa phải đối, vừa phải đáp. Như thế trách gì chẳng có một đôi thầy nho đã phải điểm cái thời gian nghĩ ngợi bằng những đọi “nác mới” đầy vèn để say váng lên rồi đâm ra lần khân, thướt người trên tràng kỷ mà ngủ quên đi lúc nào không biết để các o phải réo lên:
Múc nước thùng sơn,
Dội nước thùng sơn,
Ai thức chàng dậy giả ơn ngàn vàng!
Khốn nỗi thầy nho còn bóp bụng nghĩ chưa ra nên cứ vờ ú ớ mê ngủ làm cho phường vải lại lên tiếng lần nữa:
Xin chàng tỉnh dậy đừng mê
Đem lời tú sĩ mà đề non cao.
Đã đến lúc các o phải lớn tiếng thúc dục đôi ba lần, thầy nho không vờ ngủ nữa, đành phải đỡ đòn bằng câu:
Khó khăn, khăn khó như ri
Giờ mà đối được con chi nữa tình!
Thế là còn nhanh trí đấy. đánh nước “tẩu” một cách ngọt nhạt chứ không thì còn bị ví kháy mũi mãi đến mướt mồ hôi!
Bây giờ ta thử lắng nghe một thầy nho có tài hơn, cất giọng đối lại câu trên của phường vải:
Nhà hiên gối chẩm đàn cầm
Tâm lòng tư nghĩ âm thầm ta than.
Đối đáp được như thế có lẽ phải gọi là hay lắm, tài tình lắm. Các o nhất định phải cất giọng oanh vàng ca ngợi:
Thưa rằng đánh giá Thịnh Đường
Ước gì thiếp bén duyên chường, chường ơi!
Cũng cần dừng lại ở câu ví của thầy nho trên một chút. “Nhà hiên gối chẩm đàn cầm” cho ta thấy rõ nghĩa rồi tiếp đến chữ: (hiên, chẩm, cầm); “Tâm lòng tư nghĩ âm thầm ta than”, ta lại được thấy chữ rồi tiếp đến nghĩa: (tâm, tư, âm, ta).
Ví phường vải đã nói: “Thân mình liệu tính đợi chờ ai thương” cho nên thầy nho mới đành đau khổ (!) trả lời: “Tâm lòng tư nghĩ âm thầm ta than”.
======
(1) Bóng dần trước dậu: Bóng giờ dần đã lùa về trước bờ dậu
(2) Ỷ : là cái tràng kỷ
Nguồn : Ví dặm đò đưa
|