Cũng như nhiều vùng quê khác ở xứ Nghệ, dẫu điều kiện tự nhiên và cuộc sống khó khăn, nhưng từ xa xưa, Thanh Chương đã là vùng đất, là cái nôi nâng niu, gìn giữ bao giá trị văn hóa cao đẹp, trong đó có Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du.
- Nơi lưu giữ những bản Kiều cổ
Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời nghìn thu”, để nói về tầm vóc thơ ca của Nguyễn Du, về sức sống mãnh liệt của Truyện Kiều trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Truyện Kiều là kiệt tác của văn học Việt Nam, là tinh hoa của thi ca nhân loại, lung linh vẻ đẹp muôn màu của ngôn ngữ, bút pháp…lẫn tư tưởng nhân văn cao cả. Trong đó, hàm chứa cả tính uyên bác, sâu rộng, lẫn chất đời thường, dung dị; mọi cung bậc cảm xúc của con người và thời đại được phản ánh một cách toàn diện, sâu sắc; chữ thiện, chữ tâm được đề cao. Hơn hai thế kỷ qua, tiếng thơ ấy vẫn không ngừng lan tỏa, thổn thức và làm lay động lòng người.
Người Thanh Chương siêng năng, hiếu học, đam mê chữ nghĩa văn chương, nổi tiếng với nhiều thế hệ thầy, trò, đã từng làm rạng danh khoa bảng xứ Nghệ. Trên vùng quê có bề dày văn hóa và truyền thống hiếu học đó, kiệt tác Truyện Kiều được các tầng lớp nhân dân, từ trí thức tới bình dân yêu mến, lưu truyền sâu rộng là một điều tất yếu.
Truyện Kiều, hiện chỉ còn những dị bản ở rải rác nhiều nơi, trong đó làng Dinh Chu, xã Thanh Tường (Thanh Chương) được biết đến là nơi lưu giữ 2 bản Kiều cổ. Một bản chỉ ít người biết đến và chưa được dịch ra chữ quốc ngữ, chính là bản Kiều do ông Nguyễn Gia Quang (63 tuổi, xóm 3) đang cất giữ. Theo ông Quang, bản Kiều cổ là do ông nội (tức cụ Nguyễn Gia Đào, trước đây từng làm nghề dạy học) để lại cho bố ông (cụ Nguyễn Gia Bính) vốn là cán bộ tiền khởi nghĩa, giỏi chữ Hán, thường dịch sách cổ, sắc phong cho dân trong vùng. Bản Kiều này là tài sản duy nhất, may mắn còn sót lại của gia đình sau vụ hỏa hoạn năm 1968. Năm đó, lửa đã thiêu rụi hết mọi thứ trong nhà, riêng bản Kiều cổ do bố ông đang cầm đọc, nên vẫn còn nguyên. Từ ngày bố ông mất, bản Kiều này, được ông cất giữ cẩn thận, xem như là một gia bảo quý hiếm của gia đình.
Bản Kiều còn lại được biết đến từ lâu, đã dịch và in thành sách là bản Kiều được cất giữ tại tàng thư của Phụng thành Đại phu - Hàn lâm viện thị giảng Nguyễn Thế Cát (cụ Thị, 1855 – 1937). Ông Nguyễn Thế Quang (73 tuổi, nguyên là giáo viên trường THPT Huỳnh Thúc Kháng – Vinh) - cháu nội của cụ Thị, cho biết: Sau khi cáo quan về làng, ông tôi cũng mở lớp dạy học, có cả một kho sách. Lúc cải cách ruộng đất, nhà ông bị quy kết là địa chủ, nên sách vở, giấy tờ của ông hầu như đã bị đốt sạch. Riêng gia đình tôi đã chuyển về Rộ (Võ Liệt) định cư từ năm 1940, có mang theo một số giấy tờ, nhưng mãi sau 1954, khi bố tôi mất, lúc tìm trong đồ đạc mới phát hiện ra sắc, bằng và cuốn sách cổ của ông nội. Ngày đó, chưa quan tâm nhiều, chưa biết sách quý, nên trẻ con trong nhà thường lấy ra chơi. Sau này khi gia đình chuyển về Vinh, thông qua một người bạn học chữ Hán là ông Đào Tam Tỉnh – Phó giám đốc thư viện Nghệ An, gia đình tôi mới biết là Truyện Kiều. Bản Kiều này là bản do cơ sở Liễu Văn Đường tàng bản năm Tự Đức thứ 19 (1866) có kích thước 13 x 19, mỗi trang có 12 câu lục bát, chữ in khắc rõ, đẹp, (bị mất 18 tờ, 36 trang, 864 câu) hiện đang được lưu giữ tại khu di tích Nguyễn Du, làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
- Còn mãi câu Kiều
Truyện Kiều gồm 3254 câu lục bát, được viết nên từ “những điều trông thấy” của một “tấm lòng thơ” tâm - tài toàn vẹn, nên từ bao đời, Kiều đã được đón nhận và đi vào đời sống tinh thần của nhân dân như một lẽ tự nhiên. Người Thanh Chương cũng như người dân bao miền quê khác, không chỉ thích nghe, đọc, kể, nghiên cứu Truyện Kiều, mà còn say mê với những hình thức nghệ thuật khác gắn liền với truyện Kiều như ngâm, lẩy Kiều, ru Kiều, diễn trò Kiều…
Cụ Nguyễn Thị Cung (xóm 3, xã Thanh Văn – người bên phải)
đang ngâm Kiều cùng bạn già
Đã có người cho rằng: Trong giới học giả, trí thức, cố GS – TS Nguyễn Tài Cẩn, chuyên gia đầu ngành về Ngôn ngữ học của Việt Nam là một trong những người Thanh Chương yêu Kiều nhất. Ông đã dành rất nhiều thời gian, công sức, để tìm hiểu, khám phá Truyện Kiều, từ đó đưa ra những nhận định có sức thuyết phục về thời gian Truyện Kiều ra đời. Khác với nhiều nhà nghiên cứu, thường cho rằng Nguyễn Du viết Kiều khi ông đã làm quan triều Nguyễn, thì với những lập luận của mình về tên húy, ông lại cho rằng Kiều được Nguyễn Du viết những năm 1796 – 1801. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, ông luôn cố gằng tìm tòi phát hiện ra những chỗ sai khác giữa các văn bản, để hiểu đúng hơn chữ nghĩa trong Truyện Kiều, trên cơ sở đó từng bước tìm về bản Kiều nguyên thể. Riêng ông Nguyễn Thế Quang – cháu nội cụ Thị, vốn là giáo viên dạy văn ở trường phổ thông, bằng tình yêu tha thiết với Truyện Kiều, được hun đúc qua hơn 40 năm dạy học, đã thôi thúc ông viết nên tiểu thuyết “Nguyễn Du” (2010), dành trọn hàng trăm trang để nói về cuộc đời, tài năng, nhân cách của người đã làm nên kiệt tác Truyện Kiều bất hủ.
Tính bình dân rộng lớn của Truyện Kiều đã làm cho tất thảy mọi người, mọi miền quê, ai cũng có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp, cái gần gũi, thân thiết trong một tác phẩm thi ca đồ sộ. Kiều đã trở thành lẽ sống, niềm vui, ăn sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ trong cuộc sống đời thường của quần chúng nhân dân. Về xã Thanh Văn, nghe cụ bà Nguyễn Thị Cung (91 tuổi, xóm 3) ngâm ngợi Kiều chắc ai cũng say mê, bởi cái tuổi đó, còn minh mẫn, còn sức khỏe để hát, để ngâm như cụ là một điều rất quý. Cụ ngâm thơ rõ ràng, mạch lạc từng đoạn dài, mà người nghe xung quanh nhẩm theo cụ cũng khó, vì cụ thuộc quá nhiều. Cụ cho biết: Cha của cụ vốn là một người đam mê sách vở, nhất là Kiều, nên chưa đầy 7 tuổi, hai chị em nhà cụ đã biết Kiều, thuộc Kiều bởi nghe cha đọc. Khi đi học chữ, lại càng thích Kiều hơn, nên ngày đó cụ thuộc gần như trọn vẹn Truyện Kiều. Hơn 80 năm qua, cụ đã xem Kiều là bạn, dùng Kiều để ru con, ru cháu, và bây giờ thỉnh thoảng lại đưa Kiều ra để ngâm ngợi tuổi già. Cụ ông Hồ Sỹ Mậu (95 tuổi, xóm 5) có trí nhớ cũng không thua cụ Dung, khi nói đến Truyện Kiều, mắt cụ sáng lên và đọc một hơi như không muốn nghỉ. Cụ còn tỏ tường nội dug từng phần, từng đoạn, đọc xong còn phân tích để người nghe hiểu được cái hay, cái tài của Nguyễn Du thể hiện trong mỗi đoạn thơ. Cụ cho rằng: “Đoạn nào trong Truyện Kiều cũng hấp dẫn, nhưng tôi thích cái cụm từ “mười lăm năm” được nhắc lại 4 lần trong 4 hoàn cảnh khác nhau của nàng Kiều. Tôi đọc Kiều, là để chiêm nghiệm, để tự say với lòng mình”.
Con trai cụ Mậu, ông Hồ Sỹ Giáp (62 tuổi) tuy bị tàn tật từ nhỏ, tê liệt thân dưới không đi lại được, do bị rơi từ trên trâu xuống, phải nghỉ học lúc 12 tuổi, nhưng 50 năm qua, vẫn không ngừng học hỏi để nâng cao hiểu biết. Hàng ngày, ông làm bạn với máy tính và thơ, ông có hơn 400 bài thơ thể hiện rõ ý chí vươn lên mãnh liệt, tinh thần lạc quan, yêu đời tha thiết, trong đó có những bài thơ viết về Kiều, bởi ông cũng là một người rất yêu Kiều. Ông kể rằng: Sau khi bị nạn, có người tặng ông 1 quyển Kiều bị rách bìa, ông đã cẩn thận bọc lại bằng bao xi măng và đọc nó thường xuyên, trong một thời gian ngắn ông đã thuộc làu 3254 câu lục bát. Với ông, Kiều là nơi thể hiện đầy đủ những cung bậc cảm xúc yêu, ghét, buồn, thương của xã hội, nên ai cũng có thể soi vào để thấy mình ở trong đó. Ông không chỉ đọc thuộc, nằm lòng nội dung từng đoạn, hiểu cặn kẽ nhiều điển tích mà còn có thể dùng Kiều để bói từ lúc 16 tuổi, nói như ông, đó là một liệu pháp tâm lý để an ủi con người về mặt tinh thần.
Cụ Trần Văn Sáu (xóm Nghĩa Sơn, xã Thanh Hưng) vừa lẩy Kiều vừa đệm đàn nhị
Về xã Thanh Hưng, chiêm ngưỡng cụ Trần Văn Sáu (73 tuổi, xóm Nghĩa Sơn) vừa lẩy Kiều, vừa đệm đàn say mê, mới thấy, mới cảm được cái “say” của người cựu chiến binh đã từng kinh qua lửa đạn. Cụ Sáu khéo tay, đa tài, có thể vẽ, nặn tượng, hát được nhiều thể loại (dân ca ví, giặm, quan họ, ngâm thơ, tuồng…), chơi được nhiều loại đàn (sáo, nhị, đàn bầu...). Mỗi lúc các đoàn thể như hội CCB, hội NCT tổ chức sinh hoạt, cụ lại nhiệt tâm mang “đồ nghề” của một “nghệ sỹ không chuyên”, đến đàn hát một vài trích đoạn dân ca, ngâm ngợi một vài đoạn Kiều để khởi động, cổ vũ phong trào tập thể. Cụ nói: “Tôi thích được miệng hát, tay đàn đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, bởi ở đó tôi được trải lòng cùng nhiều tâm trạng của Kiều”. Chỉ một đoạn Kiều thôi, cụ có thể biến tấu, hát thành nhiều giọng điệu khác nhau, làm cho người nghe vô cùng thích thú. Sự say mê của cụ Sáu đối với Truyện Kiều cùng nhiều loại hình ca hát truyền thống, đã làm cho Kiều càng dễ đi vào lòng người và lan tỏa sâu rộng hơn ở địa phương.
Đến xã Ngọc Sơn, nơi có CLB dân ca ví, dặm hàng đầu xứ Nghệ, giữa rất nhiều tên tuổi yêu Kiều, chúng ta bắt anh Cao Phi Cường (38 tuổi, xóm 8) một gương mặt trẻ say mê Truyện Kiều đến nỗi những người bạn đã gọi anh là Cường Kiều. Cáí biệt danh này, anh có từ hồi tại ngũ, ngày đó cả Lữ đoàn Công binh 414 (Nam Đàn) không ai không biết sở thích Truyện Kiều của anh. Trong ba lô cá nhân, chứa đầy 42 cuốn Truyện Kiều cả to lẫn nhỏ, là quà của bạn bè đi phép, sưu tầm, mang vào cho, tặng hoặc anh gửi mua. Bất chấp đêm, ngày, sau những giờ huấn luyện mệt nhọc hay những lúc rảnh rỗi, anh lại mang Kiều ra đọc, cùng đồng đội trao đổi, bàn luận về cái hay cái đẹp trong thơ. Hiện nay, anh Cường Kiều tuy bận bịu với công việc của một người chủ xưởng mộc, nhưng tình yêu dành cho Truyện Kiều ở trong anh thì vẫn còn nóng bỏng, chỉ gặp dịp lại bùng lên.
Mảnh đất có sông Lam, núi Nguộc dường như không chỉ là cái nôi của những làn điệu dân ca ví, giặm ngọt ngào, mà còn là nơi vang vọng mãi những câu Kiều bất hủ của Đại thi hào – Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du. Đúng như Tố Hữu đã viết “Tiếng đàn xưa đứt ngang dây/ Hai trăm năm lại đắm say lòng người”.
Huy Thư
Nguồn baonghean
|