Cái đói, cái nghèo của những tháng ngày làm rẫy trên đỉnh núi ám ảnh già Và Lỉa Nênh suốt cả một thời gian dài. Phải thay đổi, phải học tập cái mới để vực kinh tế gia đình dậy. Già Lỉa Nênh nghĩ thế và quyết làm cho kỳ được. Cách đây 10 năm, ông cùng vợ con vào khe Nậm Càn bắt tay làm lại từ đầu.
Già Và Lỉa Nênh đào ao trên đỉnh Nậm Càn để nuôi cá và phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Hiến Chương
Nhiều ngày tháng lao động không ngưng nghỉ, gia đình ông đã khai hoang được 6 ha đồi núi. Tại đây Lỉa Nênh xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi lợn, bò. Được bộ đội Đồn Biên phòng Nậm Càn hỗ trợ 2 con lợn nái, ông vay mượn để mua giống lợn đen bản địa và lợn giống miền xuôi về chăn nuôi. Ông còn chịu khó đọc sách báo để học hỏi kinh nghiệm, lại được bộ đội biên phòng hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên mọi việc đều thuận lợi.
“Khi các chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Càn hỗ trợ cho gia đình tôi 2 con lợn giống, tôi nuôi theo kiểu mới, không nấu một nồi cám to rồi cho ăn nhiều ngày như người Mông ta nuôi kiểu xưa. Còn rẫy thì chủ yếu là trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò và làm chuồng nuôi lợn, gà. Đàn vật nuôi đều tiêm phòng đầy đủ”- già Lỉa Nênh chia sẻ.
Gia đình già Và Lỉa Nênh hiện nuôi hàng chục con bò, dê, lợn. Ảnh: Hiến Chương
Hiện nay, gia đình già Và Lỉa Nênh có 30 con lợn thịt, 2 con lợn nái và đàn bò, dê hàng chục con. Ông còn chịu khó trồng sắn, trồng chuối và trồng cỏ voi để cung cấp thức ăn cho đàn vật nuôi. Đặc biệt, già Lỉa Nênh còn đào 2 ao trên núi, nguồn nước được dẫn về từ khe. Tại đây ông thả nuôi nhiều loại cá, và ao còn cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng. Nhờ thực hiện tốt quy trình kỹ thuật trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi nên mô hình kinh tế của gia đình già Lỉa Nênh phát triển rất tốt, cho năng suất cao. Những năm gần đây, từ chăn nuôi lợn, bò, dê mỗi năm ông cũng thu về từ 100-120 triệu đồng.
Trong mô hình phát triển kinh tế của nhiều gia đình người Mông ở xã Nậm Càn có sự đồng hành giúp đỡ của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Càn. Ảnh: Hiến Chương
“Chúng tôi xác định đây là mô hình phát triển hiệu quả cho nên Đồn Biên phòng Nậm Càn tập trung đầu tư và nhân rộng ra các hộ khác trên địa bàn, từ đó tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình để góp phần xóa đói, giảm nghèo” - Trung tá Trịnh Văn Quế - Chính trị viên phó - Đồn BP Nậm Càn - BĐBP Nghệ An chia sẻ.
Già Và Lỉa Nênh cùng vợ, con be bờ dẫn nước từ khe về để trồng lúa nước. Ảnh: Hiến Chương
Không chỉ là người đi đầu trong việc nuôi cá trên đỉnh núi, già làng Và Lỉa Nênh còn mạnh dạn đưa nước từ khe, đắp bờ, đào ruộng trồng lúa nước. Rồi đây, những ruộng lúa nước sẽ mọc xanh tươi trên đỉnh đồi Nậm Càn, cung cấp nguồn lương thực phục vụ cho cuộc sống gia đình ông. Nhờ đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, đến nay gia đình già Nênh đã vươn lên thoát nghèo và kinh tế gia đình ngày càng vững./.