(Baonghean) - Tướng công Đinh Bạt Tụy - một nhà khoa bảng, một vị tướng văn võ song toàn, trung quân, ái quốc; một trong những “danh tướng lương thần” đã có nhiều cống hiến đối với công cuộc dẹp loạn, an dân, ổn định tình hình đất nước vào thế kỷ XVI.
Một lòng vì dân nước
Đinh Bạt Tụy sinh năm Bính Tý (1516) tại xã Bùi Khổng, huyện Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nho học nhưng rất nghèo. Nhờ được hưởng sự chăm sóc, dạy bảo của cha mẹ, nên ngay từ nhỏ ông đã tỏ rõ là người có chí và hiếu học. Khi Đinh Bạt Tụy vừa tròn 13 tuổi cả cha và mẹ ông đều mất sớm, một thầy đồ ở trong làng đã đưa Đinh Bạt Tụy về nuôi. Hàng ngày Đinh Bạt Tụy giúp thầy quét dọn bàn ghế, nấu nước, thổi cơm, rồi kiếm củi, chăn trâu, cắt cỏ. Tuy vậy, Đinh Bạt Tụy vẫn tranh thủ thời gian học tập.
Đền thờ Đinh Bạt Tụy tại làng Bùi Ngõa, Hưng Trung, Hưng Nguyên. |
Học giỏi, nhưng Đinh Bạt Tụy khá lận đận về khoa cử, trải qua bao lần đi thi đều không đỗ đạt. Mãi đến năm 1543 (năm 27 tuổi) ông mới thi đỗ Hương cống và được bổ làm giám sinh của Trường Quốc Tử Giám dưới triều Mạc. Năm Giáp Dần niên hiệu Thuận bình thứ 6 (1554), Vua Lê Trung Tông mở chế khoa, Đinh Bạt Tụy đậu đầu bảng, tương đương Trạng nguyên. Đây là lần đầu tiên kể từ khi lên ngôi Vua Lê Trung Tông mới mở khoa thi tài tại Hành điện ở sách Vạn Lại – Thanh Hóa để kén chọn nhân tài. Đinh Bạt Tụy là người đỗ đầu tiên trong 13 người thi đỗ khoa thi này và ông đã được nhà vua giao giữ chức Hàn lâm viện hiệu lý. Để đền đáp lại công ơn cha mẹ, thầy học và ơn vua, Đinh Bạt Tụy ra sức làm việc nên được nhà vua tin dùng và thăng chức “Hàn lâm viện thi thế”. Do quá trình làm việc ở trong triều có nhiều kết quả và có uy tín về đức hạnh nên năm 1562 Vua Lê Anh Tông giao cho Đinh Bạt Tụy giữ chức “Đông các hiệu thư”. Tuy làm quan văn với tư tưởng trung quân ái quốc, nhưng Đinh Bạt Tụy vẫn quan tâm lo lắng đến chính sự nước nhà.
Sắc phong viết: “Tuyên lực Công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Binh bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sỹ, Nhập thị kinh diên, Phúc Khê hầu”. Năm1 629 (Niên hiệu Đức Long thứ nhất) gia phong “Thượng thư Khê quận công”. |
Trong khoảng gần 10 năm (1570 - 1580) Đinh Bạt Tụy đã tham gia nhiều trận đánh, góp phần giữ vững vùng đất hậu phương của nhà Lê. Đinh Bạt Tụy không chỉ nổi tiếng là một vị danh tướng có tài cầm quân, mà còn giỏi về việc an dân, khôi phục kinh tế như chiêu dân phiêu tán lập làng, khai chợ, dựng chùa (nhân dân các vùng Hưng Nguyên - Nam Đàn ngày nay vẫn lưu truyền và ca ngợi việc ông khai chợ Hiến Sơn và tu sửa chùa Hiến Sơn (nay gọi là chợ Hến và chùa Hến, xã Hưng Yên Bắc). Do có nhiều công lao, ông đã được Vua Lê Thế Tông phong chức Thượng thư Bộ binh kiêm chức “Đông các đại học sỹ nhập thị kinh diên” và lưu ở Hành điện Vạn Lại - Thanh Hóa.
Năm 1589, Thượng thư Đinh Bạt Tụy được tin cẩn giao trọng trách hộ giá Vua Lê Thế Tông thân chinh ra trận. Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng ông vẫn ngày đêm lo lắng đốc thúc việc quân lương cho cuộc hành quân lớn. Giữa đường hành quân, Đinh Bạt Tụy lâm bệnh nặng và mất ngày 17/4/1589. Sau khi mất Đinh Bạt Tụy được triều đình truy phong tước “Khê quận công”, phong làm Phúc thần và sai lập đền thờ tại quê hương ông để nhân dân thờ tự.
Gần 40 năm làm quan (1554 -1589), Đinh Bạt Tụy đã phò giúp 3 đời vua Lê: Lê Trung Tông (1554 - 1555); Lê Anh Tông (1556 - 1572) và Lê Thế Tông (1573 - 1589). Dẫu chưa hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp triều Lê Trung Hưng, nhưng tên tuổi và công trạng của Đinh Bạt Tụy đã được triều Lê và lịch sử dân tộc ghi nhận là “Đệ nhất công thần”.
Phát huy truyền thống
Những ngày này, về với làng Bùi Ngõa mới thấy hết không khí phấn khởi của con cháu dòng họ Đinh nói riêng, nhân dân Hưng Trung, Hưng Nguyên nói chung hướng về kỷ niệm 500 năm Năm sinh Tướng công Đinh Bạt Tụy.
Ông Đinh Bạt Triều - hiện là Trưởng Ban quản lý di tích làng Bùi Ngõa xúc động cho biết: Không riêng con cháu hậu duệ của Tướng công Đinh Bạt Tụy mà người dân địa phương ai ai cũng tưởng nhớ tới công lao của ông. Làng Bùi Ngõa có 3 di tích: Đền thờ Đinh Bạt Tụy - nơi thờ chính Tướng công và các con cháu ông, và đình Bùi Ngõa, chùa Bùi Ngõa đều thờ phụng Đinh Bạt Tụy.
Tưởng nhớ công lao, tấm gương vì dân, vì nước của Đinh Bạt Tụy, con cháu dòng họ Đinh khởi phát từ Bùi Ngõa đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống gia đình, dòng họ và quê hương, đất nước như Đinh Bạt Tuấn, Đinh Bạt Sỹ, Đinh Bạt Duật. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có rất nhiều người con của dòng họ đã tham gia chiến trường, hàng trăm người hiện nay đang là sỹ quan quân đội. Truyền thống khoa bảng của dòng họ cũng đáng ghi nhận với hàng chục người là giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ… Con cháu dòng họ Đinh luôn có tinh thần đoàn kết, không ngừng phấn đấu để xứng đáng hơn với các vị tiền liệt của dòng tộc.
Và chùa Bùi Ngõa - nơi phối thờ Tướng công Đinh Bạt Tụy. |
Tự hào là quê hương có bề dày lịch sử, văn hoá và cách mạng, cùng với các địa phương trong tỉnh và cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hưng Nguyên đã góp người, góp của làm nên trang sử vẻ vang trong Cách mạng Tháng Tám 1945 và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong sự nghiệp đổi mới, thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng bộ huyện Hưng Nguyên liên tục 14 năm được công nhận là Đảng bộ vững mạnh; Chính quyền, Mặt trận đoàn thể và phong trào thi đua liên tục nhiều năm được tỉnh xếp loại xuất sắc; được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì trong thời kỳ đổi mới.
Ông Ngô Phú Hàn - Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên, Trưởng Ban tổ chức lễ kỷ niệm 500 năm Năm sinh Tướng công Đinh Bạt Tụy cho biết: Phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn. Đảng bộ và nhân dân huyện Hưng Nguyên quyết tâm tận dụng hết lợi thế, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh và con em quê hương trên khắp mọi miền đất nước, phấn đấu xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng hơn nữa với huyện giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, yêu nước và cách mạng, quê hương Xô viết anh hùng.
Thanh Thủy
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/xa-hoi/van-hoa/201603/ky-niem-500-nam-nam-sinh-khe-quan-cong-dinh-bat-tuy-xung-dang-voi-cong-lao-vi-danh-tuong-luong-than-2674659/