(Baonghean.vn) - Hiện nay câu cá không còn là “cần câu cơm” của người nông dân mà trở thành thú chơi của không ít tầng lớp cán bộ và dân chúng từ nông thôn đến thành thị ở xứ Nghệ. Nhiều người đã sắm đồ nghề hiện đại và học các “bí kíp” cấp tốc để săn cá.
Thú chơi chỉ dành cho người đam mê
Các hồ đập lớn đang trở thành địa điểm câu lý tưởng cho những người đam mê "săn" cá. Ảnh Lê Thắng |
Theo chân anh Chu Văn Dinh, - một cần thủ nổi tiếng ở quê lúa Yên Thành, chúng tôi đến đập Đồn Húng ở xã Lăng Thành để câu cá. Sáng sớm, trời còn mờ sương nhưng đã có mấy chiếc ô tô đậu bên bờ đập, gần chục cần thủ đang ôm cần ngồi bất động mắt không rời khỏi núm phao trước hồ nước mênh mông. Anh Dinh bảo: Những người này đến từ chiều qua và họ thả mồi câu suốt đêm.” .
Nhìn thì có vẻ “chuyên nghiệp” là vậy nhưng khi tới gần làm quen mới biết những cần thủ này là dân văn phòng tại thành phố Vinh , họ đi giải trí sau một tuần làm việc căng thẳng. Anh Nguyên Hà, một cần thủ tâm sự: “Tôi là cán bộ tại một cơ quan ở TP. Vinh. Lúc đầu đi theo bạn bè cho vui, nhưng khi vào cuộc mới thấy thú chơi câu cá này rất hay. Được đi các vùng quê ngắm cảnh sông nước, hít thở không khí trong lành và trò chuyện giao lưu với bạn bè.
Tiếp nữa trải qua tâm trạng hồi hộp thả hồn theo chiếc phao. Cảm giác như được buông xả tất cả những giờ làm việc căng thẳng và những lo toan trong cuộc sống đời thường. Giây phút được cá lớn cắn câu thì tuyệt vời. Mỗi lần bắt hụt là vô vàn, lại như liều thuốc kích thích để tiếp tục chinh phục “đỉnh cao”. Chính những yếu tố đó nó tạo nên “chất” gây nghiện làm cho nhiều người tìm đến thú chơi này để giải trí.
Một cần thủ săn cá . Ảnh: Sách Nguyễn |
Theo tìm hiểu của chúng tôi , thú câu cá bằng cần máy, lưỡi câu lục (chùm 6 lưỡi), và lăng xê xuất hiện ở Nghệ An đã lâu, nhưng phát triển mạnh nhất vào khoảng 7 năm trở lại đây . Những người đam mê thú chơi này đã thành lập ra câu lạc bộ câu cá xứ Nghệ .
Hiện nay câu lạc bộ này thu hút hàng trăm thành viên tham gia và có cả trang web câu cá xứ Nghệ để giao lưu và trao đổi kinh nghiệm. Anh Nguyễn Thanh Hùng - Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: “CLB thành lập năm 2013, nhằm kết nối những người cùng đam mê thú chơi câu cá thể thao, giải trí.
Tính đến nay, chúng tôi đã tổ chức được 2 giải đấu câu cá CLB mở rộng, mỗi giải thu hút từ 60 – 100 cần thủ trên toàn quốc tham gia. CLB chúng tôi cũng đã tham gia một số giải câu cá thể thao ở các tỉnh thành trên cả nước… Ngoài ra, CLB còn đi làm từ thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tặng quà, áo ấm cho trẻ em vùng cao….”
Tiếp đến là nhiều câu lạc bộ câu cá ở huyện, xã cũng được nhen nhóm và thành lập như CLB câu cá Thái Hòa, CLB câu cá Thành Vinh, Yên Thành thu hút nhiều cần thủ tham gia.
Cứ vào dịp cuối tuần trên các hồ đập ở xứ Nghệ nơi nào cũng thấy những cần thủ đang buông cần tĩnh lặng chờ cá.
Dân câu chuyên nghiệp còn sử dụng ống nhòm để quan sát phao câu xa bờ. Ảnh: Thạch Giang |
Họ có thể là nhóm giáo viên, cán bộ rủ nhau tụ tập, xả hơi; hoặc là những doanh nhân chọn hồ câu làm nơi bàn chuyện làm ăn. Nhưng phải nói nhiều nhất vẫn chính là dân văn phòng đi xả hơi dịp cuối tuần. Đôi khi ta còn bắt gặp cả những cặp nam nữ thanh niên đi câu cá với nhau cùng hưởng cái thú đi câu và không khí lãng mạn bên hồ…
Chính vì thú câu cá phát triển, nhiều người tham gia nên có hàng trăm điểm câu kinh dịch vụ ở các huyện thị thi nhau mọc lên để phục vụ nhu cầu của những người đam mê câu cá. Điển hình như hồ hồ cá ông Chung ( Nghi Lộc), hồ cá anh Tuấn (Nam Đàn) ông Tân ( Yên Thành)… Những điểm câu này thu từ 20.000 - 50.000/ giờ câu nhưng vẫn thu hút được nhiều người đến buông cần.
Song song với thú chơi này là các đại lý, cửa hàng bán cần câu, đồ câu, mồi câu với đủ chủng loại cũng thi nhau mọc lên ở thành phố Vinh và các huyện thị. Đó cũng là quy luật cung cầu, phát triển của kinh tế thị trường.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Câu cá nó vô cùng thú vị, sự hấp dẫn nhất là cuộc “đấu trí” giữa người và cá. Vậy nên, thú chơi này cũng rất công phu. Những cần thủ nghiệp dư, sắm cần ít nhất cũng từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/chiếc trở lên. Còn cần thủ chuyên nghiệp đa số đều sử dụng cần ngoại, từ 6 - 12 triệu đồng/ chiếc, ngoài ra còn có vô số phụ kiện như: phao câu ngày, câu đêm, cước, ống, vợt, ghế, ô che chuyên dụng, ca nô cao su dùng để đặt mồi xả bằng cách điều điều khiển từ xa, bộ đồ lặn…
Với dân câu chuyên nghiệp xuồng cao su là phương tiện để đánh mồi xả xa bờ. Ảnh Thạch Giang |
Khi đã sắm đủ bộ đồ nghề thì cần thủ cần phải có chút ít kinh nghiệm cơ bản và chuẩn bị mồi câu.
Anh Chu Văn Quán - một cần thủ nổi tiếng làm mồi câu ở Yên Thành cho biết: Cần thủ, muốn câu được cá trước hết phải nắm được đặc tính của từng loài cá. Mỗi loài cá một khẩu vị, một một khu vực sống khác nhau.
Cần phải biết cá thích ăn gì, dụ cá ra sao. Theo anh Quán, mồi câu tổng hợp hơn 20 loại gồm : Khoai lang, gạo nếp, trứng gà, đỗ xanh, bột ngô, tép khô, vừng đen, cám rang, lạc rang, gạo nếp, bột bánh, vani… Hỗn hợp này trộn lẫn xay nhuyễn để làm mồi câu. Nhưng tùy từng loài cá để pha trộn với tỷ lệ khác nhau…Mồi nhử (xả) còn được ủ chua lên men từ nhiều loại ngũ cốc, rồi mầm lúa, mật mía, ốc nhồi… Đặc biệt với loài trắm đen, chúng chỉ ăn mồi ốc vì thế người ta vẫn gọi chúng là cá trắm ốc. Để đánh bắt loài cá này dân câu sử dụng ốc sống để làm mồi nhử và phải thường xuyên bổ sung, chăm sóc ổ mồi để tạo thói quen cho loài cá đặc biệt này. Khi cá đã say với điểm thức ăn cũng là lúc chúng đứng trước nguy cơ bị tóm bất cứ lúc nào.
Câu cá còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, địa hình, mồi, lưỡi câu. Những cần thủ dày dạn kinh nghiệm thường “thủ” các tuyệt kỹ câu và cách pha chế mồi để lúc nào cũng có cá mang về và mai phục cá lớn…
Con trắm đen nặng 35,7 kg do anh Trần Quốc An (TP. Vinh) câu được ghi nhận lớn nhất cho đến thời điểm này. |
Trong thế giới câu cá Việt, thì bắt được cá chép cụ và trắm đen trên 10 kg trở lên là mơ ước của các cần thủ nhưng điều này rất khó bởi những “cụ” sống lâu này rất tinh khôn. Kỷ lục về câu cá ở Nghệ An ghi nhận, anh Trần Quốc An (TP Vinh,) đã câu được con cá trắm đen nặng 35,7kg. ) tại đập nước ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An)
Mới đây nhất anh Chu Văn Dinh cũng đã câu được con cá chép 11 kg ở một đập nước Yên Thành…
Theo 2 cần thủ gạo cội này, thì cần câu của họ là đồ xịn, phải đặt hàng từ Nhật mang về, còn mồi câu, cũng thuộc hàng “nghệ nhân” làm ra mới bắt được cá khủng như vậy…
Dũng - Quỳnh - Cường
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201605/cau-ca-o-xu-nghe-khong-chi-la-niem-dam-me-2694199/