Về thăm Di tích Lịch sử đình Dương Liễu ở xóm 3, xã Nam Trung (Nam Đàn), mọi người sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cây cổ thụ đã tồn tại song hành cùng ngôi đình cổ.
Tại đây có cây đa và cây bàng tuổi đời gần 300 năm, đang tỏa bóng sum suê trước sân đình.
Theo các cụ cao niên, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, cây đa, cây bàng tại đình Dương Liễu, là nơi cách mạng cắm cờ đỏ búa liềm, tổ chức diễn thuyết kêu gọi nhân dân đấu tranh chống thực dân – phong kiến.
Cây đa nằm bên trái di tích, thân cao hàng chục mét, gốc có chu vi 10 m.
Trên những cành đa, có nhiều rễ lớn đã nối đất tạo thành thế vững chãi cho cây đa trong gió bão.
Cành đa ngã đến đâu là rễ mọc đến đó, có những rễ lớn cách xa gốc gần 15 m. cụ Lê Văn Thoại (81 tuổi, xóm 4) – người trông coi di tích cho biết, khi rễ đa mới đâm xuống đất, phải cột tre bọc ngoài hoặc cho rễ chui vào bu gà mới bảo vệ được như vậy.
Đứng trong sân đình nhìn ra, có cảm giác như thấy một vườn đa
Điều đặc biệt là cả gốc cây và những rễ cây cắm xuống đất đều được gắn biển sắt ghi rõ năm tồn tại hoặc xuất hiện, công việc này do cụ Thoại (81 tuổi) tự làm.
Cây đa có nhiều hình thù lạ, đáng chú ý nhất là hình đầu voi
Từ dưới gốc nhìn lên tán lá, những rễ cây mọc thẳng đứng như những thân cây
Trên cành đa cao vút, đong đưa những tổ ong mật. Người địa phương cho biết ong mật thường về đây làm tổ, nhưng không ai dám trèo bắt.
Dưới gốc đa là nơi vui chơi lý tưởng của trẻ em trong vùng
Cây bàng tọa lạc bên phải di tích, cũng cao lớn không thua cây đa.
Dưới gốc bàng sần sùi những hình thù kỳ lạ, năm 2000 xuất hiện thêm một cây đa bám gốc bàng.
Mặc dù nhiều tuổi, lại bị gió bão bẻ gãy nhiều cành, những cành bàng mới vẫn vươn lên khỏe mạnh, xanh tươi
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, cây đa, cây bàng cổ thụ ở đình Dương Liễu không chỉ gắn bó thân thiết với các thế hệ người dân nơi đây, mà còn góp phần làm nên vẻ đẹp cổ kính cho một trong bốn ngôi đình nổi tiếng ở đất Nam Hoa.
An Nam
|