Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Rêu phong Phủ Ngoại Rêu phong Phủ Ngoại , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Di tích Phủ Ngoại nằm bên bờ sông Lam, cách trung tâm Rộ hơn 1 km, thuộc thôn Khai Tiến, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương (Nghệ An), là nơi thờ phụng cha mẹ của danh tướng Phan Đà.

Cổng vòm Phủ Ngoại ở xã Võ Liệt (Thanh Chương - Nghệ An)

Phan Đà là vị dũng tướng tuổi trẻ, tài cao ở thế kỷ XV, có công lớn trong việc đánh đuổi giặc Minh, giải phóng đất nước. Sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới ven sông Lam, thuộc thôn Chí Linh, nay là thôn Khai Tiến, xã Võ Liệt, từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, cương trực và giỏi võ nghệ. Cha mẹ mất sớm, ông được một người thợ rèn trong xã cưu mang, nuôi dưỡng. Lớn lên khi quân Minh xâm lược nước ta, ông cùng trai làng ngày đêm tích cực rèn luyện, nguyện đem sức trai đánh giặc giữ nước. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hoá), sau lui về Nghệ An xây dựng căn cứ, mở rộng địa bàn hoạt động, ông đã đem lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Được cử làm tướng chỉ huy, ra trận “tả xung hữu đột”, ông đã sát cánh cùng nghĩa quân lập nên nhiều chiến công vang dội ở Bồ Đằng, Trà Lân, Tiên Hoa, Bình Ngô… Trong một lần bị giặc phục kích bên tả ngạn sông Lam, ông bị trọng thương và mất trên đường về căn cứ.

Lễ rước thần từ đền Bạch mã về Phủ Ngoại

Khi sự nghiệp “bình Ngô” kết thúc, Lê Lợi lên ngôi vua, xét công lao to lớn của Phan Đà, đã phong cho ông là “Đô thiên đại đế Bạch Mã, thượng đẳng phúc thần”, đồng thời cấp tiền, ruộng, giao cho quan dân sở tại lập đền thờ, tổ chức cúng tế hàng năm, đó chính là đền Bạch Mã ngày nay (hay còn gọi là Phủ Nội) – một trong bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ. Cùng với Phủ Nội, để tưởng nhớ công đức người đã sinh thành, dưỡng dục vị tướng tài ba, dũng cảm, người dân Chí Linh đã lập nên Phủ Chí Linh (hay còn gọi là Phủ Ngoại) làm nơi thờ tự cha mẹ của Phan Đà.

Trong ký ức của những người cao tuổi ở thôn Khai Tiến bây giờ, Phủ Ngoại là một công trình có quy mô bề thế, toạ lạc trên khu đất rộng ven sông, hướng về núi Tiến. Phủ thờ cha mẹ Phan Đà và thờ cả tướng quân với tư cách là Thành hoàng làng: “Bản cảnh Thành hoàng, Đô thiên đại đế, bảo quốc trợ dân, lịch triều sắc phong, quốc triều gia tặng, thượng - thượng - thượng, liệt vị phúc thần ngự tiền”. Theo trí nhớ của cụ Phạm Văn Thành (94 tuổi), Phủ Ngoại ngày trước là một quần thể gồm cả phủ lẫn đình với nhiều công trình lớn, nhỏ khác nhau. Từ ngoài đi vào là 2 cột trụ biểu cao lớn, 2 bên đắp tượng voi chầu, tiếp đó là cổng vòm 2 tầng, có diện tích mặt đáy gần 30 m2, xây dựng từ thời Tự Đức (triều Nguyễn). Hạ điện là ngôi nhà 3 gian, bên trong có đủ hương án, bát bửu và nhiều đồ tế khí uy nghi, là nơi hành lễ, dâng hương mỗi khi có lễ, giổ. Sau hạ điện, đi qua một sân gạch là thượng điện 3 gian, bên trong thờ nhiều long ngai. Sau phủ là 2 cây trầm cổ thụ, toả bóng sum suê. Bên phải phủ là đình Chí Linh, chỉ cách nhau một bức tường lửng được xây bằng đá ong. Hậu cung là ngôi nhà cao, nhỏ, kiểu trồng diêm, thờ Thành hoàng làng. Phía trước có ngôi đình 5 gian to rộng, là nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi làng tổ chức hội họp, ăn uống những khi tế, lễ. Bên trong đình có đặt nhiều dãy bàn, được phân chia thành bàn nhất, bàn nhì…để làng ngôi theo thứ bậc. Tại Phủ Ngoại, hàng năm có 2 lần cúng tế: Giữa năm âm lịch là giổ Phan Đà (13/6), cuối năm là giổ cha mẹ ông, dân gian gọi là “giổ ông già, bà già” (20/11). Những ngày này, làng tổ chức lễ lớn, quan viên chức sắc, nam, phụ, lão, ấu trong làng đều phải tham gia đầy đủ.

Cụ Nguyễn Hữu Thụ (78 tuổi) cho biết thêm: Quá trình tồn tại lâu dài, Phủ Ngoại không chỉ là nơi dân làng tưởng nhớ, ghi ơn công đức cha mẹ và danh tướng Phan Đà, mà nơi đây còn lưu dấu nhiều kỷ niệm thân thương của bao thế hệ. Những năm chống Pháp (1951 – 1954), Phủ Ngoại là nơi hội họp của dân làng các xóm vùng Minh Tân, nơi bình xét, lựa chọn thanh niên lên đường nhập ngũ. Những năm chống Mỹ (1961 – 1965), trong quá trình sơ tán, trường cấp 2 Võ Liệt đã về đây đứng chân…

Bẵng đi một thời gian dài sau chiến tranh, nơi phủ xưa chỉ còn lại dấu tích là cổng vòm cổ kính, năm 2012 chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng lại trên nền đất cũ ngôi điện thờ 3 gian với đầy đủ đồ tế khí, tiếp tục làm nơi hương khói song thân phụ mẫu của danh tướng Phan Đà. Tháng 3/2016, đường vào di tích, nối tỉnh lộ 533 với Phủ Ngoại cũng đã được đổ bê tông sạch đẹp, làm cho di tích thêm phần khang trang. Những ngày sóc vọng, lễ, tết, dân làng lại đến dâng hương tưởng nhớ tiền nhân, cầu mong may mắn, hanh phúc cho gia đình. Hàng năm vào dịp lễ hội đền Bạch Mã, lễ rước thần với đầy đủ cờ hoa, võng lọng, gươm đao từ đền Bạch Mã sẽ tiến về Phủ Ngoại yết cáo, xin lệnh rước song thân phụ mẫu danh tướng Phan Đà về đền dự lễ. Đám rước bộ sẽ vượt chặng đường cả đi lẫn về gần 7 km, đi qua hầu khắp các thôn trong xã, ở mỗi thôn nhân dân đều lập bàn thờ, làm cỗ, cùng nghênh đón và bái tạ nghiêm trang. Lễ rước thần từ đền Bạch Mã về Phủ Ngoại là một điểm nhấn quan trọng, thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong lễ hội đền Bạch Mã.

Phủ Ngoại cổ kính rêu phong, đền Bạch Mã linh thiêng nổi tiếng (xã Võ Liệt) và mộ Cả trăm năm trầm mặc - nơi yên nghỉ của vị tướng trẻ (xã Thanh Long) đã tạo nên một quần thể di tích về danh tướng Phan Đà trên đất Thanh Chương. Các di tích này, đã và đang được chính quyền các cấp, nhân dân địa phương bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị; mãi là những địa chỉ đỏ về truyền thống yêu nước, nhân văn đầy tự hào của quê hương.

                                Nguồn: Huy Thư (Báo Nghệ An)

 


  Các Tin khác
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65173067

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July