Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  THỔN THỨC BẾN QUÊ THỔN THỨC BẾN QUÊ , Người xứ Nghệ Kiev
 

Trên đất Thanh Chương “non nước hữu tình”, có một bến sông nổi tiếng, đã đi vào sử sách, thơ ca, nhạc hoạ và ký ức của bao thế hệ gần xa, đó là bến Rộ trên sông Lam. Ai đã từng qua đây mà lòng không lưu luyến.

                           Bến Rộ hôm nay

Cái tên Rộ có từ xa xưa, gắn liền với nhiều địa danh của một vùng đất đã từng là nơi đứng chân huyện lỵ Thanh Chương, chẳng hiểu rõ tại sao lại vậy, chỉ biết rằng hậu sinh đã có thêm những tên gọi rất đỗi thân quen: đất Rộ, người Rộ, sông Rộ, chợ Rộ và bến Rộ. Bến đóng gần ngã ba sông, nơi hợp lưu giữa sông Rộ nhỏ hẹp và sông Lam rộng lớn, cùng chảy về đất Nam Đàn. Đây là khoảng sông rộng, bên này là đất Võ Liệt, bên kia là đất Ngọc Sơn. Mùa mưa lũ, nước dâng trắng xoá đôi bờ, những ngày bình yên lại nhìn thấy rõ cả đôi dòng trong, đục.

Bến Rộ vốn là cửa ngõ của vùng hữu ngạn Thanh Chương. Nơi đây, từ xưa đã là một bến sông nhộn nhịp hàng đầu của huyện, từng là bến huyện, một đầu mối giao thông quan trọng, cả đường bộ, lẫn đường sông. Ngày trước, bến Rộ cũng đơn thuần chỉ là bến đò lớn chở khách sang sông, sau này khi có thêm phà Rộ, bến mới trở nên sầm uất, nhiều người, xe qua lại hơn bao giờ hết.

Bến Rộ nối liền hai làng quê trù phú, tươi đẹp, làng Rộ là nơi đóng huyện đường xưa, ở đó có những ngôi nhà hiện đại kiểu Tây gần chợ Rộ, cùng những công trình cổ kính như quán Ngũ Phúc, chùa Sáo, đền Trấn Áp, bên kia sông là làng Nguyệt Bổng, nơi có chợ Điếm và nhà thờ họ Lê Kim. Theo sử sách, đất Võ Liệt là vùng quê văn vật, có truyền thống hiếu học từ xưa, người làng đã từng cử cụ Phan Sĩ Mâu về làng Kim Liên (Nam Đàn) mời Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lên đây dạy học. Đầu thế kỷ XX, khoảng năm 1903, hai anh em Nguyễn Sinh Cung đã theo cha đến Thanh Chương. Người anh Nguyễn Sinh Khiêm ở lại làng Nguyệt Bổng trọ học trong nhà cụ Lê Kim Tường (nhà thờ họ Lê Kim), còn người em Nguyễn Sinh Cung thì theo cha qua đò Rộ sang vùng Võ Liệt, chỉ thỉnh thoảng mới về Nguyệt Bổng thăm anh trai và cùng học chữ Hán với anh . Năm tháng dần trôi, bao sự đổi thay, mấy ai nghĩ rằng bến Rộ là nơi Bác Hồ đã từng đi về những ngày niên thiếu.

Rộ vốn là trung tâm của huyện Thanh Chương, trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931), đây là nơi đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh oanh liệt của nhân dân. Bến Rộ, sông Lam trong những ngày nước sôi lửa bỏng ấy, đã từng vang vọng tiếng thét căm hờn của những đoàn người đi đấu tranh cách mạng. Bất chấp súng đạn của quân Pháp bắn sang, quần chúng nhân dân các tổng Đại Đồng, Xuân Lâm từ bên làng Nguyệt Bổng, vẫn hăng hái vượt đò Rộ tiến sang phối hợp cùng nhân dân các tổng Võ Liệt, Cát Ngạn…tấn công huyện đường. Anh Nguyễn Công Thường đã anh dũng hi sinh ngay trên bến sông quê. Bến Rộ trở thành địa danh quen thuộc gắn liền với cuộc đấu tranh ngày 1/9/1930 và đã đi vào lịch sử truyền thống vẻ vang của huyện Thanh Chương.

Với người Rộ nói riêng và người dân bên hữu ngạn sông Lam nói chung, bến Rộ không chỉ là bến sông thuần tuý sớm chiều đưa khách sang sông, mà trong tâm khảm nhiều người, đây còn là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm thiêng liêng. Những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ác liệt, nhiều thế hệ thanh niên bên hữu ngạn lên đường ra trận, đã chia tay người thân lưu luyến tại bến sông này với quyết tâm đánh thắng giặc mới quay về. Những năm hoà bình, bến sông quê vẫn tiếp tục là nơi chia tay và hội ngộ của kẻ ở, người đi. Đặc biệt mỗi dịp tết đến xuân sang, bến sông là nơi chứng kiến niềm vui, hạnh phúc, của những người con đi xa sau bao ngày gặp lại, và cả sự hồi hộp, trông mong của người thân trong từng chuyến đò sang.

Với người Rộ, từ bao đời, bến quê vẫn là nơi sinh hoạt: tắm, giặt, vui chơi, lấy nước của làng. Giữa sông phía thượng nguồn là gò đất nổi cao, dân làng thường đi cắt cỏ, xuôi phía hạ nguồn là những bãi cát mênh mông, dưới bến vẫn chòng chành những con thuyền của người dân vạn đò sống bằng nghề sông nước, tháng ngày nương tựa vào nhau. Những đêm trăng sáng, trời trong, bà con trong làng thường rủ nhau đi bắt hến, hụp lặn hàng giờ dưới làn nước mát, vẳng nghe câu ví giặm, khoan nhặt trên sông. Những ngày hè nóng bỏng, nắng rải vàng bãi cát, trẻ em thường cưỡi trâu bò, mang theo cây chuối, ra sông kỳ cọ, tập bơi. Mùa mưa lụt, bến sông bồng bềnh một màu nước bạc, lũ trên nguồn về nhấn chìm hết những bãi ngô, bãi lạc xanh ngời bao hi vọng ven sông. Câu dân ca từ xưa như lắng lại trong lòng bao thế hệ: “Bến Rộ quê em xưa kia lầm than. Giọt nước trên nguồn về đây như đọng lại. Bên lở bên bồi xa nhau vời vời”.

Bến Rộ ngày nay đã được thay bằng một cây cầu vĩnh cửu nối liền đường Hồ Chí Minh về quê Bác, bên kia cầu, vẫn còn đó nhà thờ họ Lê Kim. Chẳng còn nữa những chuyến đò ngang mòn mỏi như xưa, nhưng trong ký ức của bao người, bến Rộ vẫn là một bến quê thân thuộc, nơi in dấu những bước chân của Bác Hồ thời niên thiếu, khi theo cha đi dạy học. Bến Rộ đã đi vào thơ ca như một nỗi niềm thương nhớ, nhà thơ Võ Thanh An đã viết về bến Rộ bằng cả tình yêu tha thiết và nhạc sĩ Phan Thanh Chương đã chắp cánh cho thơ ông ở mãi với quê hương. Những lúc xa quê, nghe “Nhớ tiếng gọi đò”, lại thấy lòng thêm thổn thức: “Có phải mẹ sinh con trên một bến đò, nên cuộc sống hôm nay con ngược xuôi nhiều chỗ. Từ bãi cát lún chân bên bờ con sông Rộ, con đã đi muôn dặm đất trời. Con đã gặp nhiều con sông và tiếng gọi ơi đò, tiếng gọi ngỡ thân quen, con lại nhớ về bến cũ…”.

                                                                 Huy Thư

                                                      Nguồn baonghean.vn

 


  Các Tin khác
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65180158

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July