Ông bà ta có câu "Cúng quanh năm không bằng cúng Rằm tháng Giêng", vì vậy ở Nghệ An việc cúng kiếng trong dịp này đặc biệt được chú trọng. Riêng ở huyện Diễn Châu (Nghệ An), Rằm tháng Giêng còn được xem là ngày cúng tổ, cúng cầu yên cho tất cả các con cháu của các dòng họ.
Mỗi mâm cỗ tuy đơn giản nhưng cần phải đầy đủ, sung túc.
Diễn Châu được biết đến là vùng đất của các họ tộc lâu đời, của các phả đồ lắm chi nhiều nhánh, của những ngôi nhà thờ họ cổ kính, uy nghiêm. Người Diễn Châu thờ phụng ông bà tổ tiên rất chu đáo, thông thường họ thờ ông bà trong 5 đời gần nhất, vì thế trong một năm có rất nhiều ngày giỗ.
Hằng năm, người ta chọn một trong các ngày giỗ ấy làm ngày giỗ hợp kỵ tức là ngày giỗ chung, được tổ chức mở rộng để mời tất cả con cháu nội tộc (ngày này mỗi năm mỗi khác, xoay vòng theo các ngày giỗ của ông bà), ngoài ra những ngày giỗ còn lại chỉ tổ chức nhỏ gọn trong gia đình đầu họ. To hơn và trang trọng hơn giỗ hợp kỵ là ngày giỗ tổ vào ngày Rằm tháng Giêng hằng năm.
Ông Nguyễn Phúc Chúc - Trưởng tộc họ Nguyễn Phúc ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An cho biết: “Vào ngày này, con cháu gần xa đều phải quay về nhà thờ họ để thắp hương, bày cỗ, dâng lên ông Thủy tổ, nhớ ơn tổ tiên. Ngoài ra, dịp rằm này còn là dịp để cúng cầu yên đầu năm cho cả dòng họ, mong một năm an lành đến với dòng tộc”.
Ở Diễn Châu dịp Rằm tháng Giêng người dân làm lễ rất chu đáo, đầy đủ. Mỗi gia đình, làm một mâm cỗ gồm xôi gà, hoặc xôi thịt, rau củ quả để dâng lên tổ tiên. Hầu như những món ăn trên mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng thường không cần cầu kỳ, cũng không nhất thiết phải bày trí công phu, cốt là đầy đủ và sung túc.
Một số hình ảnh tại lễ cúng kiếng Rằm tháng Giêng ở Diễn Châu, Nghệ An. Nhiều phong tục cổ truyền đang giữ gìn và được người dân lưu truyền cho các thế hệ con cháu.
Các gia đình phải dậy sớm để làm mâm cỗ, đem dâng lên tổ tiên.
Dù điều kiện kinh tế phát triển, nhưng nhiều gia đình vẫn giữ được phong tục truyền thống khi làm mâm cỗ.
Các nhà thờ ở xứ Nghệ thường rất uy nghiêm, trang trọng.