Chiều 21/3, tại thị trấn Con Cuông, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát.
Đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.T
Cộng đồng người Đan Lai sinh sống ở huyện Con Cuông (Nghệ An) với khoảng 3.000 nhân khẩu. Trước đây người Đan Lai sinh sống ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, trong đó tập trung nhiều nhất ở thượng nguồn sông Giăng - khe Khặng. Trải qua một thời gian dài sống cách biệt với thế giới bên ngoài, phương thức sinh sống chủ yếu của người Đan Lai là săn bắt, hái lượm, dựa vào tự nhiên. Chính vì vậy họ đối diện với các nguy cơ về kinh tế, xã hội, suy thoái giống nòi do quan hệ cận huyết
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Diệp Phương
Người dân Đan Lai lâu nay sinh sống bằng những phương thức thô sơ, giản đơn. Ảnh: T.L
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng Đan Lai hòa nhập và phát triển bền vững.
Ngày 16/12/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 280/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông.
Mục tiêu của đề án là nâng cao điều kiện sống, phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tộc người này, đồng thời đảm bảo khu vực an ninh biên giới, bảo vệ hệ sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát.
Tổng vốn đầu tư ban đầu theo Đề án là 93,244 tỷ đồng, sau nhiều lần điều chỉnh đã nâng lên hơn 278,311 tỷ đồng.
Ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Diệp Phương
Sau 10 năm thực hiện đề án, đã có 78 hộ dân với 531 nhân khẩu chuyển đến các khu tái định cư tại các bản Tân Sơn, Cửa Rào, (xã Môn Sơn), bản Thạch Sơn, (xã Thạch Ngàn - Con Cuông). Theo đánh giá, các hộ di chuyển đến khu tái định cư cơ bản ổn định về kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông đảm bảo, hệ thống điện, nước sinh hoạt, tưới tiêu… đã đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, thông qua công tác tuyên truyền của các ban, ngành nhận thức của cộng đồng Đan Lai đã có nhiều chuyển biến, các tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ.
Ông Vi Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông phát biểu tại hội nghị. Ảnh Đ.T
Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, hiện nay vẫn còn 224 hộ dân đang sinh sống tại nơi ở cũ, trong đó có 30 hộ được ở lại theo quy hoạch Đề án, 40 hộ được quy hoạch tái định cư tại 2 bản: Kẻ Tắt và Bá Hạ thuộc xã Thạch Ngàn nhưng chưa đủ điều kiện di chuyển tái định cư và do thiếu quỹ đất. Một dự án tái định cư cho 64 hộ không khả thi do không đủ quỹ đất và thiếu nguồn nước sinh hoạt…
Do thiếu vốn nên nhiều công trình giao thông, hạ tầng phục vụ đời sống sinh hoạt không thể thực hiện được. Ngay với các hộ đã di chuyển đến nơi ở mới song gặp nhiều vấn đề về an sinh xã hội và phát triển thiếu bền vững.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã nêu lên một số vấn đề liên quan đến việc bảo tồn cộng đồng người Đan Lai. Trong đó có ý kiến cho rằng, đề án đã thực hiện hơn 10 năm nhưng nhiều mục tiêu không đạt được; Việc dự toán nguồn vốn thiếu chính xác nên xảy ra chênh lệch lớn giữa đề án và thực tế; Nguồn vốn không đáp ứng được nên đề án kéo dài; Công tác quy hoạch khu vực tái định cư, đánh giá về điều kiện tự nhiên cũng bất cập nên nhiều dự án không khả thi. Theo đề án chỉ giữ lại 30 hộ dân của bản Búng và Cò Phạt ở lại vùng lõi nhưng đến nay vẫn còn 224 hộ dân với gần 1.000 người đang sinh sống tại đây.
Đồng chí Lê Minh Thông phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Diệp Phương
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đời sống người Đan Lai đã có những chuyển biến tích cực, các chủ trương, chính sách đã góp phần thay đổi đời sống người dân. Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy hiệu quả mang lại của đề án chưa đạt yêu cầu. Thời hạn của đề án bảo tồn tộc người Đan Lai là 3 năm, từ 2007-2009 thế nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thành. "Mục tiêu di dời 146 hộ dân nhưng chỉ có 78 hộ chuyển đến nơi ở mới sau hơn 10 năm là một sự thất bại" - đồng chí Lê Minh Thông khẳng định.
Để khắc phục những hạn chế của đề án đồng thời hỗ trợ người Đan Lai phát triển bền vững, đồng chí Lê Minh Thông yêu cầu huyện Con Cuông, các cơ quan, ban ngành liên quan cần rà soát, đánh giá lại đề án, đảm bảo sát đúng thực tiễn. Bên cạnh đó, tại các khu tái định cư người dân đã sinh sống ổn định cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao đời sống cho người dân, quan tâm các vấn đề về nhà ở, đất sản xuất, y tế, giáo dục... Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu kỹ địa bàn mà các cụm dân cư đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát để có giải pháp phù hợp.