Tối 16.3 tôi vừa về đến Diễn Châu thì nghe điện thoại của Phó giám đốc sở VHTT&DL Quỳnh Anh hẹn sáng mai sẽ đón tôi đi thăm chùa Cổ Am. Cổ Am là một ngôi chùa cách nay chừng 600 năm, tọa lạc trên núi Lĩnh Sơn thuộc xã Diễn Minh huyện tôi, nay đã được quy hoạch trong 14 ha để mở rộng và xây dựng thành trung tâm giáo Pháp của khu vực.
Đại đức Thích Tâm Thành
Sáng 17.3, Sư trụ trì ra đón chúng tôi là Địa đức Thích Tâm Thành cùng anh Giáp, anh Phúc là bí thư, chủ tịch xãvà khá nhiều phật tử từ Vinh ra đây từ sớm. Sư trụ trì nét mặt khôi ngô tuấn tú, có giọng nói ấm áp và lôi hút. Tuy còn đang là tăng sinh của học viện Phật giáo TP Hồ Chí Minh, lại kiêm nhiệm vị trí phó trụ trì chùa Hoằng Pháp, công việc Phật sự còn nhiều, song với sức trẻ tràn đầy nhựa sống và tấm lòng rộng lớn luôn muốn điều lợi ích đến cho muôn người, đại đức Thích Tâm Thành đã nhận lãnh trách nhiệm trụ trì và nỗ lực xây dựng gấp rút nhà giảng dưới chân núi Lĩnh Sơn cho quý Phật tử có nơi tu tập.
Đoàn khách thăm Cổ Am chụp ảnh cùng các phật tử
Sau khi giới thiệu lịch sử ngôi chùa, Sư trụ trì đưa chúng tôi lên núi thăm ngôi chùa cổ. Đường lên chùa gập ghềnh đá núi, nhưng ai cũng hăm hở. Tới lưng chừng núi, thấy hiện ra một ngôi chùa nhỏ. Nhìn xuống, hiện ra cánh đồng và làng mạc tuyệt đẹp. Chung tôi thắp hương khấn vái, rồi trở lại chân núi, đi vòng ra phía sau.
Đường lên chùa Cổ Am
Phó giám đốc sở Quỳnh Anh
Chụp ảnh cùng Sư thầy, Bí thư và Chủ tịch xã Diễn Minh
Lại một cuộc leo núi mới. Có những đoạn dốc đứng tưởng không leo lên được, nhưng những người đi trước đã vượt qua. Tôi thì nhờ mấy bạn thanh niên chìa tay mới lên được. Vậy mà thật không ngờ, Quỳnh Anh và mấy nhà thơ nữ một lát sau cũng tới nơi. Lên càng cao thì cảnh trí càng đẹp. Lên đến một ngọn đá cao chóng mặt, ngoảnh lại thấy cả biển trời sông nước và ruộng đồng như một bức tranh tuyệt sắc. Dòng sông Bùng uốn lượn lấp lánh vươn ra phía biển, và ngọn núi Hai Vai thì như dang tay ôm lấy đồng bằng.
Lên lưng núi
Lên gần đỉnh núi
Vịnh lèn Hai Vai: Một vai gánh vác sơn hà/ Một vai phá đá xây nhà, nung vôi...
Sông Bùng uốn tận biển khơi/ Long lanh sông lệ khóc người ngày xưa
Trên núi có nhiều hang động. Các em sinh viên thoăn thoắt như vượn nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác. Quỳnh Mai sinh viên năm thứ 3 trường Vinh béo tròn, mới 21 tuổi đã bị sinh viên cùng trường nhầm là cô giáo nên cứ chắp tay “em chào cô ạ”, thế mà leo trèo như sóc… Tôi nhìn đồng hồ thấy đã gần chính ngọ, mồ hôi thấm mệt nên đề nghị hạ sơn, mọi người mới quay lại. Đường xuống núi cũng khó chẳng khác đường lên Thục. Nhưng rồi cuối cùng, mọi người trở về hội trường giảng Pháp an toàn với nụ cười viên mãn.
Hai nữ sĩ leo núi: Nguyễn Thị Phước và Vân Anh
NTT và Đại đức Thích Tâm Thành
Một bữa cơm chay thịnh soạn được bày sẵn trên 2 dãy bàn. Cũng nem chả, xào rán, nộm, nham, canh, luộc như tiệc lớn. Lại có cả nhóm ca trù xã tôi do nhà thơ Cao Xuân Thưởng cầm chịch đàn hát say lòng. Thức uống toàn nước ngọt, nhưng bất ngờ có cả bia hơi do Dũng doanh nghiệp vừa đánh xe đi đâu đó chở về. Sau bữa ăn chay vui vẻ, nhiều người hào hứng cầm micro hát và đọc thơ. Sư trụ trì và Quỳnh Mai song ca một bài hát rất dịu dàng về Phật giáo…
Chia tay thật quyến luyến và ai cũng mơ một ngày không xa, nơi có ngôi chùa Cổ Am lịch sử sẽ là một trung tâm tu pháp đón nhận nhiều phật tử và khách du lịch bốn phương. Chiều tối, bất ngờ Sư trụ trì chùa Cổ Am cùng một số người ghé qua nhà tôi. Thật cảm động vô cùng.
ĐĐ Thích Tâm Thành thăm nhà NTT
CHÙA CỔ AM DI TÍCH LỊCHSỬ VĂN HÓA QUỐC GIA
1. Diễn Châu vùng đất địa linh nhân kiệt:
Huyện Diễn Châu là một mảnh đất phúc địa linh thiêng, được thiên nhiên ban tặng, núi sông điệp trùng kỳ vĩ hướng ra biển Đông. Bốn mùa hội đủ ba thứ linh khí từ sông, núi và biển kết tụ nên một vùng đắc đia với 6 cảnh đẹp là Dạ Sơn linh tích (Dấu thiêng núi Mộ Dạ), Cao Xá long cương (Gò rồng Cao Xá), Bùng Giang thu nguyệt (Trăng thu trên sông Bùng), Bích Hải quy phàm (Cánh buồm về cửa Bích), Thiên uy thiết cảng (Kênh sắt oai trời), Diễn Thành thạch bảo (Thành đá phủ Diễn Châu), là 6/8 cảnh đẹp của “Đông Yên Nhị Châu”.
Nơi đây đã sinh ra nhiều danh nhân, xưa có: Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa, Đặng Văn Thụy, Nguyễn Xuân Ôn, Cao Xuân Dục, … nay có: Cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển. Gs. Lê Duy Thước; Gs. Cao Xuân Huy, Gs. Ngô Đình Giao, Gs. Cao Cự Bội, Gs. Cao Huy Đỉnh, Gs. Cao Xuân Hạo, tướng Phùng Chí Kiên, Cựu Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, nhà thơ Trần Hữu Thung, nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo,…
2. Chùa Cổ Am, ngôi chùa cổ đi cùng lịch sử dân tộc:
Lèn Hố Lĩnh thuộc xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Lèn Hai Vai. Xen giữa muôn hình của những phiến đá lô nhô xô chồng chéo lên nhau, một cảnh đẹp đẽ như có bàn tay ai sắp đặt là những sắc, hương của muôn loài thảo mộc và những hang động với những hình thù kì dị. Lèn có rừng cây rậm rạp với nhiều loài chim, thú sinh sống. Núi đá, rừng cây, mái chùa, hang động tạo thành một quần thể thiên nhiên đẹp đẽ.
Ở giữa lưng chừng núi, nép mình dưới những rặng cây là một ngôi chùa cổ kính gọi là Cổ Am. Theo những hàng chữ nho khắc trên cột đá trước chính điện thì chùa được xây dựng từ đời vua Minh Mạng thứ 11, đến nay đã hơn 600 năm. Theo trí nhớ của các cụ già: Chùa trước đây có bậc lên xuống bằng đá chẻ (ngày nay vẫn còn sót lại 1 số viên), thượng điện và bái đường tọa lạc ở lưng chừng núi, xung quanh có núi và cây bao bọc tạo thành thế ” tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ” là vị trí lý tưởng của phong thủy. Chùa làm bằng gỗ, mái lợp ngói vảy, trong chùa trước đây có rất nhiều tượng phật bằng gỗ rất đẹp và một số sắc phong.
Như vậy, từ rất lâu người dân Diễn Châu đã nhận thức sâu sắc về đạo Phật ” Một tôn giáo cao đẹp nhất toàn cầu”. Cho nên, người xưa xây chùa là để truyền bá nền văn hóa tâm linh của đạo Phật đến với cộng đồng dân cư, giáo dục con người hoàn thiện cả về chân, thiện, mỹ.
Trải qua nhiều thời gian, đất nước này đã có nhiều biến cố lịch sử, với tên bay đạn lạc, chiến tranh nhưng tại đây vẫn ít bị ảnh hưởng, phải chăng nhờ có ngôi chùa với tiếng tụng kinh, niệm Phật đã mang đến sự bình yên cho mảnh đất Diễn Châu này.
3. Hiện trạng của chùa:
Trải qua nhiều năm, chùa đã bị hư hỏng nặng, chỉ còn lại những dấu tích nguyên trạng của phần móng, các bộ phận kiến trúc đổ vỡ và một số hiện vật như: bia đá, lư hương đá, chuông đồng…thậm chí đường lên xuống cũng bị xói lở và cây che phủ. Mặc dù, cán bộ và nhân dân trong vùng đã sửa chữa 2 lần vào năm 1998 và 2008, nhưng do kinh phí còn hạn hẹp nên chưa thể phục dựng được chùa đúng quy mô vốn có. Việc trùng tu xây dựng chùa Cổ Am là hết sức cần thiết.
4. Duyên lành đã đến:
Được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, Chùa đã được Bộ Văn Hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định sô 3211/QĐ/BT ngày 12/12/1994. Năm 2010, Chùa được UBND tỉnh Nghệ An cho phép phục dựng theo quyết định số 2802/QĐ.UBND-NC ngày 30/6/2010. Đồng thời, đến ngày 08/9/2011 chùa Cổ Am đã được UBND tỉnh chấp thuận sư trụ trì bằng văn bản số 5255/UBND-NC: Đại đức Thích Tâm Thành, hiện là Phó trụ trì Chùa Hoằng Pháp, Tp Hồ Chí Minh đã được đông đảo phật tử và nhân dân huyện Diễn Châu thỉnh về trụ trì Chùa Cổ Am.
Với nhiều năm tu học ở một ngôi chùa lớn, có ảnh hưởng đến Phật Giáo Việt Nam và tham gia hoạt động phật sự trên thế giới, Đại đức Thích Tâm Thành phát tâm cùng nhân dân huyện Diễn Châu và Nghệ An xây dựng lại chùa Cổ Am để trở thành nơi sinh hoạt tâm linh, học tập đạo pháp cho khu vực.
Đến nay, chùa đã được UBND tỉnh cho phép, khảo sát lập quy hoạch xây dựng trên diện tích 14ha. Công việc quy hoạch và triển khai các bước để xây dựng đang được khẩn trương tiến hành. Dự kiến việc xây dựng sẽ phân kỳ nhiều giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Gia cố lại thượng điện, xây dựng đường lên núi bằng đá; xây dựng nhà tăng, nhà bái đường, tượng phật dưới chân núi.
- Giai đoạn 2: Xây dựng tam bảo, nhà tăng, nhà giảng đường, sân lễ hội, tháp chuông, tôn tạo các hang động thành điểm thờ phụng và chiêm bái của nhân dân trong vùng và khách thập phương; xây dựng các công trình phụ trợ khác…
Công trình xây dựng xong có sức chứa hàng trăm người đến tu học và hàng ngàn người vào dịp lễ hội, chắc chắn đáp ứng được nhu cầu bức thiết của các Phật tử trong vùng và khu vực.
5. Vài lời ngỏ:
Để thực hiện được công việc công đức cao cả trên, cần phải có sự chung sức của chính quyền, nhân dân trên địa bàn và phật tử gần xa. Đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa để góp phần vào việc phát triển Phật giáo tỉnh nhà và là một thắng duyên phước báu lớn lao để quý Phật tử phát khởi tín tâm gieo trồng cội phúc đối với Tam Bảo.
Hy vọng, thời gian tới Chùa sẽ được đón tiếp quý khách gần xa viếng thăm, bái Phật, nghe giảng Pháp và chung tay xây dựng Chùa./.
Địa chỉ liên hệ:
Chùa Cổ Am
Xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, Tỉnh Nghệ An
ĐT: 096.9999.979
Email: chuacoam@gmail.com
Nguồn: chuacoam.com.vn
|