Là một vùng đất cổ, người dân Thanh Chương đã thực hiện tất cả các nghi lễ trong ngày Tết cổ truyền theo lề lối cũ nhưng lễ Khai hạ xưa chỉ còn được thực hiện ở một số xã đang còn các miếu thờ Thành hoàng hoặc các đền đài thờ các nhân thần.
Lễ khai hạ được tổ chức rất trang nghiêm thành kính tại đền Cao Sơn xã Đồng Văn - Thanh Chương. Ảnh: Đình Hà
Điển hình là các buổi lễ được tổ chức rất trang trọng tại đền Bà Chúa Chè thuộc xã Hạnh Lâm, đền Cao Sơn Cao Các tại xã Đồng Văn.
Tại những nơi này từ các ngày trước và trong Tết, người dân đã đến dâng hương hoa xin tài lộc nhưng các nghi lễ này chỉ diễn ra lẻ tẻ không có tính tổ chức.
Tục Khai hạ đầu năm dù có nhiều thay đổi nhưng tại nhiều nơi trên địa bàn Thanh Chương vẫn giữ tục lễ xưa. Ảnh: Đình Hà
Bắt đầu từ chiều mồng 6 Tết lãnh đạo các xã và Ban quản lý di tích mới chính thức đứng ra chủ trì làm lễ. Các lễ gồm có cáo yết tổ chức vào chiều tối ngày mồng 6 và lễ tạ được tổ chức suốt cả ngày mồng 7 Tết với hai phần lễ và hội thu hút hàng ngàn lượt người tham gia.
Cây nêu tại đền Bà chúa Chè ở xã Hạnh Lâm - Thanh Chương. Ảnh: Đình Hà
Để phục vụ hoạt động văn hóa tâm linh cho người dân, những năm gần đây cấp ủy chính quyền các ban ngành và nhân dân đã đầu tư nâng cấp tôn tạo được nhiều di tích. Nhờ vậy các nơi thờ cúng và làm lễ Khai hạ đều khang trang, sạch đẹp.
Khai hạ, lễ tế thần đầu năm mới chính là hoạt động mở đầu cho mùa lễ hội đang trở thành một nét đẹp truyền thống được nhân dân trên địa bàn Thanh Chương tham gia hưởng ứng nhiệt tình và thành kính.
Tuy nhiên, bên cạnh việc khuyến khích nâng cấp di tích và tổ chức lễ hội ngành văn hóa và các ngành chức năng trên địa bàn huyện Thanh Chương cũng đang cố gắng làm tốt công tác quản lý, kết hợp giữa lễ với các hoạt động văn hóa thể thao, trò chơi dân gian để lễ Khai hạ nói riêng và các lễ hội khác không bị thương mại hóa./.