(Bna) - Nằm ven quốc lộ 46, trước mặt có sông Lam, sau lưng có núi Động Kiêng, Động Quán, làng Thượng Thọ, xã Xuân Tường (Thanh Chương) là vùng quê sơn thủy hữu tình, giàu truyền thống cách mạng và hiếu học.
Đền Hai Hầu và nhà thờ họ Nguyễn Phùng – Di tích lịch sử Quốc gia
Làng Thượng Thọ xưa, quần cư trên bãi bồi ven sông, giữa làng có ngôi đình 3 gian nằm dọc, chạm trổ đẹp, thờ bản cảnh Thành hoàng, thường cúng tế lớn vào trung tuần tháng 7 âm lịch. Những năm Xô viết Nghệ Tĩnh, chính quyền tay sai đưa quân về đóng tại làng, ráo riết bắt bớ, giam cầm, tra tấn những người hoạt động cách mạng. Tại đình, ông Nguyễn Phùng Bỉnh đã anh dũng hi sinh trước họng súng của kẻ thù. Sau cách mạng Tháng Tám, đình trở thành trường học của làng. Những năm 60 của thế kỷ trước, khi làng di dân lên đồi “nhường” đất để mở rộng sản xuất, thì đình cũng được di chuyển theo. Ngày nay, ngôi đình cổ đang nằm trong khuôn viên của trường mầm non xã Xuân Tường, là một chứng tích cho những thăng trầm trên quê hương Thượng Thọ.
Theo cụ Nguyễn Phùng Sằn (94 tuổi, 65 tuổi đảng) ngày trước làng còn có nhà thánh to đẹp, nhà này vốn dựng lên để làm nhà thờ của một dòng họ, nhưng do chạm trổ long, ly, quy, phượng, phạm vào điều cấm của chế độ phong kiến, nên phải tặng cho làng làm nhà thánh, thờ Khổng Tử. Ngoài ra làng còn có quán Hàng Tổng, gồm 3 tòa hạ, trung, thượng, tọa lạc trên sườn núi Động Quán, nhìn ra sông Lam. Quán là nơi hội họp, tế tự của 12 làng trong tổng Xuân Lâm. Những ngày lũ lụt, khu vực quán còn là nơi trú ngụ, tá túc của người và gia súc trong làng, trong tổng.
Đặc biệt, đây là nơi cụ Giải nguyên Hồ Sĩ Tạo (1831 - 1907) – một trong những danh nho tài hoa nổi tiếng xứ Nghệ thời đó: “văn Giao, phú Tạo, thơ Thành” (văn hay có Nguyễn Văn Giao, phú giỏi có Hồ Sĩ Tạo, thơ đặc sắc có Nguyễn Nguyên Thành) đã từng đến đây mở lớp, dạy học nhiều năm. Con em trong tổng tập trung về quán Hàng Tổng học thầy Tạo rất đông, nhiều người đỗ đạt. Ông Sằn cho biết “Cha tôi lúc sinh thời thường nhắc về thầy Tạo vì ông cũng là học trò của cụ cử”. Ngày nay, trên núi Động Quán chẳng còn dấu vết quán xưa, giữa một vùng cây cối xanh tươi vẫn còn đó nơi yên nghỉ của cụ Giải nguyên – thầy học của làng, từng được học trò cải táng vào đầu thế kỷ trước, đúng nơi “phong thủy hữu tình” mà cụ đã chọn khi còn sống. Mộ cụ Giải nguyên (Hồ Tiểu Khê chi mộ) trên Động Quán là một trong những nơi thăm viếng, hương khói của con cháu họ Hồ và bao du khách gần xa, ngưỡng mộ tên tuổi danh nhân Hồ Sĩ Tạo.
Làng có một cây cầu cổ kính, tuy kích thước khiêm tốn (chiều ngang chỉ hơn 3m, chiều dài chỉ gần 5m), nhưng đã có bề dày lịch sử cả mấy trăm năm, đó là cầu Cố Cụ. Cầu này do ông Ngyễn Phùng Khuông – một người khá giả trong làng, siêng năng lao động, giỏi nuôi tằm, dệt lụa, giàu lòng nhân ái, đã bỏ tiền ra, cùng dân làng xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ XVIII. Cầu được làm nên từ những hòn đá lớn, do dân đưa trên núi Động Kiêng về, ghép lại mà thành, trong đó, thân cầu là một phiến đá nguyên khối, bắc qua một con mương lớn, nằm trên đường chính của làng. Theo các cụ cao niên, ngày ấy cụ Khuông đã làm cơm thết đãi cả làng “cơm mười nống xối, cá mười nồi bung”, ủng hộ, giúp đỡ hết mình cho việc xây dựng cầu. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã gọi cầu làng bằng cái tên thân thiết: cầu Cố Cụ, để tỏ lòng biết ơn cụ Khuông. Ngày nay đi trên quốc lộ 46, chúng ta vẫn nhìn thấy cây cầu cổ, bên cạnh đó là tấm bia dẫn tích do con cháu họ Phùng mới dựng nên. Hơn 300 tồn tại, cầu Cố Cụ là một minh chứng sinh động cho nghĩa cử cao đẹp của người làng, cho tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, trong việc xây dựng cộng đồng làng xóm. Người địa phương vẫn còn truyền tụng câu ca: “Thượng Thọ kéo đá bắc cầu/ Tràng Cát kéo đá về chầu Động Kiêng”.
Ở Thanh Chương có 2 làng Thượng Thọ đều là những vùng quê hiếu học, một ở tổng Đại Đồng, một ở tổng Xuân Lâm. Người Thượng Thọ - Xuân Lâm vẫn thường tự hào: “Thượng Thọ là đất đại khoa/ Văn hiến chi địa, quốc gia trâm bào”. Trong đó, tiêu biểu là dòng họ Nguyễn Phùng, có lịch sử phát triển gần 500 năm, với những người con đậu đạt, có công lớn với dân, với nước. Tả thị lang Bộ hình - Lâm xuyến hầu Nguyễn Phùng Thời (1685 -1754) đã kinh qua nhiều chức vụ, từng đi sứ Trung Quốc, để giải quyết ổn thỏa vấn đề tranh chấp biên giới Việt - Trung. Con ông là Mai lĩnh hầu Nguyễn Bá Quýnh (1710 – 1772), từng giữ các chức Triều liệt đại phu, Tu nghiệp Quốc tử giám kiêm Đông các đại học sĩ. Hai cha con ông, lúc đỗ đạt đều là “đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân”, lúc làm quan, từng là quan đồng triều, lúc từ quan về quê đều mở trường dạy học, và lúc mất, cùng được các thế hệ học trò lập đền thờ tự, dân gian gọi là đền Hai Hầu.
Đền Hai Hầu và nhà thờ họ Nguyễn Phùng ngày trước tọa lạc gần bờ sông Lam, trong cao trào xô Viết Nghệ Tĩnh, nhà thờ vốn là nơi hội họp của những người hoạt động cách mạng. Ngày nay, hai công trình này đã được con cháu họ Nguyễn Phùng dời về giữa làng, được nâng cấp, tôn tạo khang trang, trở thành cụm di tích nằm trong một khuôn viên đẹp. Nhà thờ họ Nguyễn Phùng gồm có thượng đường và hạ đường; đền thờ Hai Hầu gồm có thượng điện, hạ điện và 3 bia đá lớn, khắc chữ Hán, phục dựng văn bia ghi danh 2 tiến sĩ ở Văn miếu - Quốc tử giám (Hà Nội). Tại đền còn lưu giữ nhiều đồ tế khí cổ kính và 18 sắc phong của các triều đại phong kiến ban cấp. Đền Hai Hầu và nhà thờ họ Nguyễn Phùng, đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia năm 2013.
Làng Thượng Thọ từ xưa tới nay, dẫu quần tụ ven sông phù sa màu mỡ, hay chuyển lên đồi đá sỏi đất cằn thì người dân nơi đây vẫn giữ trọn “đất lề quê thói” với những cái hay, cái đẹp của một vùng quê văn vật.
Huy Thư - Báo Nghệ An
|