(Baonghean.vn) Tôi rảo bước trên đường phố Đà Lạt, cảm giác lòng ấm áp hơn nhiều, dù thành phố cao nguyên lạnh giá đã phủ giăng khắp lối. SLNA đã cho tôi sự tự tin và niềm tự hào nơi miền xa xứ.
Năm 2001 tôi vào Đà Lạt khi 19 tuổi, lần đầu tiên xa nhà, xa quê, xa mẹ cha và những người thân quen, khiến tôi không khỏi bỡ ngỡ, lạc lõng giữa thành phố xa lạ.
Vào một quán cơm tối trên đường Bùi Thị Xuân, tôi lách mình vào 1 góc quán, gọi cho mình một suất cơm. Vì chưa bao giờ đi xa quê nên giọng tôi vẫn đặc sệt “mô, tê, răng, rứa”. Một số vị khách nghe giọng tôi ngộ ngộ đều hướng ánh mắt về phía tôi, khiến tôi càng cảm thấy mình lạc lõng, cô độc. Mặt cúi gằm, tôi chăm chăm nhìn chiếc bàn vô tri vô giác.
Lát sau, chú chủ quán cỡ 45 tuổi, bê cơm ra cho tôi rồi hỏi một câu: "Cháu ở Nghệ An hay Hà Tĩnh?". Tôi đáp nhanh nhảu: "Cháu quê Nghệ An ạ". Rồi chú ấy ngồi xuống cạnh tôi như một người quen cũ.
Chú ấy bảo: "Nói đến xứ Nghệ là nói tới 2 niềm tự hào: Hiếu học và bóng đá". Tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên : "Chú dân trong ni mà cũng biết điều đó à?". Chú cười rồi đáp : "Dù là dân Lâm Đồng nhưng chú rất hâm mộ Sông Lam Nghệ An, chưa trận nào của SLNA mà chú bỏ qua”.
Dù thi đấu ở đâu, SLNA cũng nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của NHM. ( Ảnh minh họa) |
Tôi như cá gặp nước, tự nhiên thấy tự tin hơn giữa đất khách quê người, tôi và chú nói về anh em Văn Sỹ Hùng, Hữu Thắng, Quang Trường, Văn Quyến, Như Thuật... Cuộc trò chuyện diễn ra lôi cuốn khiến tôi quên ăn, còn chú quên phụ vợ bưng bê. Chú hào hứng: "Xứ Nghệ là vùng địa linh nhân kiệt, bóng đá cũng không phải là ngoại lệ. Chú có cảm tưởng, xứ Nghệ như là Brazil của Việt Nam vậy, mà màu áo của đội tuyển Braxil cũng màu vàng như Sông Lam Nghệ An luôn".
Tôi chống cằm nghe những bộc bạch của một người con Tây Nguyên về đội bóng thân yêu của mình. Chú tiếp tục chia sẻ: "Đội bóng Xứ Nghệ có lối chơi đặc trưng lắm: Vừa mạnh mẽ như Hữu Thắng, Quang Trường, cần mẫn như số 2 (Tiến Quang), số 14 Văn Tiến và nghệ sĩ như Phan Thanh Tuấn, Sỹ Hùng... một chất rất Nghệ, chẳng lẫn vào đâu được".
Tôi chen lời: "Rứa mà báo chí đặt cho biệt danh "Chém đinh chặt sắt" đó chú ạ". Chú cười rồi bảo: "Họ nhìn lệch lạc thôi, nhìn lối chơi bóng của Phan Thanh Tuấn xem, rất thông minh và kĩ thuật. Thể thao là phải mạnh mạnh mẽ, chứ đâu phải là múa ba-lê".
Cuộc chuyện trò càng lúc càng rôm rả, khi có 1 vị khách mới vào quán là người gốc Đức Thọ (Hà Tĩnh) cùng tham gia bàn luận với chúng tôi. Đó là người đàn ông, 50 tuổi, vào đất Tây Nguyên định cư được gần 10 năm.
Với khuôn mặt khắc khổ bác chậm rãi thổ lộ: "Nhớ quê lắm cháu à, nhớ những trận cầu trên sân Vinh giữa những cơn gió Lào bỏng rát, khi Sông Lam Nghệ Tĩnh (tiền thân của Sông Lam Nghệ An) thi đấu ở giải A1". Nhấp một ngụm nước, bác tiếp tục tâm tình: “Có những hôm trời nắng chang chang, đạp xe từ nhà Đức Thọ sang Vinh mất hơn 1 tiếng đồng hồ, mồ hôi nhễ nhại nhưng khi nhìn 1 biển người mũ cối lại thấy phấn chấn liền. Khoái cái cảm giác đó lắm".
Tự hào là nơi sinh ra những tài năng bóng đá. ( Ảnh minh họa) |
Tôi hỏi bác: "Bác có hay về quê không?". Trút tiếng thở dài nhè nhẹ, bác đáp: "Chưa về lần mô cháu à, vì mưu sinh cả. Những năm trước,SLNA còn lên đây đá với Lâm Đồng, trận mô bác cũng coi hết, nhìn thấy đội bóng Sông Lam đá là cảm thấy ấm lòng như đang ở quê hương"…
Những vị khách ngồi mâm bên cạnh cũng thỉnh thoảng góp vui trong cuộc đàm đạo của 3 chúng tôi. Nhờ SLNA, tôi được trò chuyện với chú chủ quán chân tình mến khách, tôi được nghe những điều rút ra từ gan ruột của bác đồng hương xa quê lâu ngày, và nhờ 4 chữ Sông Lam Nghệ An mà tôi không còn cảm giác lạc lõng nơi đất khách quê người.
Tôi rảo bước trên đường phố Đà Lạt, cảm giác lòng ấm áp hơn nhiều, dù thành phố cao nguyên lạnh giá đã phủ giăng khắp lối. SLNA đã cho tôi sự tự tin và niềm tự hào nơi miền xa xứ. Và tôi tin, hàng triệu người con xa quê đều có chung cảm giác như tôi ngày đó, khi bất chợt nghe 4 từ thiêng liêng của đội bóng quê nhà.
Lê Thanh Hưng
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/the-thao/201604/song-lam-nghe-an-bon-chu-tu-hao-2683711/