Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  PHƯỢNG KỶ, BỀN BỈ NẾP LÀNG PHƯỢNG KỶ, BỀN BỈ NẾP LÀNG , Người xứ Nghệ Kiev
 

(Baonghean) - Lần theo câu ca một thời “Trống long tong về làng Phượng Kỷ/ Trong hương lân mừng họ vinh quy”, để tìm đến vùng quê yên bình bên tả ngạn sông Lam, thuộc xã Đà Sơn (Đô Lương) – nơi có bờ đê nghìn năm và giếng làng cổ kính.

Theo các cụ cao niên, làng Phượng Kỷ - Kẻ Rạch xưa phong cảnh hữu tình, đứng trên núi Già trông hình dáng của làng giống như một con chim phượng hoàng đang giang đôi cánh bay về hướng Bắc. Thân phượng hoàng là con đê chắn lũ, hai cánh chim là bãi ngô xanh ngời và đồng lúa ven đê.

Giữa làng là đình Phượng Kỷ 5 gian gỗ lim, toạ lạc trên khu đất đẹp, nhìn ra cánh đồng Cửa Luỹ, hàng năm cứ đến ngày 16 tháng 6 âm lịch, làng lại tổ chức tế lớn tại đình. Đầu làng có một nhà thánh thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền, những dịp “xuân thu nhị kỳ”, quan viên chức sắc và những người có học trong làng lại tề tựu về đây tế thánh, cầu phúc, cầu khoa. Trước mặt làng làng, có đền Thánh Mẫu nhìn ra sông Lam, thờ chúa Liễu Hạnh, một trong “tứ bất tử” của người Việt, với 2 toà thượng, hạ, có cổng tam quan uy nghi, bề thế, ẩn dưới 2 cây phượng già.

Làng có con đê ngăn lũ chạy qua, là một công trình vĩ đại được xây đắp từ thời Lý, gắn liền với tên tuổi Uy minh vương Lý Nhật Quang và Thái uý Lý Đạo Thành khi hai ông về trấn trị và khai phá vùng đất Nghệ An. Đê nối từ chân núi Sỏi ở xã Lưu Sơn đến chân núi Đà, sau đó nối tiếp từ chân núi Nợng rồi chạy thẳng đến chân núi Si. Năm 1954, đoạn đê qua làng bị vỡ, cuốn theo bao nhiêu nhà cửa, tài sản, gây nên trận lụt lịch sử ở vùng quê này. Ngày nay trên đoạn đê ấy vẫn có bia ghi lại những ngày tháng thiên tai kinh hoàng đó, như một lời cảnh tỉnh. Trải qua cả nghìn năm, con đê không ngừng được nhân dân gia cố, xây đắp, ngày càng cao, rộng, vững chắc, trở thành bức tường chắn lũ quan trọng của cả vùng tả ngạn sông Lam rộng lớn.

Ngay dưới chân đê, là giếng làng cổ kính, ra đời từ thời nào thì chưa ai rõ, chỉ biết rằng từ thời cụ cố, cụ can của những cụ cao tuổi nhất làng hiện nay, giếng cũng đã có rồi. Giếng xưa rộng như một cái ao, có mười mấy bậc lên xuống, được ghép bằng đá tảng, năm 1954 giếng được xây hình bát giác, chiều cao chỉ một thước ta, có cửa ra vào uốn cong rất đẹp. Từ xa xưa, giếng là nguồn nước ngọt mát của làng, dân 5 xóm (Đình, Lịch, Ngọc, Liên, Trì) đều về đây lấy nước để dùng. Hàng ngày, khi trời chưa rõ mặt người, già, trẻ trong làng đã í ới gọi nhau, gánh gồng chum, vại đến giếng làng lấy nước. Nước giếng làng nấu cơm, nấu nước chè xanh, nấu rượu, làm tương… đều thơm ngon, đậm đà, trong vùng không nơi nào sánh nổi. Nước ở giếng làng vừa ngọt, vừa nhiều, bốn mùa không khi nào cạn. Năm 1996, một lần nữa giếng lại được người dân địa phương tu sửa, tôn tạo, ghép gạch xây thành, láng nền sạch đẹp. Ngày nay, tuy không còn được nhiều người sử dụng như xưa, nhưng giếng làng vẫn trường tồn với thời gian, là hình ảnh quê hương vô cùng thân thuộc, gắn liền với bao thế hệ người làng. Trên mảnh đất này, nhiều công trình xưa cũ đã vĩnh viễn “ra đi”, chỉ còn bờ đê, giếng làng “ở lại”. Người Phượng Kỷ vẫn còn truyền nhau câu ca về giếng làng mình với niềm tự hào và lời nhắn nhủ: “Giếng này mạch tốt nước trong/ Đồng bào qua lại trông mong giữ gìn”.

Làng có 2 dòng họ lớn, nức tiếng gần xa. Họ Nguyễn Đăng có lịch sử gần 500 năm, trải qua 17 đời, nổi tiếng với Điển bạ Hàn lâm viện Nguyễn Đăng Ngẫu (1808 - ?) từng làm Thông phán án sát sứ ty. Họ Nguyễn Quốc vốn là họ Trình, có lịch sử hơn 300 năm, nay là dòng họ lớn nhất làng, gồm 4 chi với hàng nghìn hộ. Thời phong kiến, dòng họ có Án sát Trình Ngộ Tính đức độ, thanh liêm; Hầu Thái bộc - Nguyễn Quốc Duệ, vị quan giỏi về y thuật, chuyên tâm chữa bệnh giúp người, lúc mất, được dân làng lập đền thờ tự. Thời hiện đại, dòng họ có những Anh hùng nổi tiếng như Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Quốc Thất… Nhà thờ họ Nguyễn Quốc còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí cổ kính và 7 sắc phong của các triều đại ban tặng. Hiện, dòng họ Nguyễn Quốc là dòng họ văn hoá cấp huyện.

Người Phượng Kỷ khéo tay hay làm, ngoài chuyện cấy cày còn duy trì 2 nghề thủ công truyền thống. Nghề làm gạch, ngói, chum, vại có từ hàng trăm năm trước, do người Diễn Châu vào đây truyền dạy, lúc đang thịnh, trong làng, nhà nhà làm gạch, nơi nơi nấu gạch, không khí làm việc cắt, đóng, phơi, nấu rộn rịp ngày, đêm. Nghề làm bánh tráng cũng có từ xa xưa, bánh Phượng Kỷ làm từ gạo ngon, gia vị đặc biệt của đất Đô Lương đã tạo nên những chiếc bánh tròn, dày, chất lượng thơm ngon, là món quà quê được nhiều người yêu thích, là mặt hàng đã có thương hiệu từ lâu trên thị trường. Ngày nay, nghề làm gạch của làng đang bị thu hẹp dần, còn nghề làm bánh thì đang phát triển mạnh, là nghề đem lại của ăn, của để cho không ít gia đình.

Những người con Phượng Kỷ đi xa, mỗi lần về thăm nơi chôn rau cắt rốn, lại thêm vui mừng trước những thay đổi của quê hương “Vẫn thanh thản trên đê/ Say sắc màu tươi mới”.

                                                                                              Huy Thư

                                                                                                     Nguồn baonghean.vn

                                                                  


  Các Tin khác
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 65179454

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July