(Baonghean.vn) – Từ hơn chục năm nay, ông Võ Văn Hoan, 66 tuổi, ở xã Nghi Thịnh, Nghi Lộc, Nghệ An vẫn miệt mài sưu tầm lại những kỷ vật thời chiến. Từ những viên đá, mảnh bom, xác máy bay, đồ quân dụng… tất cả đều được ông lưu giữ lại một cách cẩn thận với mong muốn con cháu sau này vẫn có thể nhớ về những năm kháng chiến vệ quốc vĩ đại, nhớ về những người con đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
|
Đến thăm nhà ông Hoan, không quá khó để nhận ra những kỷ vật thời chiến tranh. Ngay trước cửa nhà, ông trưng bày nhiều vỏ bom đạn mà quân đội Mỹ từng thả xuống tàn phá đất nước Việt Nam. Ảnh chụp một quả bom khoan của quân đội Mỹ mà ông cất công tìm kiếm, mua lại. |
|
Một mảnh bom sát thương còn lại sau khi phát nổ. Theo lời ông Hoan, lớp người thời ông không bao giờ quên cảnh những bom rơi đạn nổ, nỗi đau do chiến tranh gây ra. |
|
Phần cánh còn lại của loại bom Mk81 mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. |
|
Trên thân cánh của quả bom này, người xem vẫn có thể thấy những dòng tiếng Anh cùng những vết tích thời gian. |
|
Một quả bom bi mà Mỹ từng thả xuống tàn phá đất nước hình chữ S. |
|
Ngoài những loại vũ khí sát thương, ông Hoan còn sưu tập nhiều đồ dùng của binh lính Pháp, Mỹ để lại sau chiến tranh. Trong ảnh là chiếc mũ cối mà binh lính Mỹ từng sử dụng. |
|
Ông Hoan sưu tầm rất nhiều loại bi-đông đựng nước của quân viễn chinh Pháp, binh lính Mỹ. |
|
Không chỉ lưu những minh chứng về tội ác của chiến tranh, ông Hoan còn lưu giữ những chiến tích của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến. Trong ảnh là một phần xác máy bay của quân đội Mỹ bị quân dân ta bắn rơi ở trạm y tế xã Nghi Thịnh bên cạnh là một khẩu súng K54. |
|
Những mảnh sò, hàu bám lại trên phần nắp máy bay như lưu lại dấu ấn thời gian. |
|
Bánh lái của chiếc tàu vận chuyển lương thực của bộ đội Việt Nam được ông Hoan cất công mua và đưa từ tận Phú Yên về Nghệ An. |
|
Chiếc điện thoại hữu tuyến của quân đội nhân dân Việt Nam sử dụng trong chiến tranh. |
|
Một quả pháo cối |
|
Những chiếc đèn bão, đèn dẫn đường - vật dụng quá quen thuộc với những người lính, những người bước qua một thời chiến tranh máu lửa của dân tộc. |
|
Máy đánh chữ Adler mà các nước xã hội chủ nghĩa cung cấp cho Việt Nam.
|
|
Đặc biệt, ông Hoan còn lưu giữ được bản “Thư của Bác Hồ gửi các cháu” đính băng tang khi Bác mất năm 1969. |
|
Sinh ra trong gia đình có 3 liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc, ông Hoan nói rằng mình lưu giữ các hiện vật để trân quý giá trị hòa bình của ngày hôm nay. |
|
Ông còn tự làm thơ và đề lên viên gạch lấy từ thành cổ Quảng Trị “Gạch thiêng thành cổ/ Máu đỏ thắm hồng/ Gạch cũng góp công/ Dữ dìn tổ quốc” nhằm ghi lại những cảm xúc của bản thân trước những dấu tích của một thời máu lửa. |
|
Chiếc áo của người mẹ ông được gắn nhiều huân, huy chương cao quý do Nhà nước tặng 2 người con trai hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc được xem là kỷ vật cả gia đình ông Hoan. |
|
Chiếc bát tráng men có đề 2 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu và hình vẽ người chiến sĩ giải phóng. |
|
Ông Hoan chỉ có một niềm mong ước duy nhất rằng bộ sưu tập của ông có thể nhắc nhở, lưu giữ lại con cháu mai sau về một cuộc vệ quốc vĩ đại, đánh đổi bằng xương máu của cả dân tộc Việt Nam.
|
Chu Thanh
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201606/bao-tang-chien-tranh-cua-nguoi-dan-ong-yeu-hoa-binh-2709614/