(Baonghean) - Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là thế hệ nối tiếp của các chiến sỹ “Tự vệ Đỏ”, “Xích vệ Đỏ” trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, lực lượng vũ trang Nghệ An luôn vượt lên mọi hy sinh gian khổ, có mặt ở vị trí tuyến đầu và lập công xuất sắc xuyên suốt nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Lãnh đạo tỉnh thăm quan mô hình sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh nhà. |
Ngay từ những ngày đầu vừa giành được chính quyền, trong thế "ngàn cân treo sợi tóc", LLVT tỉnh nhà thực sự làm nòng cốt trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ.
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Nghệ An bồi hồi nhớ lại những ngày tháng hào hùng: “Tháng 10/1945, tỉnh chủ trương kiện toàn đơn vị giải phóng quân của tỉnh thành Chi đội Đội Cung, là đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh, sau đó đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 57.
Sau khi lệnh Toàn quốc kháng chiến được ban bố (19/12/1946), một đại đội của Trung đoàn 57 và Đại đội Lê Lợi của Tự vệ thành phố Vinh đã nổ súng tiến công quân Pháp đóng ở khu vực Ba Bò (nay là phường Hưng Bình) bắt gọn 32 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng”.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, LLVT Nghệ An đã vượt lên mọi khó khăn gian khổ, xây dựng và bảo vệ vững chắc căn cứ địa quan trọng, hậu phương chiến lược không những chỉ của Liên khu 4 mà còn của toàn quốc và cách mạng Lào anh em.
Để bảo vệ quê hương, LLVT Nghệ An đã đánh hàng trăm trận, tiêu diệt và làm bị thương hàng ngàn tên địch, thu nhiều vũ khí các loại, đập tan âm mưu của giặc Pháp đổ bộ càn quét vùng biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, làm thất bại âm mưu nhen nhóm gây phỉ trong đồng bào các dân tộc ở miền núi Tương Dương, Quỳ Châu và phá tan hành động gây bạo loạn của bọn phản động đội lốt tôn giáo ở Xã Đoài (Nghi Lộc), Hưng Yên (Hưng Nguyên).
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Hồ Chủ tịch "hướng về Nam bộ", các chi đội Nam tiến của LLVT tỉnh đã có mặt chiến đấu trên chiến trường Đông Nam bộ và Nam Trung bộ. Theo sát chân của bộ đội chủ lực, hơn một triệu lượt dân công, chủ yếu là lực lượng du kích đã có mặt ở các chiến trường, tham gia các chiến dịch lớn ở Bình Trị Thiên, Hoà Bình, Tây Bắc, Hà Nam Ninh, Thượng Lào, Trung Lào, và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ…
Trung đội phòng không 12,7mm thực hành vượt sông. |
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nghệ An trở thành tiền tuyến của miền Bắc, hậu phương trực tiếp của miền Nam và chiến trường Lào; là trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt. Thời kỳ này, LLVT Nghệ An có bộ đội địa phương với số lượng lớn và trang bị hiện đại hơn, có lực lượng dân quân tự vệ hùng hậu, được tổ chức rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, cơ quan quân sự các cấp từ xã đến tỉnh được củng cố.
Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, riêng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ đã bắn rơi 112 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 26 tàu biệt kích địch. Dân quân xã Diễn Hùng (Diễn Châu) là đơn vị đầu tiên trên miền Bắc bắn rơi máy bay hiện đại của Mỹ bằng súng trường. Lão dân quân Ngô Ái (Diễn Châu) nhớ lại:
“Ngày 3/3/1965, tôi và đồng chí Ngô Gườm đi nhận khẩu trung liên ở huyện đội về. Vừa tới Cầu Bùng thì có 2 máy bay địch từ hướng biển vào ở tầm thấp. Chớp thời cơ, tôi quỳ xuống làm giá súng cho đồng chí Ngô Gườm bắn.
Với 6 viên đạn trung liên, chúng tôi đã bắn cháy 1 máy bay trinh sát của địch, sau đó rơi tại xã Tào Sơn, Anh Sơn. Chiến công này của hai anh em tôi đã được Bộ Tư lệnh Quân khu 4 khen ngợi, đồng chí Ngô Gườm được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, còn tôi được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen...”.
Không chỉ cuộc chiến trên không, mà những trận chiến trên biển còn được khắc ghi trong sử vàng LLVT Nghệ An. Chiến đấu trực diện 190 trận với tàu chiến địch, bắn chìm, bắn cháy 36 chiếc tàu chiến, tàu biệt kích của Mỹ - ngụy (đứng thứ 4 toàn miền Bắc)... là thành quả được đánh đổi bằng sự hy sinh của hàng ngàn dân quân tự vệ, bộ đội pháo binh.
Ông Bùi Sỹ Hậu, nguyên Tiểu đội trưởng dân quân biển xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), năm nay đã 76 tuổi nhớ lại: “Trước khi ra khơi, tất cả dân quân chúng tôi đều được truy điệu sống. Biết sống - chết chỉ cách nhau gang tấc nhưng vẫn quyết tâm đi bởi với những ngư dân làm nghề biển như chúng tôi thì biển không chỉ là miếng cơm, manh áo, mà còn là một phần máu thịt của quê hương nên phải chiến đấu để bảo vệ, giữ gìn”.
Bên cạnh bảo vệ mảnh đất quê hương, LLVT tỉnh Nghệ An có 1 trung đoàn, 22 tiểu đoàn, 25 đại đội, trung đội với gần 14.000 cán bộ, chiến sỹ bổ sung cho các chiến trường, góp phần xuất sắc vào cuộc tổng tiến công Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dân quân xã Diễn Thành (Diễn Châu) huấn luyện bắn súng. |
Sau năm 1975, LLVT Nghệ An có những bước phát triển mới, có nhiều trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội bộ đội địa phương với các đơn vị binh chủng kỹ thuật, có trường quân sự của tỉnh cùng hệ thống cơ quan chỉ huy tỉnh, huyện khá hoàn chỉnh.
Bên cạnh lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, lực lượng dự bị động viên hùng hậu được quản lý, tổ chức và huấn luyện chu đáo, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các quân, binh chủng, các chiến trường.
Thời kỳ này, các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân tự vệ của LLVT Nghệ An là lực lượng chủ yếu đóng góp hàng triệu ngày công xây dựng các công trình thuỷ lợi lớn nhỏ như Vách Bắc, Vực Mấu, Cống Hiệp Hòa… và nhiều công trình kinh tế khác của tỉnh.
Cùng với lực lượng công an, bộ đội biên phòng, các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân tự vệ đã góp phần tích cực trong việc truy quét, trấn áp bọn lưu manh, côn đồ gây rối trật tự trị an, chống buôn lậu, ngăn chặn, phá tan các tổ chức vượt biên, vượt biển trái phép.
Trải qua hơn 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, LLVT Nghệ An đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam và nước bạn Lào trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Tiêu biểu như danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1978; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, hạng Ba; hàng trăm tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND…
Phát huy truyền thống vẻ vang trong thời kỳ mới, Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh thường xuyên nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng cho cán bộ, chiến sỹ; luôn sát cánh cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà xây dựng, phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, ổn định kinh tế - xã hội để nâng cao tiềm lực và khả năng quốc phòng địa phương, quyết tâm vươn lên xứng đáng là những cán bộ, chiến sỹ của quê hương Xô viết Anh hùng, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân xây dựng Nghệ An thành một tỉnh khá nhất của cả nước như Bác Hồ đã hằng mong muốn.
Phong Quang - Phương Chi
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/quoc-phong/201604/ky-niem-41-nam-giai-phong-mien-nam-3041975-3042016-vang-mai-nhung-chien-cong-2688559/