Một góc nông thôn mới xã Nghĩa Liên (Nghĩa Đàn). Ảnh: Văn Hải
Xã Nghĩa Liên nằm cách trung tâm huyện lỵ Nghĩa Đàn khoảng 20 km về phía Tây, dọc Quốc lộ 48, phía đông giáp với xã Nghĩa Tân và phía tây giáp với xã Nghĩa Hiếu. Là xã thuần nông nhưng điều kiện sản xuất của xã phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, địa hình bị chia cắt; đã vậy, xã có 7/13 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn và 6 bản có đồng bào dân tộc thiểu số nên việc phát triển, nâng cao đời sống người dân nói chung và thực hiện chương trình quốc gia xây dựng NTM nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, được sự động viên, hỗ trợ kịp thời từ các cơ chế, chính sách của tỉnh và huyện Nghĩa Đàn, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó quan trọng nhất là sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân nên Nghĩa Liên đã thực hiện thành công mục tiêu xây dựng NTM.
Trở về thời điểm 2011 - 2012, khi nhà nước mới triển khai chủ trương xây dựng NTM, sau khi tiếp cận và nghiên cứu các quy định, đối chiếu với bộ tiêu chí, Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Liên lo lắng khi xuất phát điểm khá thấp. Vì lý do nên dù cố gắng nhưng đến đầu năm 2013, Nghĩa Liên vẫn là xã “3 không” khi 3 trường chưa chuẩn, đường bê tông chưa có và Đảng bộ, chính quyền chưa đạt trong sạch vững mạnh. Trước thực tế đó, xã tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng, để cán bộ và người dân hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa và cách làm NTM, từ đó, động viên, khích lệ sức dân phù hợp.
Cùng với xây dựng quy hoạch, xã liên tục mời các đoàn về tập huấn kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho bà con, giao nhiệm vụ cho từng thành viên ban chỉ đạo, đoàn thể và xóm bản làm rõ nội dung từng tiêu chí. Cú “hích” khơi dậy phong trào NTM lần đầu tiên đến vào năm 2014 khi Nghĩa Liên được huyện điều tiết 70 tấn xi măng (từ xã khác) về để làm đường. Lô xi măng về, các xóm cũng phân vân nhưng được sự động viên của lãnh đạo xã, chi ủy và ban cán sự, nhân dân xóm Hiệp 2 - là một trong những xóm trung tâm của xã đã mạnh dạn đứng ra nhận và huy động dân đóng góp làm đường. Sau thành công từ huy động nguồn lực ở xóm Hiệp 2, các xóm khác mạnh dạn vận động người dân hiến đất, chặt cây, tháo dỡ tường bao và mua cát sỏi, góp công để làm đường giao thông. Trong vòng chưa đầy 3 năm, người dân đóng góp trên 4 tỷ đồng đối ứng với 2.300 tấn xi măng để làm 5,4 km đường xã và đường xã về huyện; 13,7 km trục đường xóm, liên thôn; 3,1 km đường ngõ xóm và cứng hóa 10,13 km đường giao thông nội đồng, tổng trị giá trên 20 tỷ đồng. Từng là tiêu chí khó nhưng khi “nút thắt” giao thông đã khai thông được nên các tiêu chí khác như nhà ở dân cư, nhà văn hóa xóm, vệ sinh môi trường cũng được hoàn thành với sự vào cuộc tích cực của người dân. Trong vòng 5 năm, người dân còn đóng góp 1,6 tỷ đồng/3,2 tỷ đồng để tu sửa, nâng cấp 13/13 Nhà văn hóa xóm; đóng góp 3,5 tỷ đồng/5,91 tỷ đồng để làm lại nghĩa trang, bãi rác tập trung…
Giờ học ở Trường Mầm non xã Nghĩa Liên (Nghĩa Đàn).
Tiêu chí tiếp theo mà xã Nghĩa Liên tháo gỡ khá thành công là về cơ sở vật chất cho giáo dục. Trên địa bàn xã có tới 3 trường học, trong đó trường THCS là điểm học chung cho con em 3 xã Tân - Liên - Thắng, áp lực về cơ sở vật chất là khá nặng. Trên thực tế, khi bước vào xây dựng NTM, chưa có trường nào đạt chuẩn nên khi xác định năm 2018 “về đích”, xã đã bàn bạc, đề ra lộ trình huy động sức dân và tranh thủ sự hỗ trợ của huyện để thực hiện. Năm 2015, trường tiểu học được đầu tư và công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Tiếp đó, năm học 2016 - 2017, trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia. Và trường THCS sau khi được đạt chuẩn mức độ 3 về kiểm định chất lượng năm học 2015 - 2016 đang phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia vào cuối năm học này. Tổng cộng trong vòng hơn 4 năm, xã Nghĩa Liên huy động đầu tư gần 16 tỷ đồng cho giáo dục.
Một mũi nhọn nữa mà Nghĩa Liên quan tâm đầu tư và coi đó là cơ sở để giữ vững các tiêu chí NTM, đó là xây dựng các mô hình nâng cao thu nhập, tạo sinh kế lâu dài cho bà con. Để thúc đẩy sản xuất, một mặt xã tăng cường đầu tư cho thủy lợi, nâng cấp hồ đập, cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện; tận dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ người dân đào giếng, lắp đặt hệ thống máy móc để bơm tưới cho cây trồng; quy hoạch trên 40 ha vùng cây ăn quả, cây có múi và vùng gia trại tập trung để người dân chuyển đổi đất canh tác và phát triển chăn nuôi. Cùng đó, xã hỗ trợ miễn phí người dân về thủ tục chứng thực, nhất là hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn làm ăn, đi xuất khẩu lao động. Nhờ vậy, mặc dù điều kiện thiên nhiên không ưu đãi nhưng xã Nghĩa Liên đã hình thành các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá sôi động và rõ nét. Đến nay, tổng dư nợ người dân vay để làm ăn, phát triển sản xuất tại các tổ chức tín dụng cao thứ 2 toàn huyện với 52 tỷ đồng. Từ khởi điểm thu nhập bình quân chỉ 20,2 triệu đồng/người năm 2012, đến năm 2017 đã tăng lên 27,1 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30,4% năm 2012 xuống chỉ còn 7,8% năm 2017 (yêu cầu của bộ tiêu chí đối với xã là dưới 12%).
Song song với các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hạ tầng thiết yếu, phát triển kinh tế - xã hội, Nghĩa Liên đặc biệt quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị. Đây là điểm mấu chốt để Đảng bộ, chính quyền xã đánh giá lại mình, đồng thời thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Trong đó, đoàn kết, thống nhất trong Đảng, chính quyền, đoàn thể là yếu tố căn bản tạo được niềm tin cho người dân, qua đó mới động viên và khơi dậy được sức dân. Với nỗ lực phấn đấu không ngừng, từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ và chính quyền xã liên tục đạt trong sạch vững mạnh, an ninh trật tự được giữ vững.
Mô hình 2 ha quýt VQ của gia đình ông Hồ Sĩ Mậu ở xóm Hiệp 1, xã Nghĩa Liên. Ảnh: Văn Hải
Bên cạnh tập trung vào các mũi nhọn nổi bật trên, xã Nghĩa Liên quan tâm đầu tư nguồn lực cho các tiêu chí đảm bảo chất lượng cuộc sống, chăm lo sức khỏe cho người dân như đầu tư cho lĩnh vực y tế, thiết chế văn hóa, thể thao, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc các gia đình chính sách, hộ nghèo... Trong vòng 5 năm, mặc dù trong bối cảnh khó khăn về nguồn lực nhưng xã đã huy động được 111,4 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí NTM. Bên cạnh nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước các cấp, người dân đóng góp trên 40 tỷ đồng, chiếm 36,8% tổng nguồn lực thực hiện NTM, đây là một thành công ngoài dự kiến.
Đạt chuẩn các tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM, nhưng xã Nghĩa Liên xác định phải cố gắng nhiều hơn nữa để phát triển bền vững. Hiện nay, dù cơ sở hạ tầng xã được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí nhưng đang ở mức độ trung bình, về lâu dài chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; hệ thống đường giao thông nông thôn mặc dù đạt chuẩn nhưng một số tuyến đường ngõ, xóm chưa được đổ bê tông hết; cơ sở vật chất một số nhà văn hóa xóm cần phải tiếp tục đầu tư, nâng cấp; tiêu chí môi trường tuy đạt nhưng chỉ ở mức cơ bản cần tiếp tục nâng lên.
Nhận rõ những thành công và thách thức, khó khăn phía trước, Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Liên xác định quyết tâm, đồng lòng phát huy thành quả đạt được, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM theo yêu cầu mới.