Bộ ảnh “Trẻ mục đồng xứ Nghệ” được anh Phạm Quốc Đàn (quê Nam Đàn, Nghệ An) ghi lại. Những bức ảnh như một chuyến tàu đưa người ta ngược dòng ký ức trở về tuổi thơ.
Anh Quốc Đàn hiện đang làm kinh doanh tự do, anh chỉ đam mê chụp ảnh chứ nghề nghiệp của anh chẳng liên quan gì đến nhiếp ảnh cả. Bộ ảnh này được anh thực hiện tại xã Nam Tân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An vào mùa hè năm ngoái, nơi có những cây đa cổ thụ bên con đường nhỏ chạy dọc theo bờ sông Lam.
“Sau những buổi chiều, tôi thường ra gốc đa bên cạnh dòng sông Lam hóng mát. Trước đó, tôi thường đi qua những quán game thấy những đứa trẻ nông thôn bây giờ nghỉ hè vẫn thường sà vào đó để chơi những trò chơi vô bổ và cả những trò chơi bạo lực nữa. Từ đó tôi nảy ra suy nghĩ: sao dưới những gốc đa mát mẻ này mình không làm cái gì để cuốn hút những đứa trẻ ra đây chơi vào lúc chúng nghỉ hè nhỉ. Vây là tôi rủ thêm một bạn nữa mua dây thừng và những mảnh gỗ sang đó làm ba cái xích đu để bọn trẻ có chỗ chơi.
Trẻ mục đồng xứ Nghệ
Ban đầu chỉ có những đứa trẻ gần đó đến chơi thôi. Sau đó, những đứa trẻ chăn trâu bò khu vực quanh đó cũng rủ nhau tới. Lâu dần, còn có cả người đi làm trong đồng và ngoài bãi cũng ghé qua trú nắng, nghỉ ngơi thư giãn. Từ đó, mỗi lần ra ngồi mát, tôi có thêm những người bạn mới chính là những cậu bé đi chăn trâu bò ghé đến chơi. Hình ảnh đó yên bình, đẹp quá, rồi tôi nảy ra ý định muốn lưu lại những khoảnh khắc của các bạn nhỏ hồn nhiên này. Nghĩ là làm, tôi mang máy chụp thôi!” - anh Quốc Đàn kể.
Hình ảnh những đứa trẻ hồn nhiên, vô tư ngồi trên lưng trâu đọc sách, hay vui vẻ nô đùa dưới gốc cây đa già khiến người ta cảm thấy an yên, nhẹ nhàng đến lạ. Đặc biệt, những người lớn tuổi lại rưng rưng cảm xúc như gặp lại chính mình của những ngày xưa.
Cuộc sống bộn bề, toan tính khiến nhiều lúc con người ta cảm thấy mệt mỏi. Ai chẳng từng một lần tìm về ký ức tuổi thơ, những ngày tháng vô lo vô nghĩ để thấy lòng bình yên.
Đêm nay tôi bước vội khỏi nhà.
Đến ga, xếp hàng mua vé:
Lần đầu tiên trong nghìn năm.
Có lẽ.
Cho tôi xin một vé đi Tuổi thơ.
Vé hạng trung -
Người bán vé hững hờ
Khe khẽ đáp:
Hôm nay vé hết! -
Biết làm sao!
Vé hết, biết làm sao!
(Trích thơ: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” – Thái Bá Tân dịch). Từ bài thơ này đã gợi cảm hứng để nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết thành tác phẩm cùng tên - "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” và được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Một số hình ảnh do anh Quốc Đàn ghi lại:
Bộ ảnh được thực hiện tại xã Nam Tân huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
Bộ ảnh chạm đến trái tim người đọc bởi những khoảnh khắc bình dị
Anh Quốc Đàn - tác giả bộ ảnh
Nụ cười luôn hiện hữu trên gương mặt của những người dân chất phác
Chiếc xích đu do anh Quốc Đàn và bạn cùng làm
Những cánh đồng thẳng cánh cò bay
Ai bảo chăn trâu là khổ
Những đứa trẻ tranh thủ học trên lưng trâu
Những buổi chiều tan học
Bãi thả diều bát ngát nơi miền quê là mơ ước của những đứa trẻ thị thành
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Những năm tháng tuổi thơ đầu trần, chân đất
Những ngày thả diều trên triền đê lộng gió
Ai còn nhớ, ai đã quên?
Những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên vô lo vô nghĩ.
Chân sáo trên đường làng
Nguyễn Trà (Plo)
http://depplus.vn/tin-tuc/01-06-2016/tro-ve-tuoi-tho-voi-bo-anh-tre-muc-dong-xu-nghe/191/43188/