(Baonghean.vn)- Là đại biểu nữ trẻ nhất trong Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, lại đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, bà Đinh Thị Kiều Trinh chia sẻ với PV Báo Nghệ An nhiều vấn đề mà bà đặc biệt quan tâm theo đuổi.
Phóng viên: Xin chúc mừng bà được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội. Xin bà cho biết cảm nghỉ của mình khi được trúng cử đại biểu Quốc hội?
Bà Đinh Thị Kiều Trinh: Được cử tri tin tưởng tín nhiệm và bầu tôi trở thành đại biểu Quốc hội khóa XIV, bản thân tôi hết sức xúc động, tự hào. Qua đây tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới toàn thể cử tri đã tín nhiệm, lựa chọn và bầu tôi trở thành đại biểu Quốc hội. Tôi nhận thức rằng đây không chỉ là vinh dự của một công chức trẻ như tôi mà còn là vinh dự lớn đối với cơ quan nơi tôi đang công tác – Sở Lao động –Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An. Gắn với vinh dự, tôi thấy được trách nhiệm lớn lao của mình trước tổ chức, trước nhân dân mà đặc biệt là trách nhiệm với cử tri nơi tôi được tham gia ứng cử.
Đại biểu Quốc hội Khóa XIV Đinh Thị Kiều Trinh: Phụ nữ vẫn còn gặp nhiều rào cản trong bình đẳng giới. |
Phóng viên: Trên cương vị là ĐBQH, tới đây bà đặc biệt quan tâm và theo đuổi vấn đề gì tại diễn đàn Quốc hội?
Bà Đinh Thị Kiều Trinh: Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề đang đặt ra rất bức bách hiện nay đối với giới trẻ là vấn đề lập thân, lập nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên đặc biệt thanh niên ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để họ thực sự trở thành nòng cốt tham gia phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.
Phóng viên: Thưa bà! Hiện nay vấn đề vẫn được cử tri, xã hội đặc biệt quan tâm là còn đối tượng người có công với cách mạng vẫn chưa được hưởng đúng, hưởng đủ các chế độ, chính sách của nhà nước. Vậy trên cương vị ĐBQH, lại là cán bộ, công chức trực tiếp quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, bà có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Bà Đinh Thị Kiều Trinh: Việc triển khai thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng luôn là chủ trương, chính sách lớn được Đảng, nhà nước và toàn thể xã hội đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết và thực hiện chính sách đối với người có công, vẫn còn những khó khăn như đối tượng không lưu giữ được giấy tờ gốc hoặc không có hồ sơ lưu trữ ở các cấp hay có những bất hợp lý trong quy định danh mục về bệnh, tật, khám, giám định với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học…
Trong thời gian tới tôi sẽ phản ánh những ý kiến, kiến nghị rất cụ thể, xác đáng này của cử tri vào các diễn đàn của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan để sớm ban hành các văn bản, quy định hướng dẫn cụ thể để tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng hiện nay nhằm giải quyết đúng các chế độ, chính sách cho các đối tượng.
Tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên). |
Phóng viên: Là một đại biểu nữ trực tiếp tham mưu lĩnh vực quản lý nhà nước về bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ của tỉnh, chắc chắn bà cũng đã có những dự định theo đuổi tại diễn đàn Quốc hội để Luật bình đẳng giới đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho chị em ngày càng có nhiều đóng góp cho xã hội?
Bài Đinh Thị Kiều Trinh: Tôi rất thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của những người phụ nữ ở khắp các miền quê. Trải nghiệm cuộc sống thời gian qua cũng giúp tôi nhận thức rõ, trong xã hội vẫn còn nhiều rào cản khó khăn để phụ nữ vươn lên khẳng định vai trò của mình trong gia đình và cộng đồng.
Quan tâm bình đẳng giới cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ( Trong ảnh thiếu nữ Mông ở Mường Lống- Kỳ Sơn). |
Với những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 vừa qua, tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh, kiến nghị với Quốc hội và ban, ngành liên quan các giải pháp, hoạt động cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Bình đẳng giới thông qua lồng ghép giới trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, trong hoạtt động của các cơ quan, đơn vị; Quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ nữ; Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân nhằm xóa bỏ khoảng cách giới, định kiến giới để mỗi công dân dù nam hay nữ đều được quyền bình đẳng và đóng góp nhiều hơn nữa cho gia đình, cộng đồng và xã hội và để đạt được bình đẳng giới một cách thực chất.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
Thanh Lê
(thực hiện)
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201606/chia-se-cua-nu-dai-bieu-tre-nhat-doan-dai-bieu-quoc-hoi-nghe-an-2703524/