(Baonghean) - Cùng với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã tạo nên sự trù phú cho nhiều làng quê xứ Nghệ. Tuy nhiên, song hành với đó là các giá trị truyền thống đang bị mai một dần. Nhưng với làng Quỳnh (xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu), bản sắc văn hóa làng không mất đi mà còn được nuôi dưỡng, tạo nên sức sống lâu bền.
Trong ngôi nhà nhỏ đầu làng Quỳnh, chúng tôi gặp ông Phan Hữu Thịnh (nguyên chuyên viên cao cấp của Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng Khoa Lịch sử Đảng, Phân viện Nguyễn Ái Quốc) - người mà nhân dân xã Quỳnh Đôi yêu mến phong tặng là "pho sử sống" của vùng đất này.
Ở tuổi 85 nhưng ông Thịnh vẫn nguyên chất "ông đồ Nghệ" miệt mài nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, các danh nhân xã nhà. Ông Phan Hữu Thịnh cho rằng: Xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu từ lâu đi vào lịch sử của đất nước với tư cách là một địa danh văn hiến, nổi tiếng về khoa cử, học hành. Sức sống không ngừng của làng Quỳnh đã tạo nên một diện mạo văn hóa mang đậm sắc thái rất riêng của địa phương.
Bức tranh văn hóa làng Quỳnh nổi bật nhất chính là truyền thống hiếu học và khoa cử. Người nhiều, ruộng ít, tạo nên một nghề hết sức đặc biệt "Nghề đi học" để rồi "tiến vi quan, thoái vi sư". Từ năm 1919 - 1949, làng Quỳnh đã có 743 người thi đỗ tú tài và cử nhân, chiếm 9-10% số người thi đỗ của Nghệ Tĩnh. Về đại khoa có 1 bảng nhãn, 1 thám hoa, 2 hoàng giáp, 6 tiến sỹ và 4 phó bảng... Truyền thống học hành hình thành tạo dựng nên nấc thang giá trị trong tâm lý, ý thức con người làng Quỳnh xưa và nay: Học làm người quan trọng hơn học làm quan, người có đạo đức tốt hơn người "Hữu tài vô hạnh".
Sắc thái văn hóa làng Quỳnh sớm được thể hiện cụ thể qua hương ước làng. Hương ước làng Quỳnh ngoài sự khẳng định tất yếu của làng còn bao gồm hàng trăm điều khoản giao kèo, trở thành quy định chung của cộng đồng từ sản xuất nông nghiệp đến học hành khoa cử, việc binh, giữ gìn thuần phong mỹ tục, ma chay cưới hỏi, lễ hội, an ninh trật tự thôn xóm. Hương ước làng Quỳnh xưa và nay luôn coi trọng truyền thống tốt đẹp của ông cha, giữ gìn đạo đức lễ nghĩa, chăm lo tình làng nghĩa nước, bảo đảm mọi mặt cuộc sống cộng đồng. Hương ước đã gắn kết gần 23 dòng họ ở Quỳnh Đôi vào một thể thống nhất.
Những giá trị văn hóa của làng Quỳnh vẫn được lưu giữ gần như vẹn nguyên nét xưa. Đi từ đầu đến cuối làng, vẫn còn đây những mái đình cong, cây đa, giếng nước. Vẫn còn đó những quần thể lăng, miếu, 8 di tích lịch sử - văn hóa đã được Nhà nước công nhận.
Ông Hồ Sỹ Bình - Chủ tịch UBMTTQ xã Quỳnh Đôi cho hay, những giá trị văn hóa làng Quỳnh vẫn đang ngày càng được củng cố và bổ sung thêm những nét đẹp, tươi mới của cuộc sống hôm nay, nhất là từ khi xã thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và đặc biệt gần đây là hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài di tích, lăng, mộ xưa thì những giếng cổ và khuôn viên có từ thời các cụ Hồ Phương Tích, Hồ Phi Dương (thế kỷ 16-17) luôn được lưu giữ và bảo tồn tốt. Mới rồi, xã phối hợp cùng Viện Văn hóa Nghệ thuật Trung ương phục dựng lại Lễ hội Phúc Thần vào dịp đầu năm. Phong trào văn hóa, thể thao phát triển sôi nổi.
Việc tổ chức ma chay, cưới hỏi được thực hiện theo nếp sống văn hóa mới tránh lãng phí, xa hoa. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85%. Xã hiện có 8 thôn đều đã được công nhận là danh hiệu Làng Văn hóa. Phong trào khuyến học của Quỳnh Đôi phát triển mạnh. Trung bình mỗi năm số học sinh đậu đại học từ 30-40 em. Quỹ Khuyến học ở các dòng họ, chi hội trong xã hiện có hơn 300 triệu đồng. Hàng năm, ban liên lạc đồng hương của xã đều tổ chức họp mặt để kêu gọi con em ở xa đóng góp vào công cuộc xây dựng phát triển xã nhà. Mỗi người con đi xa, ai cũng nhớ về đất tổ. Hội đồng hương Quỳnh Đôi ở các vùng miền đã có nhiều ủng hộ thiết thực cho xã nhà như: xây dựng nhà văn hóa, nhà truyền thống, đền thờ thần.
Xã Quỳnh Đôi diện tích vỏn vẹn 1 km2 nhưng hôm nay đã có hàng trăm nhà cao tầng mọc lên trên vùng quê này. Làng Quỳnh hôm nay mang dáng vóc mới của một làng đô thị nhưng những nét văn hóa làng xưa vẫn không hề mai một.
Thành Chung
|