Đã đi nhởi đến phường vải, dù khó thế nào cũng phải đối, nếu không sẽ bị phường ví kháy, đến xóc xương. Kể cũng khổ biết bao cho các thầy nho đi ví, không những đã đối là phải đối cho chỉnh, lại còn phải đáp nữa. Nếu đối mà không đáp tức sẽ bị sổ truôn, đáp mà không đối cũng bị chị em loại ra ngoài ngõ…
a) Chơi tiếng :
Là khi ví tới cái gì, người ta gò gập những tiếng cùng loại vào một câu:
Ví dụ: Muốn nói về thú uống rượu thì câu ví sẽ là:
Ấm thân hồ hởi chai lơ
Bàn hoàn chung chén nhắm chờ ai đây?
Cái nghĩa chính của câu ví là: Thân phận của thầy nho đã đầy đủ, hả hê, say say, tỉnh tỉnh rồi, bây giờ còn rắp ranh nhòm ngó ai đây? Những chỗ dụng công của câu ví lại là ấm, hồ, chai, bàn, chung, chén và còn thêm cả nhắm thì thật là đầy đủ về tửu soạn lẫn tửu hứng.
Nhớ lại một câu rút từ ca dao:
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Uổng công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mảng vui quên hết lời em dặn dò
Nhưng về đến Phường vải, nó phải biến dạng đi một chút:
Tay cầm bầu rượu, nắm nem
Mảng lòng, chả nhớ lời em dặn dò.
Phường vải đã gò thêm hai món đồ nhắm “lòng, chả” vào câu ví cho đủ bộ với “bầu rượu, nắm nem” và “giò”. Lối chơi tiếng này làm lợi thêm hai món ăn ngon lành, chắc các tữu đồ phải vui lòng lắm lắm.
Nói về thú chơi cờ, cũng như thú uống rượu, Phường vải có những câu ví:
Tướng chàng nho sĩ tốt tươi
Ước chi thầy mạ xe đôi cho chàng.
Ý tứ đã duyên dáng mà nghệ thuật chơi tiếng cũng tái tình. Ta thử xem: Tướng, sĩ, tốt, mã, xe, toàn là những quân cờ trọng dụng trong cái thú “cháy đến nhà giữa vẫn chưa nôn”.
Muốn ghép nhiều quân cờ hơn, người ta sẽ ví:
Lên voi, xuống ngựa, tốt chiều,
Chàng gan tướng sĩ, thiếp liều pháo xe.
Tài tình và kín đáo biết bao! So về ý tứ có lẽ hai câu này tế nhị mà lại đáo để hơn hai câu thơ của Hồ Xuân Hương:
Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Muốn cho tao nhã văn vẻ hơn, phương vải ví:
Bấy lâu cờ tướng quân ngà
Chờ chàng xa mã độ hà sang chơi.
Lối chơi tiếng này còn có trong những làn đối khác. Ví dụ muốn ghép những tiếng về hoa quả, người ta ví:
Đã cam quấn quýt má đào
Cậy ai tin nhãn mái trao lầu hồng.
Ghép về màu sắc
Cắn trong giữ giá nhà vàng
Răng đen, má đỏ đợi chàng đầu xanh.
Ghép các bộ phận của cây:
Ngọn ngành, cội rễ tỏ tường
Cũng tay lèo lá, cũng phường tài hoa.
Ghép tên khoáng sản, kim loại:
Sắt son đanh đá vững vàng
Đã không phụ bạc, lại càng đồng tâm.
…
Mấy khi người ngọc, hội đồng,
Trăng in vẻ bạc, gió rung tiếng vàng.
…
Xa tiền, viễn chí tiêu dao
Thiên môn đồng nữ ra chào đồng nam.
b) Chơi chữ :
Ngoài việc làm sáng tỏ các ý trong câu ví, câu đáp, những người chơi chữ còn phải dụng công tìm tòi những chỗ lắt léo, cầu kỳ trong việc ghép các chữ Hán (có khi cả chữ Tây) làm cho câu ví sinh động, tài tình mang ý nghĩa thú vị bất ngờ.
Muốn cho nhật nguyệt đồng minh
Ngày Nghiêu, tháng Thuấn thái bình câu ca.
Mới nghe người ta có thể hiểu: Phường vải tỏ ý muốn mặt trăng, mặt trời được tỏ rạng như nhau và ngày tháng nào cũng được thái bình, vui vẻ như đơi Nghiêu, Thuấn. Nhưng các thầy nho đi nhởi còn phải hiểu thêm về dụng công của câu ví: chữ nhật gép với chữ nguyệt thành chữ minh, lại còn có nghĩa chữ nhật là ngày, nguyệt là tháng (đều có trong câu ví).
Câu ví còn cầu kỳ khắt khe hơn:
Muốn cho một tháng đôi trăng
Muốn cho lưỡng nguyệt tác bằng cho vui.
Theo luật tuần hoàn thì mỗi tháng chỉ có một tuần trăng. Nhưng phường vải lại muốn có một tháng có hai tuần trăng và còn muốn hai tuần trăng ấy hòa hợp nhau cho thêm vui vẻ. Vậy đã là thầy nho đi nhởi thì phải hiểu thêm: nguyệt là tháng, nguyệt là trăng lại lưỡng nguyệt là đôi trăng và hai chữ nguyệt ghép lại là thành chữ bằng.
Với lối chơi chữ thì những câu trên vẫn chưa phải là quá hắc búa, còn có những câu rắc rối hơn nhiều.
Muốn cho tử tế nhất môn
Nhị văn khẩu vấn rể con một nhà
Ý của phường vải muốn nói: nếu muốn được tốt lành trong gia đạo, khi ước định lương duyên với nhau phải tai nghe miệng hỏi phân minh, về sau rể con mới có thể chung chạ với nhau một nhà được. Nhưng cái điểm trọng yếu của câu ví lại ở chỗ: chỉ một chữ môn mà thêm chữ nhị vào sẽ thành chữ văn. Mà nếu thêm chữ khẩu sẽ thành chữ vấn. Lại còn “tử tế nhất môn” và “rể con một nhà” như ta đã thấy trong câu ví.
Cũng có những câu rõ rệt hơn:
Ba người ngồi bóng mặt trời
Cửa đông cỏ mọc chàng thời đối chi ?
Chẳng là ba chữ tam nhân nhật ghép lại thành chữ xuân (ba người ngồi bóng mặt trời) và chữ môn thêm chữ đông và cái thảo đầu là thành ra chữ lan (Cửa đông cỏ mọc). Như thế là phường vải xướng lên hai chữ xuân lan thì thầy nho đi nhởi phải cố sức gò làm sao cho câu ví của mình có được hai tiếng thu cúc mà đối.
Với lối chơi chữ khắt khe này, họ chẳng những chơi chữ hán mà còn chơi cả chữ Tây và quốc ngữ nữa:
Sao rua gọi suốt ngày đêm
Lòng anh mến mãi dạ em mê hoài
Ở câu ví ta thấy có bốn tiếng: rua (jour), ngày em mê (aimer) mến. Lại như câu:
Anh ca, em hát cũng hay
E ra khỏi ngõ, o này cu tê !
Ta lại thấy được chữ cái của quốc ngữ như anh(n), ca (k), em (m), hát (h), e (e), o (o), cu (q), tê (t).
Mời nghe làn điệu ví: Đi tìm người thương
Nguồn từ trang Ví Dặm Đò Đưa
|