(Baonghean.vn) - Chiếc rèm sân khấu kéo lên, cả khán phòng nín lặng, trong nền nhạc trầm hùng, lời cố nhạc sĩ An Thuyên vang lên: “Ra đời trong trận càn của Pháp, mẹ bế qua sông bơi chạy giặc… Trận càn đấy thành trận chiến rất oanh liệt của quân đội và các anh đã ngã xuống… Đây là một định mệnh của cuộc đời để tôi trở thành người chiến sĩ, một vị tướng quân đội… bước tiếp con đường các anh đã chiến đấu”.
"Dương Cầm thu không em" là một trong hai ca khúc NSƯT Tấn Minh thể hiện trong đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sỹ An Thuyên. |
Đêm nay, thay vì vòng tay người mẹ, là vợ, là các con, các học trò… đã đưa nhạc sĩ An Thuyên về "neo đậu bến quê” bằng chính con đường mà ông đã đi. Đó là những bài hát mà đến tận cuối đời ông vẫn miệt mài tha thiết…
20h ngày 25/6, đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ An Thuyên mới bắt đầu. Nhưng từ trước đó, rất đông khán giả, người yêu thương, mến mộ tài năng và nhân cách của ông đã tập trung về nhà văn hóa Quân khu 4. Mỗi người tìm vị trí của mình và… chờ đợi.
Bởi đây là lần đầu tiên đêm nhạc của riêng An Thuyên được tổ chức tại Nghệ An. Lần đầu tiên những người con quê hương được gặp nhạc sĩ, dù ông không có mặt, nhưng tin rằng ông đã về trong hồn quê, trong vầng trăng, bến nước, gốc đa, bãi bồi, con còng gió…
Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đến dự đêm nhạc. |
Ngồi trầm ngâm hướng lên sân khấu, khi những hình ảnh trên slide về An Thuyên kịp lướt qua, là Uỷ viên bộ chính trị - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Nhưng hôm nay, ông không đến đây trên cương vị là một vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước mà với tư cách một người bạn lâu năm của gia đình nhạc sĩ, như lời ca sĩ Bông Mai - con gái nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ. Nghe những ca khúc theo chiều dài năm tháng cuộc đời An Thuyên, người bạn năm xưa không giấu nổi xúc động. Cạnh đó, đồng chí Hồ Đức Phớc, Nguyễn Đắc Vinh, Nguyễn Xuân Đường, Lê Minh Thông... cũng chung cảm xúc, nhớ đến An Thuyên như những bạn, người anh em cùng chung quê hương máu thịt.
Đã một năm kể từ ngày nhạc sĩ An Thuyên ra đi để lại bao niềm thương nhớ đối với gia đình và những khán giả hâm mộ. Đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ mang tên “Neo đậu bến quê” được tổ chức để người thân, bạn bè và khán giả cùng tri ân, cùng nhắc lại những đoạn đường mà ông đã đi. Đêm nhạc được tổ chức tại Nghệ An – quê hương nặng tình nghĩa nhất trong suốt cuộc đời người cố nhạc sĩ: “Năm 1982, từ mảnh đất xứ Nghệ này chúng tôi lên đường lập nghiệp… cho đến lúc chồng tôi – nhạc sĩ An Thuyên trở thành vị tướng trong lĩnh vực âm nhạc đầu tiên trong thời bình. Hôm nay, ông trở về cùng những ca khúc đi liền theo năm tháng. Những ngày cuối cùng, trên bàn làm việc của ông vẫn còn một bài hát viết dở “Bao giờ về lại ao quê…”. Và hôm nay, gia đình chúng tôi đưa ông trở về…” Bà Ngô Huyền Lâm, vợ của cố nhạc sĩ An Thuyên xúc động nói lời mở đầu cho đêm nhạc.
Bà Ngô Huyền Lâm - vợ nhạc sỹ An Thuyên tặng hoa cảm ơn các nghệ sỹ, diễn viên tham gia đêm nhạc |
Khán giả của đêm nhạc hôm nay, có những người bạn trong quân đội của nhạc sĩ An Thuyên, có các NSND, NSƯT, các ca sĩ, nhạc sỹ, có người già, người trẻ, có cả những đứa nhỏ lần đầu tiên được nghe nhắc đến tên nhạc sĩ An Thuyên. Nhưng dường như cảm nhận được một cách vô hình không khí lắng đọng, xúc động của đêm nhạc.
Nắm tay vợ dắt qua đám đông rồi ngồi xuống tại hàng ghế sau cùng, ông Nguyễn Cừ (70 tuổi), ở thành phố Vinh nói: “Cả tôi và vợ đều yêu những bài hát của nhạc sĩ An Thuyên. Tình cảm của tôi đối với nhạc sỹ còn là tình đồng đội, vì tôi cũng từng là bộ đội trong quân ngũ. Tiếc là ông ra đi sớm quá, đột ngột quá. Giá như ông còn sống, ông còn đóng góp được cho nghệ thuật nước nhà nhiều hơn nữa. Nhưng người như ông sẽ sống mãi thôi, sống trong những bài hát…”
Ca sỹ Quang Linh xúc động với ca khúc "Ca dao em và tôi", một sáng tác của nhạc sỹ An Thuyên đã làm nên tên tuổi của anh. |
Khi những ca từ quen thuộc bắt đầu vang lên, tất cả đều hướng lên sân khấu, nhiều người thì thầm hát theo. Họ thuộc bài hát của ông, như thuộc lòng tuổi thơ mình, thuộc những thân thương quá khứ, thuộc những bình yên hồn hậu mà dường như càng lớn khôn lên, lại càng nhớ, càng thương càng trân quý.
“Cắt nửa vầng trăng, cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ, chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ, tôi làm mái chèo lướt sóng…” Toàn khán phòng như ngưng lại một lúc rồi thay vào đó là loạt tiếng vỗ tay… Bà Nguyễn Thị An (51 tuổi) rưng rưng nước mắt: “Tôi chưa bao giờ gặp nhạc sĩ An Thuyên cả, nhưng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về ông. Bài hát đầu tiên của An Thuyên mà tôi biết đến là bài Neo đậu bến quê, bữa nghe hát, tôi đã khóc, không hiểu vì răng lại rứa. Sau này, nghe nhiều bài hát khác của ông, tôi cũng khóc. Có lẽ, vì lời lẽ bài hát thật quá, thật như quê, nên từ một công nhân như tôi, hay những người dân trong làng tôi đều thích nghe và xúc động”.
Cùng chồng đưa 2 con nhỏ dự đêm nhạc, chị Tôn Nữ Hoài Hương bồi hồi nhắc: Tôi là một trong số rất nhiều những học trò của nhạc sĩ An Thuyên. Năm 13 tuổi, tôi đã ra học tại trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, lúc ấy thầy đang là hiệu trưởng. Ấn tượng của tôi về thầy cho đến tận bây giờ là sự ân cần, quan tâm của thầy đối với tất cả học trò. Gặp đứa nào thầy cũng xoa đầu hỏi han. Cách đây hơn 7 năm, có lần thầy về thăm trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, nơi tôi làm việc sau khi tốt nghiệp ra trường, đó là lần cuối cùng tôi được gặp thầy, đi ăn cơm cùng thầy…
Phần lớn nghệ sỹ tham gia trong đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sỹ An Thuyên là học trò của ông |
Cô con gái của chị Hoài Hương dường như đã bắt đầu hiểu, cùng hướng mặt lên sân khấu, nghe những “Em chọn lối này”, “Đêm đò đưa nhớ Bác”, “Chín bậc tình yêu”…
Phía trên sân khấu, những ca sĩ, nghệ sĩ đàn, hát bằng cả tâm huyết, nỗi nhớ và tất cả tình cảm dành cho người nhạc sỹ tài năng và đức độ. Trong tất cả gia tài âm nhạc của An Thuyên, hơn 15 ca khúc được lựa chọn để thể hiện trong đêm nhạc. Đó là những ca khúc chủ yếu về mẹ, về miền Trung, về quê hương với bóng núi, tre làng, dòng sông, bến đò… Chẳng phải là một sự ngẫu nhiên, mà đó chính là lối về để nhạc sĩ “ầu ơ gọi những cơn mơ”, nhạc sĩ sẽ tìm được nẻo về.
Ca khúc kết thúc chương trình là bài “Neo đậu bến quê”, như chính tên gọi của đêm nhạc tưởng nhớ: “Xuống đò một mình tôi, với dòng sông tuổi thơ… Lang thang khắp bốn phương trời, nay về sông quê tắm mát, sông Lam biết khi mô cho cạn, đục trong nhục vinh hỡi người…”
Ca sỹ Bông Mai - con gái cố nhạc sỹ An Thuyên và là đạo diễn chương trình nói lời tri ân đến mọi người đã làm nên thành công của đên nhạc tưởng nhớ người ba của mình. |
Trên slide là hình ảnh của cố nhạc sĩ An Thuyên, vẫn là gương mặt phúc hậu, nụ cười hiền từ, lẫn trong khung cảnh của làng quê, bờ tre, bến nước… Một lần nữa, lời ghi âm giọng nói của An Thuyên vang lên: “Anh chàng nhà quê ra tỉnh, rồi lại từ tỉnh về làng quê. Đấy là con đường âm nhạc của tôi, ước mong của tôi là mang văn hóa xứ Nghệ để hòa lẫn văn hóa Việt Nam nói chung vàn hững kiến thức nhân loại để có một tiếng nói, có một ông An Thuyên trong nền âm nhạc và vẫn đậm đà chất Nghệ của mình”.
Gia đình nhạc sỹ An Thuyên và các nghệ sỹ cảm ơn khán giả khi đêm nhạc khép lại. |
Đoàn nghệ thuật Quân khu 4, NSƯT Tấn Minh, ca sỹ Quang Linh, Thắng Lợi, Thành Lê, Quỳnh Trang...và rất nhiều nghệ sỹ khác thể hiện các ca khúc của nhạc sỹ An Thuyên như sự tri ân đến một người thầy, như thay mặt cho những người lính nghiêng mình trước vị tướng quân đội và như đón một người quê.
Một đêm bằng cả cuộc đời. Đêm nhạc ngày 25/6 mọi người hoàn thành tâm nguyện của nhạc sỹ An Thuyên “đưa tôi về với người tôi yêu”, về với quê hương, về nơi chứa chan tình cảm sâu đậm mà người dân xứ Nghệ đã dành cho ông. Câu hỏi đau đáu cuối đời “Bao giờ về được ao quê” nay đã thành sự thật rồi, người hãy bình yên neo tâm hồn ở lại.
Gia đình nhạc sĩ An Thuyên: người vợ Huyền Lâm, con gái Bông Mai, con trai An Hiếu… nghẹn ngào nói lời cảm ơn. Không, không phải chỉ riêng An Thuyên, mà cả gia đình đang về đoàn tụ, tại quê hương xứ Nghệ mà họ luôn luôn thuộc về, chưa bao giờ là người xa lạ.
NPV
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201606/dem-nhac-tuong-nho-nhac-sy-an-thuyen-ao-que-nguoi-da-tro-ve-2708605/