Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 22/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Gặp Tướng Chu Huy Mân ở sân bay Đà Nẵng Gặp Tướng Chu Huy Mân ở sân bay Đà Nẵng , Người xứ Nghệ Kiev
 

 


(Baonghean) Sau 30/4/1975, tôi vào Nam. Lúc đó Tướng Chu Huy Mân đang ở sân bay Đà Nẵng. Mọi người đều biết, cuộc Tổng tiến công đi tới thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước được mở đầu từ Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng. Ở miền Bắc, nhiều người nói rằng, chỉ huy mặt trận Tây Nguyên là Tướng Chu Huy Mân. Điều đó làm tôi cảm thấy muốn được gặp ông để biết thật rõ, thật chính xác các thông tin về chiến sự. Ngoài ra, tôi có chút việc nhà muốn được gặp và hỏi chuyện trực tiếp từ Thượng tướng (quân hàm ông lúc đó).

Tôi đến Đà Nẵng tá túc tại cơ quan của anh Giảng. Anh Giảng trước đây, khi đang ở miền Bắc là Đội trưởng Đội chiếu bóng lưu động của Ty Văn hoá Nghệ An, và là Anh hùng của ngành Chiếu bóng. Anh vào Nam lúc nào tôi cũng không rõ nhưng bây giờ thì tôi phải tìm anh. May mắn là sau nhiều lần hỏi thăm, tôi tìm được trụ sở của của ngành Chiếu bóng ở đường Bạch Đằng và gặp được anh. Anh tạo mọi điều kiện giúp tôi chỗ ăn ở, nhưng vấn đề của tôi là muốn gặp Tướng Chu Huy Mân? 



Đại tướng Chu Huy Mân

Tôi hỏi: Anh biết ông Chu Huy Mân không? Biết! -Gặp lần nào chưa? -Chưa! -Tôi có ý định nhờ anh “bắc cầu”để gặp ông ấy đấy!-Mình chưa gặp lần nào thì “bắc cầu” sao được! Tôi không phải là nhà báo, lại không phải là nhà báo quân đội, phóng viên chiến tranh nên không thể đi thẳng vào sân bay để đề đạt yêu cầu gặp Thượng tướng chỉ huy mặt trận được! Khó quá! Trời xui đất khiến thế nào, tôi ra chợ Cồn mua hàng vặt lại gặp một cô gái người Hưng Hoà, cháu ruột ông Mân. Tôi túm lấy tay hỏi thăm vồn vã, cô gái cho biết, hiện giờ cô đang ở với ông Mân trong phi trường Đà Nẵng! Tôi lập tức viết tên tuổi, bút danh và mấy dòng thư nhờ cô gái đem về đưa trực tiếp cho ông Mân. Ngay chiều hôm đó, mấy anh cần vụ của ông Mân đã đánh xe đến đường Bạch Đằng tìm tôi và hẹn 2 giờ chiều mai sẽ đón tôi vào phi trường “để gặp ông già” (theo cách nói của mấy anh cần vụ).

Đúng 2 giờ chiều hôm sau, xe đưa tôi vào sân bay và đến ngay phòng ở của ông Mân. Anh cần vụ pha một ấm trà, đặt vào chiếc đĩa một gói thuốc Thăng Long và nói: “Anh uống nước, hút thuốc, đợi một chốc, ông già sẽ ra ngay!” Anh cần vụ xoay người bước lùi vào cánh cửa phía trong. Từ cánh cửa đó, ông già bước ra. Ông Mân mặc bộ bà ba trắng, mái tóc đốm bạc, khuôn mặt hồng hào, phúc hậu, phong thái ung dung, tự tại. Tôi đứng dậy chào ông. Ông bắt tay và hỏi ngay: “Anh đến Đà Nẵng lâu chưa?”. Tôi nói tôi đến đã vài tuần, muốn gặp ông nhưng loay hoay mãi, may mà gặp được cô cháu… Ông Mân cười to: “Đến gặp ông tướng cũng ngại chứ gì? Sau câu đùa ông nói ngay: “Nói rứa thôi, là đồng hương, anh đến gặp ta nói chuyện cho vui! Là nhà văn, anh vào đây, những gì anh cần ông tướng này giúp, ông tướng sẵn sàng!”. Tôi nói, tôi vào đây, chuyện chung là đi thực tế, nhưng cũng có chuyện riêng. Tôi hỏi anh về chuyện riêng trước. Ông vui vẻ gật đầu.

- Anh có biết chú Hược không?

- Mình với Hược cũng thân nhau. Hược quân hàm Thượng tướng, giữ chức Bí thư Quân ủy Sài Gòn, Gia Định.

- Ba năm nay không có tin tức, phần phụ cấp cho bà mẹ tự dưng bị cắt, nhiều dị nghị, nhiều lời đồn đại linh tinh, ác ý…

- Họ nói thế nào?

- Có kẻ bảo chú ấy đầu hàng, có kẻ bảo chú ấy chạy sang Thái Lan… Linh tinh lắm! Ông Mân trầm ngâm một lúc rồi hỏi tôi:

- Anh với Hược quan hệ thế nào?

- Chú ấy gọi bà nội tôi là cô ruột, ngày nhỏ chú ấy ở với bà nội tôi. Ngày tôi đi học ở Trường Huỳnh Thúc Kháng, chú ấy là tướng nên cũng có điều kiện giúp đỡ tôi. Năm 1958, trước khi vào Nam, chú ấy có đến trường từ biệt và dặn dò tôi về chuyện học hành…

Trước những tin đồn linh tinh vớ vẩn đó, ông Mân rất bình tĩnh. Ông nói:

- Hược thay mặt Quân Ủy đi kiểm tra mặt trận Tây Ninh. Khi trở về, đêm khuya, nước lũ trên sông Sài Gòn lên cao xe của Hược bị nước lũ cuốn trôi.

- Nhưng không có giấy báo tử?

- Sự thể như vậy nên phải mất thời gian để xác minh! Hược có vợ con ở Sài Gòn. Báo tử và lễ truy điệu làm ở đấy, có lẽ vì thế mà người ta không báo về cho bà mẹ ở miền Bắc…

- Nhưng sao lại cắt khoản tiền phụ cấp của bà mẹ?

- Thực ra, đó không phải là tiền phụ cấp của Nhà nước mà là tiền lương của Hược! Năm 1958, khi đi Nam, Hược để lại một khoản tiền lương cho bà mẹ. Khi Hược mất, khoản tiền lương ấy không còn nữa. Nay thì bà mẹ cũng đã mất rồi, đúng không?

Thì ra thế đấy! Một tướng lĩnh cao cấp trong quân đội mà mọi chuyện cũng không đơn giản chút nào! Cám ơn anh đã cho tôi biết rõ sự việc!

Tôi nhấp chén trà. Hút điếu thuốc.

- Bây giờ, tôi hỏi anh về chuyện chung, chuyện mặt trận Tây Nguyên?

- Anh cứ hỏi cụ thể!

- Tôi không rõ một ông tướng khi chỉ huy mặt trận thì làm như thế nào? Anh ngồi ở đâu? Và chỉ huy ra sao?

- Tôi ngồi ở giữa, trước mặt là cái màn hình có thể nhìn bao quát toàn mặt trận, phía bên trái tôi là các sỹ quan tham mưu, phía bên phải là thông tin liên lạc. Khi một cánh quân cần tiến lên, cần lùi lại, cần bổ sung quân số, khí tài, tôi hội ý chớp nhoáng với tham mưu rồi ra lệnh. Bộ phận thông tin chuyển ngay lệnh đó đến các sỹ quan trực tiếp chỉ huy mặt trận vàthi hành ngay!

- Anh nhìn thấy rõ từng chiếc xe tăng, từng cánh quân của ta và địch à?

- Thấy rõ!

- Chỗ anh ngồi là ở trong hầm à?

- Ở trong hầm!

- Hầm như thế nào? Nếu trúng bom có nguy hiểm không?

- Hầm đào sâu xuống đất, lát gỗ rồi đắp đất lên thôi! Nếu trúng bom thì tanh bành ra chứ còn gì! Làm gì có chỗ an toàn cho tướng lĩnh ngoài mặt trận!

- Nghe nói anh có gặp tướng Ngô Quang Trưởng của quân đội Sài Gòn?

- Có, tôi có gặp ông ta!

- Anh gặp lúc nào và gặp ra sao?

- Lúc trao trả tù binh ở Cửa Việt, sau Hiệp định Pa-ri, tôi gặp ông ta ở đấy. Sau này tôi còn gặp ông ta một lần nữa.

- Anh gặp ông ta trong cương vị một tướng lĩnh miền Bắc à?

- Không, tôi mặc bộ đồ bà ba đen, quấn chiếc khăn rằn,trong cương vị một cán bộ của Mặt trận Giải phóng

- Anh nhận xét ông ta thế nào?

- Thông minh, cứng rắn nhưng trong tình thế bị động sai lầm về chiến lược nên cá nhân ông ta chẳng xoay xở được chuyện gì!

- Tôi muốn biết một vài suy nghĩ của anh về mặt trận Tây Nguyên?

- Địch bị bất ngờ về chiến lược.Ta đánh Quảng Trị, đánh ở Lào, đánh ở mặt trận Khu 9. Nó không ngờ mặt trận chính của ta là ở Tây Nguyên! Nhưng thắng lợi của ta được quyết định bởi tương quan lực lượng ở thời điểm đó!

- Anh nói cụ thể hơn?

- Sau Hiệp định Pa-ri, Mỹ rút quân, xu thế thắng lợi hoàn toàn thuộc về ta. Lính tráng hai bên đều biết điều đó! Điều đó kích thích tinh thần quyết thắng của bộ đội ta và tâm lý hoang mang bại trận không chỉ của lính nguỵ mà còn là tâm lý của các tướng tá bên đó nữa! Trận Tây Nguyên ta đã dốc toàn lực để quyết thắng!

- Anh nói “toàn lực” là thế nào?

- Đến thời điểm đó, năm 1975, tôi nói thật đấy, bên nó kiệt quệ nhưng bên ta cũng đã cạn sức, nếu chiến tranh kéo dài vài ba năm nữa, tôi nghĩ ta cũng khó mà theo đuổi. Anh thấy đấy, gà chọi ba hồ, trâu quần ba hiệp, ta đánh giặc 10 năm, dốc sức tận cùng rồi! Tôi ở chiến trường tôi biết chứ! Nhưng điều quan trọng là tương quan lực lượng ở thời điểm cuối cùng…

Tôi im lặng. Ông Mân chuyển câu chuyện sang hướng khác. Ông hỏi tôi:

- Anh thấy tình hình văn học của ta hiện nay ra sao?

Thật tình thì lúc đó tôi không hề biết ông Mân có quan tâm đến văn học hay không và nói chung, ông suy nghĩ thế nào về văn học. Tôi cứ nghĩ, một ông tướng ở chiến trường thì lấy thời gian đâu mà đọc sách! Vì thế, tôi nói chung chung rằng văn học dưới sự lãnh đạo của Đảng, phương pháp hiện thực XHCN, các tác phẩm viết ra với mục đích phục vụ kịp thời nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu…

Ông Mân cười to.Ông biết là tôi đã hiểu nhầm trình độ văn học của ông nên ông nói rất nhỏ nhẹ.

- Tôi muốn biết ý kiến riêng của anh về từng tác giả, từng tác phẩm. Ý kiến riêng và rất cụ thể!

Đến đây thì tôi phải thận trọng. Đối diện với tôi không phải là một người không quan tâm đến văn học nghệ thuật! Tôi bắt đầu từ thơ Tố Hữu, tiểu thuyết Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Sóng gầm của Nguyên Hồng, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc… Tôi nói thì ông chăm chú lắng nghe, nhưng nói đến đâu ông lắc đầu đến đấy! Ông không đồng tình với ý kiến của tôi đã đành, ông cũng không chấp nhận giá trị các tác phẩm văn học đó theo cách trình bày của tôi!Khi tôi nói xong, ông bảo: “Bây giờ anh nghe ý kiến của tôi nhé!”. Ông nói từng cuốn sách, từng tác giả. Tôi từ ngạc nhiên đến kinh ngạc về sự hiểu biết văn học sâu sắc của một vị tướng. Tôi nghĩ, ông ở mặt trận bom đạn suốt ngày đêm, lấy đâu ra thời gianđể đọc cả một khối lượng sách vở đồ sộ như thế? Ông so sánh tiểu thuyết của ta với tiểu thuyết của Nga, của Pháp. Ông nhắc đến Sếch-xpia, Huy-gô, Đô-đê, Sô-lô-khốp, và ông nói ý kiến riêng của Ông rất sâu sắc về cuốn sách kinh điển Chiến tranh và hoà bình. Ông rất tâm đắc với cuốn sách đó. Sau này, tôi mới biết nhà văn Nguyên Ngọc khi nói và viết về Tôn-xtôi thường trích dẫn những ý kiến sắc sảo nhất, thấu đáo nhất từ Tướng Chu Huy Mân. Riêng các vấn đề về văn học Việt Nam, ông Mân nói liền một mạch hơn 30 phút! Cuối cùng, ông hỏi tôi: “Theo anh, khoảng 30 năm nữa, nước ta có thể có tác phẩm văn học ngang tầm với các tác phẩm văn học lớn của thế giới không?”. Tôi nói với ông, đó là câu hỏi không ai trả lời được! Tôi thấy tác phẩm văn học lớn thường xuất hiện ở các dân tộc có nền văn minh văn hoá lớn. Văn minh, văn hoá Việt Nam đã hội đủ điều kiện cho sự ra đời của tác phẩm lớn hay chưa ta còn chờ thực tế trả lời, nhưng 30 năm thì tôi nghĩ là chưa đủ!

- Vì sao?

- Với tình hình hiện tại, tôi nghĩ 30 năm chưa đủ thời gian để thay đổi một quan niệm văn học, nói chi đến sự xuất hiện tác phẩm lớn!

Ông Mân gật đầu có vẻ tán thành.Tôi cảm thấy như ông đang cố kìm đi một tiếng thở dài… Đúng 5 giờ chiều, câu chuyện đang ở thời điểm say nhất, hấp dẫn nhất thì anh cần vụ bỗng dưng xuất hiện trong phòng khách với dáng vẻ như muốn nói rằng, thời gian tiếp khách của ông già đã hết! Ông Mân nói:

- Chẳng mấy khi gặp đồng hương ,lại là một nhà văn, vui chuyện quên mất cả thời gian! Anh cần vụ tỏ ra rất lễ phép nâng chén trà mời tôi và nói:

- Xin lỗi anh! Ông già còn có cuộcgiao ban…

Tôi hiểu ý. Đành phải từ biệt ông.Tiếc là câu chuyện còn đang dang dở... Phải rồi, muốn có tác phẩm lớn, chúng ta phải làm nhiều việc, trong đó việc tiếp thu tinh hoa văn học nước ngoài, việc thay đổi những quan niệm văn học đã mòn cũ là hết sức quan trọng. Tiếc là tôi đã không được nghe hết những ý kiến sâu sắc và tâm huyết đó của Thượng tướng!...

Mới đó mà đã gần bốn chục năm rồi, tôi còn nhớ như in hình ảnh vị tướng già đáng kính, mái tóc bạc phơ chậm rãi đi bộ tiễn tôi ra tận cổng sân bay thuở ấy!

Vinh 4-2012

 

Thạch Quỳ


  Các Tin khác
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65978527

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July