(Baonghean) - Nhà thờ và khu mộ Vũ Văn Mật ở Phú Thành (Yên Thành) là công trình kiến trúc có giá trị lịch sử được xây dựng để thờ Gia Quốc công Võ Văn Mật và phối thờ 2 hậu duệ của dòng họ Vũ (Vũ Đình Tiến và Vũ Đình Uyên) – những người đã có nhiều đóng góp đối với đất nước trong các giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc.
Các nhân vật thờ tại đây sống ở nhiều giai đoạn lịch sử và bối cảnh xã hội khác nhau. Điều này giúp hậu thế hiểu thêm về các giai đoạn lịch sử đương thời khi tìm hiểu về các nhân vật thờ. Đặc biệt là thời Lê Trung Hưng, một thời kỳ đầy những biến động.
Gia Quốc công Vũ Văn Mật là nhân vật lịch sử có nhiều công trạng thời Lê Trung Hưng giúp nhà Lê – Trịnh ổn định tình hình chính trị phương Bắc. Ông là nhân vật tiêu biểu trong giai đoạn Trịnh - Mạc phân tranh, được nhiều tài liệu, chính sử ghi nhận. Đây là những cứ liệu lịch sử quan trọng khẳng định công lao của Gia Quốc công Vũ Văn Mật đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Lê Trung Hưng. Qua đó, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc.
Đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia. |
Ông là vị tướng tài kinh qua nhiều chiến trận, lập được nhiều chiến công, tạo tiền đề vững chắc cho việc ổn định tình hình chính trị phía Nam trong suốt hơn một thập kỷ (1656 - 1669).
Khi chiến sự phía Nam tạm lắng, ông lại được triều đình cử đi trấn thủ phía Bắc – một vùng đất luôn diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa triều đình nhà Mạc với triều đình Lê – Trịnh. Song với tài năng và tinh thần trung quân ái quốc, Vũ Đình Tiến đã luôn hoàn thành sứ mệnh, nối nghiệp tổ tiên, giữ vững các địa bàn trọng yếu, chăm lo cho nhân dân, tạo thế đứng vững chắc cho triều đình Lê – Trịnh và được sử sách lưu danh.
Vũ Đình Uyên là hậu duệ đời của Gia Quốc công Vũ Văn Mật, mặc dù không có nhiều công trạng hiển hách như các bậc tiền bối nhưng bằng tài năng và lòng quả cảm, trí thông minh và sự cần cù, ông đã tập hợp nhân dân cùng chung sức cải tạo thiên nhiên, đem lại cuộc sống ấm no, ổn định cho dân.
Nhà thờ Vũ Văn Mật là nơi sinh hoạt văn hóa của con cháu dòng họ Vũ, nơi thờ các vị thần có công lớn trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê ở xã Phú Thành, huyện Yên Thành. Tại nhà thờ cũng lưu giữ nhiều hiện vật cổ, quý như gia phả, sắc phong, lệnh chỉ, văn bằng, câu đối... Đó là những cứ liệu gốc, là minh chứng thuyết phục nhất góp phần giúp hậu thế hiểu rõ hơn về công tác tổ chức quản lý xã hội thời phong kiến đồng thời khẳng định những giá trị lịch sử tồn tại hơn 200 năm tại di tích. Di tích là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa tâm linh, tiêu biểu nhất là lễ tế tổ. Đây là hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa thể hiện đạo lý “ uống nước nhớ nguồn” nhằm tôn vinh công lao các bậc tiền nhân đối với quê hương, đất nước.
Lễ tế tổ được các bậc tiền bối lưu truyền qua nhiều thế hệ đã góp phần tạo nên những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc bản địa thể hiện sự ngưỡng vọng của nhân dân vùng đồng bằng phía Bắc Nghệ An đối với các vị thần có công che chở nhân dân, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của địa phương nói riêng và của dân tộc nói chung.
Bia ghi nhớ công lao của dòng họ Vũ Văn Mật. |
Giá trị văn hóa còn được thể hiện qua các đề tài, các mảng chạm khắc tiêu biểu trên các cấu kiện gỗ như: “lưỡng long triều nguyệt”, “dây leo hóa rồng”, “hoa cúc cách điệu”… được các nghệ nhân xưa thể hiện một cách tinh tế, sống động vừa thể hiện khát vọng vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ vừa thể hiện tính nhân văn cao đẹp tại di tích.
Ông Võ Văn Thư (xóm Đông Lai, xã Phú Thành) - con cháu Gia Quốc công Vũ Văn Mật cho biết: Phát huy tinh thần yêu nước của Gia Quốc Công Vũ Văn Mật, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, con cháu họ Võ đều tham gia thiếu sinh quân, bộ đội. Trong thời kỳ đổi mới đất nước, quê hương con cháu họ Võ luôn thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước. Hiện nay con cháu ở khắp mọi miền đất nước đều thành đạt, có người là tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư, bác sỹ, giáo viên ... dù ở xa nhưng vẫn một lòng hướng về tổ tiên với những hoạt động ý nghĩa như đóng góp xây dựng nhà thờ, khu lăng mộ... Đặc biệt trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, con cháu họ Võ đã góp công, góp của xây dựng quê hương Phú Thành ngày càng phát triển.
Theo Quyết định 1017/QĐUBND.VH ngày 01/04/2011 của UBND tỉnh Nghệ An về việc: phân cấp quản lý các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhà thờ và khu mộ Vũ Văn Mật được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của UBND huyện Yên Thành, UBND xã Phú Thành và con cháu Vũ tộc. Di tích được bảo vệ, quản lý, phát huy tốt giá trị thông qua việc thường xuyên được tôn tạo, tu sửa, bảo lưu một số giá trị vật thể, phi vật thể, phục hồi một số nghi thức truyền thống như lễ tế, tổ chức tham quan cho các em học sinh trong vùng…
Ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Nhà thờ và mộ Vũ Văn Mật là di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học. Di tích là nơi thờ “một trong mời Công thần trung hưng” và 2 nhân vật lịch sử có nhiều đóng góp đối với công cuộc trung hưng nhà Lê. Nhà thờ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân và con cháu Vũ tộc trong vùng. Tại đây hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Ngày 16 tháng 1 năm 2004, UBND tỉnh đã ra quyết định số 498/QĐ - UB.VX công nhận nhà thờ và khu mộ Định Quận công Vũ Văn Mật xã Phú Thành, huyện Yên Thành là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Để tiếp tục khẳng định những giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu và tôn vinh công trạng 3 nhân vật lịch sử họ Vũ tại di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ra quyết định công nhận nhà thờ và mộ Vũ Văn Mật là di tích lịch sử cấp Quốc gia./.
Để tưởng nhớ công đức của Gia Quốc công Vũ Văn Mật, cùng với nhà thờ và khu mộ Vũ Văn Mật ở Yên Thành, hiện nay ở Lào Cai có 3 di tích thờ Gia Quốc công Vũ Văn Mật. Các di tích này đều được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
Thanh Thủy - Thu Hương
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/xa-hoi/van-hoa/201603/khu-mo-va-nha-tho-vu-van-mat-don-bang-cong-nhan-di-tich-cap-quoc-gia-2669665/