Bà con xóm 5, xã Bồi Sơn đang vui hát dân ca
Về xã Bồi Sơn (Đô Lương) trẩy hội đền Quả Sơn, chúng ta thường bị cuốn hút vào những màn diễn xướng dân ca đầy hấp dẫn trên sông Lam, nhưng ít ai biết đằng sau chương trình ấy, ở Bồi Sơn còn có cả một phong trào văn nghệ đang diễn ra sôi nổi.
Có mặt tại nhà cụ Nguyễn Thị Thái ở xóm 5 vào một ngày nắng đẹp, người dân trong xóm đang chuẩn bị giao lưu đàn, hát dân ca. Sau một vài cuộc điện thoại của người chủ trì, mọi người đã tập trung đầy đủ. Họ là nông dân, hưu trí, giáo viên, học sinh… tuy công việc, tuổi tác khác nhau, nhưng đều có chung niềm đam mê ca hát. Khi những tấm chiếu được trải ra giữa sân nhà, mọi người ngồi quây vòng, vừa đàn, vừa hát rất duyên. Bài “Mời trầu” nổi tiếng được bà con trình bày khá nhuần nhuyễn. Trong tiếng trống, tiếng phách nhịp nhàng, những câu ca vang lên đồng điệu “Quanh quanh đường vô xứ Nghệ/ Ơi sơn hải hữu tình/ Xứ nhân kiệt địa linh/ Khách xa gần ở lại/ Cô bác xa gần ở lại”. Bà Hoàng Thị Khanh (65 tuổi) có mặt tại buổi giao lưu chia sẻ: “Tôi tham gia sinh hoạt văn nghệ đã nhiều năm, cùng bà con hát hò, thấy yêu đời hơn, ăn ngon hơn, ngủ dễ hơn. Mỗi khi nghe trống dục, lại thấy nôn nao”.
Anh Đậu Xuân Lương, xóm trưởng xóm 5, cho biết, xóm 5 có 138 hộ, đa số là nông dân, bà con ở đây, ai cũng yêu thích ca hát, mỗi đoàn thể có một đội văn nghệ riêng. Hàng năm vào các ngày lễ, xóm thường tổ chức biểu diễn văn nghệ, giao lưu giữa các đoàn thể trong và ngoài xóm. Ngày đại đoàn kết toàn dân, các hoạt động văn nghệ, thể thao ở xóm diễn ra trong mấy ngày liền. Dịp Tết Nguyên đán, bà con trong xóm thường tập trung về nhà văn hóa, vui đón giao thừa, cùng đốt lửa, nhảy múa tưng bừng. Với người dân xóm 5, không chỉ lúc lễ Tết, những lúc rảnh rỗi, bà con cũng thường hội tụ ở một nhà nào đó, cùng uống nước chè xanh, cùng hát hò, đối đáp. Chị Nguyễn Thị Lý (47 tuổi), người phụ nữ đảm đang, nhà làm hơn 1 mẫu ruộng nhưng không bỏ sót một cuộc vui nào của xóm. Chị chia sẻ: “Từ ngày phong trào văn nghệ ở quê nở rộ, xóm làng vui hơn. Nhờ sự say mê ca hát mà quên đi mệt nhọc, làm việc đồng áng thoải mái hơn”.
Theo anh Lương, ở xóm 5 có nhiều gia đình mà 3 thế hệ cùng hoạt động tích cực trong phong trào văn nghệ của xóm, như nhà bà Nguyễn Thị Thái, bà Hoàng Thị Khanh… Nhà bà Thái, hai ông bà, con trai và cháu trai đều say mê văn nghệ. Ông Nguyễn Cảnh Truật (86 tuổi) là một tay trống cừ khôi, anh con trai Nguyễn Cảnh Dũng là một nông dân nhưng hát ví giặm rất đằm, chơi được nhiều loại đàn, “cứng” nhất là măng đô lin, cháu Nguyễn Cảnh Lương (18 tuổi, con anh Dũng) không chỉ hát hay mà còn là một tay trống có tiếng ở trường phổ thông. Riêng bà Thái (81tuổi) một người yêu văn nghệ từ nhỏ, có thể hát được nhiều thể loại dân ca như tuồng, chèo, ví giặm. Với bà, hát để thực hiện 3 quên “quên bực dọc, quên tuổi tác, quên bệnh tật”. Hiện trong nhà bà có nhiều loại nhạc cụ (trống, măng đô lin, đàn nguyệt, nhị, ghita, đàn bầu…), sẵn sàng đáp ứng việc vui văn nghệ của gia đình và của xóm. Bà, chồng và con trai đều là thành viên của CLB dân ca xã.
Ở xã Bồi Sơn, không chỉ riêng xóm 5, mà 7 xóm khác phong trào văn nghệ cũng sôi động không kém. Hàng năm trong các ngày lễ lớn, xã cũng thường xuyên tổ chức biểu diễn, giao lưu văn nghệ. Mỗi lần tổ chức hội diễn, các xóm đều thi đua sôi nổi, huy động hàng chục “diễn viên” tham gia, dàn dựng chương trình và tổ chức tập luyện công phu. Ban giám khảo các kỳ hội diễn cũng phải “đau đầu” khi phân định thứ hạng Nhất, Nhì…vì đội văn nghệ nào cũng xuất sắc. Xóm có phong trào “luốt” nhất xã, khi đội văn nghệ của họ lên sân khấu cũng “sáng lựng” không thua các xóm. Điểm nổi bật của người dân Bồi Sơn là những dịp lễ, Tết thường tổ chức hát karaoke tập thể. Họ vác màn hình lớn ra giữa xóm, cùng hát hò, nhảy múa. Nhiều đêm, vừa hát karaoke, vừa kêu gọi, vận động quyên góp xây dựng các công trình của làng, như nhà văn hóa, sân thể thao… Một số cán bộ xóm cũng là những cây văn nghệ có tiếng như anh Đậu Xuân Lương ở xóm 5, anh Nguyễn Khắc Lai ở xóm 1…
CLB dân ca xã Bồi Sơn thành lập đã lâu, nay có 34 thành viên (trong đó:14 em thiếu nhi, 11 cụ cao tuổi ), có cơ sở vật chất (nhạc cụ, trang phục, loa máy) đáp ứng tốt cho việc tập luyện, sinh hoạt của CLB. Sự hoạt động có chất lượng của CLB, cũng như sự nỗ lực của các thành viên, đã góp phần làm cho phong trào hát dân ca ở địa phương lan tỏa mạnh từ thôn xóm đến các trường học. Đã nhiều lần, CLB dân ca nói riêng và đội văn nghệ xã Bồi Sơn nói chung được “chọn” đại diện cho huyện Đô lương tham dự các hội thi, hội diễn ở cụm, ở tỉnh. Riêng CLB dân ca xã Bồi Sơn đã 2 lần tham gia Liên hoan các mô hình truyền thông toàn quốc, dành được nhiều giải cao trong các liên hoan dân ca ví dặm cấp tỉnh, liên tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh.
Nói về phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương, ông Nguyễn Mạnh Cường, cán bộ văn hóa xã Bồi Sơn – nghệ nhân ưu tú, khẳng định: “Nhờ sự quan tâm của cấp Uỷ đảng, chính quyền, sự ủng hộ của nhân dân, phong trào văn hóa văn nghệ ở xã Bồi Sơn phát triển mạnh, đều ở các xóm. Chính phong trào đã khơi dậy được tình thần đoàn kết của người dân, góp phần giải tỏa các vướng mắc trong cuộc sống, động viên, cổ vũ bà con hăng hái thi đua sản xuất, tuyên truyền kịp thời cho nhiệm vụ chính trị ở địa phương như phong trào hiến đất, mở đường, xây dựng nông thôn mới…”.
An Nam
|