GiadinhNet - Ở Nghệ An có một làng chuyên sản xuất dầu lạc. Xưa nay người dân vùng làng này chỉ dùng dầu lạc trong các bữa ăn thay vì dùng mỡ lợn hoặc dầu công nghiệp bán trong các cửa hàng, siêu thị.
Làng dầu lạc bắt đầu từ xóm 9 nối sang xóm 10 xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên, nằm bên sông Lam thuộc tỉnh Nghệ An.
Trên con đường nhỏ dẫn vào xóm 9 xã Hưng Xuân, chúng tôi đã cảm nhận được mùi thơm của dầu lạc. Tiếng máy xay lạc hòa trong tiếng cười nói vui nhộn của người dân quê trước những sân phơi lạc.
Đường vào làng luôn xuất hiện những chiếc xe máy chở 2-3 bì lạc đến làng để bán hoặc để nhờ chế biến. Vào đến trung tâm của làng thì tiếng máy xay lạc dường như không ngớt bởi máy của nhà bên này ngừng thì máy nhà bên kia lại chạy.
Người dân dùng máy xay nhỏ lạc để cho vào nồi hông
Chị Lê Thị Huyền - chủ một cơ sở sản xuất dầu lạc tại xóm 10 cho biết, giờ đã qua mùa thu hoạch mà nhu cầu sử dụng dầu lạc của người dân trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh vẫn rất lớn vì nhiều năm nay họ đã quen dùng loại dầu dân dã này.
Nhu cầu lớn nhưng không thể so được với nhu cầu dịp chính vụ vào tháng 5-8. Dịp đó làng dầu lạc này vui như tết. Suốt ngày xe cộ tấp nập bởi người bán, người mua. Còn máy xay chạy không biết mệt, bếp mọi nhà đỏ lửa suốt ngày đêm.
Trước đây, làng quê này sản xuất dầu lạc bằng phương pháp thủ công. Từ công đoạn bóc vỏ, giã nhỏ, hông rồi ép lạc thành dầu đều làm bằng hai bàn tay của người dân quê. Giờ tất cả các khâu đều làm bằng máy móc nên sản phẩm “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” hơn rất nhiều so với hồi làm thủ công, năng xuất không cao lại hao tổn sản phẩm.
“Nghề có lúc thăng, lúc trầm nhưng không bao giờ chúng tôi bỏ nghề. Đây là nghề truyền thống của cha ông truyền lại cũng là nguồn thu nhập chính đem lại cuộc sống khấm khá cho hầu hết người dân trong hai xóm”- anh Nguyễn Văn Thắng, chủ một cơ sở sản xuất tại xóm 10 nhận định.
Ở đây mỗi gia đình là một cơ sở sản xuất. Ngày mùa thì họ huy động hết anh em để sản xuất dầu lạc. Mỗi người đảm nhận một khâu. Người phụ trách máy xay, người theo dõi máy nghiền, người trông bếp hông.
Theo các chủ cơ sở sản xuất, để có dầu lạc chất lượng thì khâu hông lạc rất quan trọng. Đun sao cho lửa đỏ đều, và phải “tiếp lửa” liên tục từ 20- 30 phút thì lạc lúc xay nhuyễn mới chín nhừ, cho dầu tốt và màu vàng tươi.
Những can dầu lạc vàng tươi sau khi được ép.
Đã bao năm người dân quê vùng ven sông Lam này ví dầu lạc như là “nguồn sữa” thứ hai nuôi lớn họ. Phần vì từ xưa từ người già đến trẻ nhỏ đều quen dùng dầu lạc mà không một loại dầu nào thay thế được. Phần vì dầu lạc là nguồn thu nhập chính - nguồn thu độc quyền, không phải bon chen với làng nghề khác. Trung bình mỗi ngày một cơ sở chế biến được hơn 100 kg hạt lạc, cho khoảng 30- 40 lít dầu, mỗi lít giá 80 ngàn đồng.
Bà Bá Thị Dung- Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hưng Nguyên cho biết: "Từ đầu năm đến nay, giá trị kinh tế từ nghề làm dầu lạc đạt khoảng 4 tỷ đồng. Đây là nguồn thu không chỉ làm giàu cho người dân quê xã Hưng Xuân. Hiện làng dầu lạc này đã được huyện công nhận là làng có nghề và đang làm thủ tục để tỉnh cấp bằng danh hiệu làng nghề và tiến tới xây dựng thương hiệu cho làng dầu lạc này".
Vũ Đồng - Hồ Hà
Nguồn giadinh.net.vn
http://giadinh.net.vn/xa-hoi/doc-dao-lang-dau-lac-o-nghe-an-20160930142857097.htm
|