Mỗi lần về xứ Phuống, tôi lại ghé thăm làng quê ven sông, dù không phải nơi sinh ra, mà sao tôi nặng lòng đến thế, phải chăng đất và người Bình Ngô, xã Thang Giang (Thanh Chương) đã níu kéo lòng người.
- Vùng quê giàu trầm tích
Về Bình Ngô nghe mênh mang huyền sử của mấy trăm năm, khi Lê Lợi chọn đất này để xây thành đánh giặc. Cái rốn của xứ Phuống – vùng quê văn vật ấy, còn lưu giữ nhiều nét đẹp cổ xưa, để truyền cho con cháu mai sau. Bên bờ sông Lam, vẫn còn đó đền Bản Huyện, thờ Phan Thắng – phó tướng của Phan Đà, di tích lịch sử ghi dấu một thời oanh liệt chống quân Minh. Ngôi đền thiêng gồm 2 toà thượng hạ, đã được dân làng khôi phục khang trang, nâng cấp đồng bộ cả khuôn viên lên cao 5 - 7 m, tôn tạo thêm nhiều hạng mục; mua sắm đầy đủ đồ tế khí. Những ngày rằm, Tết, lễ giổ, dân làng và con cháu phương xa lại hướng về đền với tấm lòng thành kính.
Vốn là trung tâm của vùng Bích Hào xưa, trên đất Bình Ngô còn hiện hữu một ngôi đình cổ, thờ thành hoàng làng là Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng – những tiền nhân có công với nước. Đình Bích Thị, 3 gian, 24 cột lim vững chãi, khởi dựng từ thời Thành Thái cuối thế kỷ XIX, gần 120 năm qua, đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử quê hương xứ Phuống. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, cờ đỏ búa liềm đã tung bay trên đỉnh cây Gạo cạnh đình, nhân dân địa phương đã tập trung trước đình, mít tinh, biểu tình, tiến về huyện lỵ. Trong cách mạng Tháng Tám, trước khí thế rung trời chuyển đất, đồng chí Nguyễn Côn (sau này là phó thủ tướng) đã về đây chỉ đạo nhân dân cướp chính quyền. Qua bao tháng năm, đình Bích Thị - Di tích Lịch sử Văn hoá quốc gia, vẫn còn đó trầm mặc, uy nghi bên gốc dừa cổ thụ, soi bóng xuống dòng Lam, với mái ngói rêu phong cổ kính, những mảng chạm khắc tài hoa, là hiện thân cho sức sống bền bỉ của quê hương.
Về Bình Ngô, chưa đi chợ Phuống, là chưa được thăm thú những nét quê độc đáo. Đây là một chợ cổ, ngày trước có tên là “Bình Ngô Thị”, sau bao lần chuyển dời vì chiến tranh trận mạc, chợ lại về đóng ở ven sông. Giữa chợ có ngôi đình lớn, xung quanh san sát những quán hàng bày bán đủ mọi thứ nông sản của vùng Bích Hào và lân cận: chuối, mít, lợn, gà… Người tứ xứ theo đường bộ, đường sông đổ về đây mua bán, tạo nên khung cảnh sầm uất trên bến dưới thuyền. Chẳng phải Sa Nam, nhưng chợ Phuống cũng là nơi một thời “bánh đúc mê thiên”, để bao khách ngược xuôi phải lòng “bánh đúc trái tro bán bò không kịp”, hay bị quyến rũ bởi những món lòng lợn, tiết canh đậm chất làng quê. Sau những thăng trầm biến đổi, chợ Phuống vẫn như xưa, là một trung tâm buôn bán đô hội của vùng hạ huyện.
Bình Ngô nổi tiếng ở xứ Phuống là vùng quê còn lưu truyền tuồng cổ và múa gà – những hình thức hát múa truyền thống của cha ông, với nhiều vở diễn nức tiếng một thời như Thoại Khanh Châu Tuấn, Thanh kiếm nhuộm máu đào, Trưng Trắc, Lưu Bình Dương Lễ… Những dịp lễ, Tết, hội xuân, dân làng lại náo nức tập kịch, luyện tuồng, những màn diễn tuồng hấp dẫn của các diễn viên nông dân say mê văn nghệ là những món ăn tinh thần không thể thiếu. Với người Bình Ngô, tuồng cổ như là một phần mạch nguồn văn hoá quê hương, gắn liền với đời sống xóm làng và tồn tại cùng bao thế hệ. Ngày nay, trong phong trào văn hoá mới, dưới mái đình cổ kính, câu tuồng, điệu múa thân quen lại tiếp tục say sưa, vang vọng như tự năm nào.
- Vùng quê giàu tình người
Bình Ngô đẹp không chỉ bởi phong cảnh hữu tình, lấp lánh một dải non nước Lam giang, một vùng quê giàu trầm tích văn hoá với những đền, đình, chợ, bến, một vùng quê hiếu học, nổi tiếng với nhiều ông nghè, ông cử, nhiều danh nhân đã đi vào sử sách, mà đây còn là vùng quê của những con người cần lao, giàu tinh thần đoàn kết, sống có nghĩa, có tình.
Bình Ngô là xóm trung tâm của xứ Phuống, có 170 hộ, 800 nhân khẩu, là xóm kiểu mẫu luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Thanh Giang. Đây là xóm có đời sống kinh tế khá giả nhất xã, có nhiều con em đi ra, học hành, làm ăn nên nổi; nhiều người đi xuất khẩu lao động; nhiều gia đình chăn nuôi giỏi, buôn bán, kinh doanh phát tài. Về Bình Ngô, đi trên tỉnh lộ 533, xuyên giữa những dãy nhà tầng tít tắp, hàng quán tấp nập rộn ràng mà ngỡ như đi trên phố. Trong xóm, nhiều gia cảnh khó khăn, đã sớm vươn lên thành nhà khá giả, sự “phố hoá” đang diễn ra nhanh chóng. Phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện đúng chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm”, Bình Ngô đã dành được nhiều thành tích. Những di tích lịch sử vừa được khôi phục, những công trình công cộng đã và đang được xây dựng, những tuyến đường làng phong quang nối liền các ngõ xóm, rộng 3,5 m, được rải bê tông, cao ráo sạch đẹp, đều nhờ vào sự đồng sức, đồng lòng của chính người dân. Xây dựng đền Bản Huyện hết gần 1 tỷ đồng, bê tông hoá đường làng hết 500 triệu đồng, xây dựng hội quán hết gần 300 triệu đồng, là những số tiến lớn mà dân làng đã đóng góp, cùng với sự giúp đỡ của con em xa quê, của các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn. Có được thành tích đó, là nhờ sự nỗ lực của tất cả mọi người từ cán bộ đến mỗi người dân. Bình Ngô, thật sự đã ngời lên sức sống của một vùng quê mới.
Không chỉ trong kiến thiết, xây dựng, mà trong đời sống tình cảm, người làng vẫn luôn đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Người dân Bình Ngô đã kể cho tôi nghe những câu chuyện nhờ có tình làng nghĩa xóm, sự quan tâm của các tổ chức đoàn thể mà nhiều người đã vượt qua khó khăn hoạn nạn. Người ta cũng đã nhắc đến tên ông Nguyễn Văn Thân (78 tuổi) - thương binh hạng 4/4, về hưu từ năm 1984, là hình ảnh điển hình của cả xã về người cựu chiến binh làm từ thiện. Sống giữa quê hương với tấm lòng thấu hiểu của một người từng trải, từ 2010 đến nay, đã 5 năm liền, mỗi dịp Tết cổ truyền, ông đều dành phần lương của mình để giúp đỡ các gia đình nghèo khó, mong họ có một cái Tết ấm cúng hơn. Cứ 25 tháng Chạp hàng năm, tại hội trường xóm, ông lại phối hợp cùng ban mặt trận, tổ chức trao quà cho các gia đình khó khăn, hoạn nạn, bao gồm gạo nếp, gạo tẻ, tiền mặt (trị giá 5 triệu đồng). Những việc làm cụ thể của ông là những nghĩa cử cao đẹp, thiết thực, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, tắt lửa tối đèn có nhau, góp phần thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.
Đất Bình Ngô tươi đẹp, tiềm năng, giàu truyền thống lịch sử, nhân văn, đang hứa hẹn thêm nhiêù thành tựu trên con đường nông thôn mới, một vùng quê như vậy, làm sao không níu kéo lòng người, đi thì nhớ, ở thì thương.
An Nam
|