(Baonghean.vn)- Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ,
Tháng 12/1953, sau khi Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ - Tĩnh là một trong những vùng hậu phương quan trọng được giao nhiệm vụ chi viện. Tỉnh Nghệ An đã thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận để huy động mọi nguồn lực phục vụ chiến dịch. Với khẩu hiệu “Tất cả vì Điện Biên Phủ”, quân dân Nghệ An nô nức tòng quân. Toàn tỉnh có hàng nghìn thanh niên đi bộ đội và hàng vạn TNXP, dân công hỏa tuyến.
Đại đội dân công xe đạp thồ huyện Diễn Châu phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Từ cuối năm 1953 ta mở mặt trận Trung Lào. Cùng với bộ đội chiến đấu đông đảo là người Nghệ An, lực lượng dân công hỏa tuyến phục vụ cho riêng chiến trường này chủ yếu là nông dân đến từ lưu vực sông Lam. Giữa tháng 12/1953, từ đây đã có 20.000 dân công đường bộ, đường sông và gần 1.500 xe đạp thồ ngược lên đất bạn. Họ tập trung chủ yếu ở Trạm Y20, trên sông Sebangphai. Tại đó, quân Pháp bị đánh bất ngờ nên hoảng loạn, lâm vào thế bị động rồi thất bại.
Tiếp đến, sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ (1954), 30.000 dân công gánh bộ và 2.000 dân công xe thồ của Nghệ An lại đi ra phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. Bấy giờ, trên mỗi xe đạp như vậy thường chất nặng từ 100 đến 130 kg là lương thực, quân trang, khí giới. Và khi vì nhu cầu khẩn cấp từ mặt trận, người dân công có thể chất xe thồ của mình một lượng hàng đến gấp rưỡi, gấp đôi.
Đội dân công hỏa tuyến huyện Quỳnh Lưu |
Theo các thống kê của Bộ Chỉ huy quân sự và Sở Lao động Thương binh - Xã hội tỉnh, ở Nghệ An, số thanh niên đi bộ đội cũng như số chiến sĩ hy sinh trong chiến cục Đông - Xuân (1953 - 1954) và ở mặt trận Điện Biên Phủ chiếm tỉ lệ đông nhất so với các tỉnh khác. Riêng trong năm 1954, Nghệ An có 155.974 lượt dân công phục vụ tiền tuyến. Trong đó, dân công phục vụ ở chiến trường Lào là gần 24.400 người và 146.000 xa đạp thồ. Và số dân công phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ là trên 30.000 lượt người và 3.700 lượt xe đạp thồ. |
Một sự kiện cần được chú ý là trong số 20.000 viên đạn pháo 105 ly mà bộ đội ta bắn vào các cứ điểm Điện Biên Phủ, có 400 viên là do quân dân ta lấy được của lính Pháp từ lưu vực sông Xebangphai ở chiến trường Trung Lào hồi ấy rồi cũng chính là do những người dân công xứ Nghệ chuyển ra Tây Bắc.
Bên cạnh đó, Nghệ An đã huy động 6.600 dân công làm mới và sửa chữa 320 km đường (có 150 km đường rải đá), bắc 3 cầu lớn, 32 cầu nhỏ, đặt 53 cống, nối liền mạch máu giao thông từ Liên khu 1 đến Liên khu 3, Liên khu 5, biên giới Việt Lào để chi viện tiền tuyến.. Sức lực bỏ ra tính tổng cộng là 1.574.152 ngày công.
Các chiến sỹ Điện Biên Phủ bên cạnh chiếc xe thồ được trưng bày tại triển lãm "Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng" do Bảo tàng Quân khu 4 tổ chức. |
Để bộ đội ở ngoài mặt trận không chỉ no cơm, ấm áo mà còn an tâm với hậu phương để họ đánh thắng quân thù, từ tháng 6/1953 đến tháng 7/1954, Nghệ An đã tiến hành 5 đợt phát động giảm tô, thực hiện giảm tức tại 120 xã trong số 155 xã ở đồng bằng và trung du. Nhiều gia đình nông dân nghèo được xóa nợ, chia ruộng, chia trâu. Chồng con của họ ở ngoài mặt trận vì thế an tâm và hăng hái chiến đấu.
Đến tháng 2/1954, Nghệ An có 1.496 tấn thóc nộp thuế phơi khô quạt sạch nhập kho, bằng 80% tổng số thuế thuộc vụ 1 mà Ủy ban Hành chánh liên khu IV phân bổ cho tỉnh.
Để có được chừng ấy sản phẩm nhằm phục vụ kháng chiến vào thời điểm lúc bấy giờ, thật là một sự nỗ lực rất lớn của nhân dân Nghệ An. Vì nhằm ngăn chặn nguồn tiếp tế cho kháng chiến đến từ Thanh - Nghệ - Tĩnh, giặc Pháp đã điên cuồng ném bom vùng hậu phương này, đánh sập các đập nước và hệ thống nông giang lớn nhỏ, phá hỏng nhiều kho tàng, bến bãi và sát hại biết bao dân lành. Nhưng quân dân Nghệ An quyết một lòng, vì “Tất cả cho cuộc tấn công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954”, “Tất cả cho Điện Biên Phủ chiến thắng”.
M.Q (tổng hợp)
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/xa-hoi/201605/quan-dan-nghe-an-gop-cong-lon-trong-chien-thang-dien-bien-phu-2691839/