Về thăm giáo họ Mỹ Thịnh ở xã Hiến Sơn (Đô Lương) dấu ấn lắng lại trong lòng chúng tôi là cảm giác yên bình của làng quê, thôn mạc. Từ bao đời nay người dân nơi đây vẫn cần cù, chịu khó, đoàn kết xây dựng xóm làng no ấm, yên vui.
Họ đạo Mỹ Thịnh hình thành từ hơn một thế kỷ nay, nơi làng Mỹ Thịnh xưa có cây đa gần 500 tuổi. Hiện họ đạo có 67 hộ, 270 nhân khẩu, bà con sống xen kẽ với lương dân ở 2 xóm Hòa Phú và Hòa Thọ. Ông Ngô Trí Hương, xóm trưởng xóm Hòa Phú cũng là một giáo dân, tự hào cho biết: “Từ xưa đến nay, người dân xóm đạo Mỹ Thịnh vẫn kế tục, gìn giữ và phát huy được truyền thống của họ đạo, của quê hương, đó là đoàn kết, thân ái, sống tốt đời đẹp đạo, kính chúa yêu nước, thực hiện như huấn từ của Giáo hoàng, người công giáo tốt trước hết phải là người công dân tốt”. Ngược về những năm chiến tranh, giáo họ đã có hàng chục con em lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, trong đó 2 người đã anh dũng hi sinh, 15 người bị thương ở các chiến trường. Hiện có 20 cựu quân nhân chống Pháp, chống Mỹ, tham gia gìn giữ hải đảo, biên giới đang sinh sống tại địa phương
Hoạt động kinh tế chủ yếu của bà con giáo dân ở đây là nông nghiệp, ngoài ra còn làm một số nghề phụ khác như mộc, xây dựng, buôn bán… cuộc sống nhìn chung tương đối ổn định. Trong giáo họ hiện có 6 hộ mở dịch vụ xay xát, 4 hộ kinh doanh buôn bán, 7 hộ có ô tô, máy dập ruộng, 2 cơ sở sản xuất gạch, mộc, 1 doanh nghiệp… Nhắc đến phong trào làm ăn giỏi trong giáo họ phải kể đến một số hộ tiêu biểu như: Ngô Trí Chín, Nguyễn Quang Tần (giết mổ gia súc) Nguyễn Quang Phúc, Ngô Trí Bá (chăn nuôi gia súc, gia cầm). Hộ ông Phúc hiện đang xây dựng trang trại nuôi bò lai sin và lợn siêu nạc. Đặc biệt là hộ ông Ngô Trí Hương nổi tiếng cả mấy bố con đều là những người làm ăn giỏi. ông Hương mở xưởng mộc tại gia từ nhiều năm nay, sản xuất đồ gỗ thông thường và mộc cao cấp như bàn, ghế, tủ, cửa… Xưởng hoạt động quanh năm, sản phẩm làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình từ 300 – 400 triệu đồng/năm, mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 9 - 10 lao động trong xóm với mức lương 6 – 7 triệu đồng/tháng. Con trai đầu của ông Hương đã thành lập Doanh nghiệp Cơ khí, đầu tư xây dựng Bảo Nguyên, doanh nghiệp này cũng đang trên đà làm ăn thuận lợi.
Truyền thống hiếu học của giáo họ đang được phát huy, con em trong độ tuổi học sinh đều được đến trường đầy đủ, hầu hết thanh niên đều tốt nghiệp THPT, hiện 10 gia đình đang có con em học đại học. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Quang Phúc có 2 người con đang theo học đại học. Người dân ở đây quan niệm, muốn vươn lên xây dựng gia đình no ấm, cuộc sống hạnh phúc, xóm làng đổi mới, phát triển thì phải đầu tư cho con cái học hành, đầu tư vào tri thức. Chính vì vậy nhiều gia đình trong giáo họ có hoàn cảnh khó khăn cũng tần tảo, dành dùm để lo cho con cái học xong đại học, xem đó như là nhiệm vụ vinh quang tự hào của gia đình. Một số người trong giáo họ cũng đã thi đậu vào đại chủng viện Vinh Thanh, hoàn thành các chương trình học tập và được bổ nhiệm làm chức sắc ở các giáo họ. giáo xứ.
Hàng chục năm nay, giáo họ đã làm tốt công tác đoàn kết, từ thiện, lập quỹ “tương thân tương ái” nhằm giúp đỡ, thăm hỏi lẫn nhau khi các gia đình có người ốm đau, hoạn nạn, tặng xe lăn cho những người tàn tật, hỗ trợ tang gia… Đặc biệt là coi trọng việc tặng quà cho các em học sinh giỏi, học sinh đậu đại học hàng năm. Trong năm học 2016, những học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi của các nhà trường đều được tặng quà là 1 triệu đồng nhằm khuyến khích hơn nữa phong trào học tập, rèn luyện của con em trong giáo họ. Gương thanh niên tiêu biểu của giáo họ là anh Ngô Trí Chương (30 tuổi), nguyên là Bí thư Chi đoàn xóm Hòa Phú. Anh Chương không chỉ là thanh niên làm kinh tế giỏi mà còn được huyện đoàn Đô Lương tuyên dương là tấm gương tiêu biểu trong công tác đoàn – đội, được Huyện đoàn, Tỉnh đoàn ghi nhận bằng nhiều giấy khen, bằng khen. Anh còn được tuyên dương là điển hình thanh niên tôn giáo tỉnh Nghệ An (2013).
Điểm nổi bật của giáo họ Mỹ Thịnh là tinh thần đoàn kết lương - giáo được hun đúc từ hơn một thế kỷ qua. Nhà thờ giáo họ nằm ngay nơi giáp ranh giữa 2 xóm Hòa Phú và Hòa Thọ, giáo dân sinh sống xen kẽ với lương dân trong hai xóm nhưng bao đời vẫn yên vui, đùm bọc, tắt lửa tối đèn có nhau. Mỗi khi bên giáo có lễ chầu lượt, Noel.. hay bên lương có giỗ, chạp..., mọi nhà vẫn mời nhau qua lại, giao lưu. Cụ Nguyễn Quang Cử (84 tuổi) cựu chiến binh chống Pháp, giáo dân cao tuổi nhất của giáo họ là hiện thân của tinh thần đoàn kết ấy. Tuy tuổi đã cao, nhưng cụ vẫn siêng năng chăm lo cho việc đạo, việc đời. Hiện cụ vẫn có thể chụp ảnh, lướt web, viết bài, phục vụ cho công việc của tập thể. Chính cụ là người đã tổng hợp và viết một cách đầy đủ nhất về lịch sử của cây đa Mỹ Thịnh cùng những trăn trở, mong muốn cây cổ thụ của làng được công nhận là cây di sản quốc gia. Cây đa 500 năm tuổi này đã và đang là biểu tượng cho sức sống lâu bền, cho tinh thần đoàn kết của người dân Mỹ Thịnh.
Mùa Noel 2016 đang về với đồng bào công giáo trên khắp mọi miền, không khí vui tươi chuẩn bị một mùa giáng sinh an lành đang đến với bà con giáo họ Mỹ Thịnh. Trong khuôn viên nhà thờ, mọi người đang chung tay trang trí cờ, hoa. Trên những con đường làng, nhà nhà tưng bừng treo đèn ông sao, dựng cây thông đón chào đại lễ. Hòa chung trong niềm vui ấy, xin mượn những vần thơ của cụ Cử trong bài thơ “Bút tích cội nguồn” thay lời chúc mừng gửi đến bà con: “Nguyện xin chúa mẹ khai ân/ Cho con, cho cháu quây quần ngoài trong/ Giáo lương đoàn kết một lòng/ Giữ gìn bản sắc tổ tông muôn đời”.
An Nam
|