Cụ giáo làng 83 tuổi và kho tư liệu độc đáo
(Dân trí) - Sở hữu 1.000 cuốn sách các loại, 100 số tạp chí Liên Xô, 30 cuốn họa báo Trung Quốc xuất bản bằng tiếng Việt, cụ Đậu Xuân Tiêu trân trọng nhất là cuốn “Khuyến học” của tác giả FukuzaWa (Nhật Bản) viết từ năm 1872 - 1876, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Cụ Tiêu và những đầu báo cũ.
Tại nhà mình ở xóm 12, xã Quỳnh Thạch (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), cụ Đậu Xuân Tiêu dành một gian phòng 20m2 để chứa kho tư liệu quý báu của mình. Đã bước vào tuổi 83 nhưng đầu óc cụ Tiêu vẫn minh mẫn lắm. Hàng ngày, cụ vẫn thức dậy từ 5 giờ sáng, quần áo chỉnh tề, mở loa cử bài tiến quân ca để 2 ông bà làm lễ chào cờ tại sân nhà sau đó tập thể dục rồi ngồi vào bàn viết.
Cụ viết báo, sáng tác thơ và đặc biệt là viết các bài đóng góp xây dựng Đảng. Buổi chiều, cụ quét dọn chăm chút kho tư liệu của mình. Các con đều lo cho sức khỏe cụ nên đã bảo với bố mình là nghỉ ngơi tĩnh dưỡng để an hưởng tuổi già nhưng cụ bảo: “Bác Hồ dặn: còn sức còn cống hiến”.
Thời đó, cả huyện Quỳnh Lưu chỉ có vỏn vẹn 3 trường cấp 2, tốt nghiệp loại giỏi, cụ Tiêu tham gia thanh niên cứu quốc rồi du kích địa phương. Năm 1954, cụ được cử đi du học tại “Khu học xá trung ương Trung Quốc”. Tốt nghiệp bằng ưu, cụ về nước, mọi người ào đến “xem của cải đưa từ nước ngoài về”.
Tất cả ngẩn người kinh ngạc khi trong các thùng đựng đồ của to đùng chỉ chứa toàn sách là sách. Họ kháo nhau “Thầy Tiêu học nhiều… loạn chữ nên khùng mất rồi”. Cụ tiếp tục “khùng” khi được phân công vào thành phố Vinh dạy học nhưng xung phong lên tận Việt Bắc truyền chữ cho con em các dân tộc thiểu số.
Cụ Tiêu với cuốn Khuyến học.
Tại đây, cụ nên duyên vợ chồng với cô giáo cấp 1 quê hương quan họ Bắc Ninh. Mãi đến năm 1971, cụ mới chuyển về dạy học tại quê mẹ Quỳnh Lưu và xây dựng tủ sách gia đình. Cụ mê sách đến mức đi bộ từ nhà đến trường đã đọc xong một cuốn, cứ nhận lương là mua sách báo, ăn tiêu trong nhà nhờ vào sự tần tảo của cụ bà.
Ngày ấy, sách báo còn quý hiếm, vậy mà cụ Tiêu có đến hàng ngàn số của 31 đầu báo, tạp chí các loại trong ngoài nước như báo Nhân Dân, Thông Tấn Xã, Thanh Niên, Tiền Phong… Các số báo được xếp thứ tự theo từng loại, giữ gìn cẩn thận, là những tư liệu quý ngày nay khó tìm thấy được.
Bức tranh thời bao cấp, bối cảnh xã hội nước ta những năm kháng chiến... được phản ánh đầy đủ trên các đầu báo này. 35 đầu sách trong đó rất nhiều cuốn xuất bản lần thứ nhất như bộ “Hồ Chí Minh toàn tập”, “Bác Hồ với giáo dục”... Có những cuốn hiếm thấy như “Hồi ký về Hồ Chủ Tịch” do 13 tác giả được sống cùng Bác viết, “Lịch sử nước nhà”, “Việt Nam đấu tranh và xây dựng” xuất bản từ năm 1975. Kho sách của cụ như một “Bách khoa toàn thư” với đủ các loại Đông Tây, Kim Cổ, phong thủy, tử vi… được xếp theo từng loại.
Cụ Tiêu bên 400 bức ảnh Bác Hồ.
Nhiều cuốn hiện nay không thể tìm thấy ở các nhà sách như 7 cuốn từ điển 7 nước, “Chiến tranh và hòa bình” (Nga), “Paris sụp đổ” (Pháp), “Rừng thẳm tuyết dày” (Trung Quốc), “Binh thư yếu lược” (Việt Nam)… Đặc biệt cụ tâm đắc nhất là cuốn “Khuyến học” của tác giả FukuzaWa (Nhật Bản) viết từ năn 1872 - 1876 nói đến tính tự lực tự cường của đất nước.
Cụ nhớ nhất câu: “Để nâng cao dân trí, đào tạo thanh thiếu niên, sinh viên thành thế hệ gánh vác trọng trách xây dựng đất nước trở thành cường thịnh văn minh, tự lực tự cường thì việc cấp thiết là phải đặc biệt quan tâm đến công cuộc khuyến học - khuyến tài”.
Hiện cụ Tiêu có 4 con đều đã tốt nghiệp đại học. Vợ chồng cậu cả đều là tiến sỹ làm việc tại Bộ Quốc phòng. Một trai hai gái theo nghiệp bố mẹ. Mong muốn lớn nhất của cụ là được tài trợ để xây dựng một phòng đọc. Tại đây, cụ trưng bày toàn bộ sách, ảnh và các tư liệu quý giúp thế hệ trẻ đọc, nghiên cứu miễn phí nhằm góp phần cho công cuộc khuyến học khuyến tài cho quê hương.
Nguyễn Đình- báo Dân Trí
|