Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 27/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Kẻ Trằm, vùng địa linh Kẻ Trằm, vùng địa linh , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Có núi Ngũ Mã che chắn, có dòng sông Gang quanh co bồi đắp, làng Kẻ Trằm xã Thanh Lương (Thanh Chương) như là nơi hội tụ khí thiêng trời đất, để làm nên hồn cốt của một vùng quê nổi tiếng.

Tên gọi của làng, cho biết làng ra đời từ rất xa xưa, ngay từ thời Lý (khoảng giữa thế kỷ XI), thuỷ tổ của dòng họ Chu từ xứ Bắc đã về đây sinh cơ lập nghiệp, mở mang thôn ấp, kiến lập xóm làng. Trải qua cả nghìn năm với bao thay đổi về địa giới, tên gọi, Kẻ Trằm – Khả La của xã Đông Liệt xưa vẫn mãi vang trong sử sách, là một vùng đất cổ, có bề dày truyền thống lịch sử lâu đời.

Theo các cụ cao niên, làng xưa không chỉ có đình, chùa, đền, quán như bao làng khác, mà điều đặc biệt hơn là các ngôi đền trong làng đều thờ các vị tiến sĩ, quận công, danh nhân của một dòng họ. Làng có đình Trung, gồm hậu cung và 3 gian bái đường làm bằng gỗ lim, dùng để thờ Thành hoàng và làm nơi hội họp. Trong cách mạng Tháng Tám, đình là nơi dân làng tập trung về mít tinh, cướp chính quyền. Làng có quán Xã Văn toạ lạc trên khu đất rộng mấy mẫu, thuộc Cồn Quán, là nơi thờ Khổng Tử và các vị khoa bảng họ Chu. Hàng năm, chức sắc, hương lý và những người có học ở vùng Đông Liệt thường tập trung về đây cúng tế, vinh danh Nho học. Trong ký ức người già ở Kẻ Trằm, quán Xã Văn còn là một vùng cây cối thâm u tĩnh mịch, nơi ông Võ Đức Viện trốn thoát trên đường áp giải, khi Pháp về làng lùng sục bắt người tham gia cách mạng.  

Làng có nhiều đền, trong đó đền Cả là lớn nhất, xưa kia được vua cho lập để thờ Đề hình thập tam đạo, Giám sát ngự sử, Văn thuỵ hầu Chu Di Hiến. Đền có 3 toà: hạ, trung, thượng điện, có cổng tam quan, voi chầu, ngựa đứng uy nghi, nhìn ra cánh đồng làng. Trong đền có đầy đủ long ngai, bài vị, gươm đao, giáo mác... Ngoài ra, làng còn có đền Giáp, đền Trug thờ Giáp quận công Chu Phụng Huệ, đền Hữu thờ Nhai quận công Chu Phụng Trực, đền La Vương thờ Nhai quận công Chu Phụng Ân, đền Cao Sơn thờ Đề đốc thần vũ, Thượng tướng quân, Kinh nghĩa hầu Chu Văn Thiểm, đền Đồng Sau thờ Quốc công nhất môn, hùng địch đại tướng quân, Vạn thắng hầu Chu tướng công, đền Cuông thờ các nữ thần họ Chu… Sau những thăng trầm của lịch sử, không gian Kẻ Trằm xưa với những đền, đình, chùa, quán cổ kính, chỉ còn trong ký ức. Thời gian qua, với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, mong tìm lại nét đẹp truyền thống trong văn hoá tâm linh, đền Cả đã được dân làng khôi phục to đẹp như xưa, phối thờ 6 vị thần.

Kẻ Trằm từ bao đời nay vốn nổi tiếng là vùng quê địa linh nhân kiệt, sản sinh ra nhiều văn thần, võ tướng, trong dân gian vẫn còn truyền tụng câu ca “ruộng Kẻ Ngan, quan Kẻ Trằm” – Kẻ Ngan thì lắm ruộng, Kẻ Trằm thì nhiều quan. Trong đó, họ Chu là một dòng họ “danh gia vọng tộc” không chỉ ở đất Thanh Chương. Lịch sử phát triển của dòng họ đã gần trọn một thiên niên kỷ, với nhiều thế hệ là Quận công, tiến sĩ, văn thần, võ tướng của triều đình, có cống hiến lớn cho quê hương, đất nước. Mở đầu truyền thống vẻ vang ấy là Nghĩa quận công Chu Tất Thắng (1487 -?), 18 tuổi đậu tiến sĩ, làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư, Nhập nội hành khiển. Tiếp đến là Tiến sĩ Chu Quang Trứ, Đề đốc thần vũ Chu Văn Thiểm…Tiêu biểu là 3 cha con Đề hình thập tam đạo, Giám sát ngự sử, Văn thuỵ hầu Chu Di Hiến (1555 - ?). Ông là vị quan thanh liêm, đức độ, văn võ song toàn, mọi sự luôn lấy dân làm gốc, từng góp công lớn trong việc chấn hưng Nho học. Sinh thời ông từng bỏ tiền nhà và đứng ra kêu gọi quyên góp, làm nên cầu sông Cương nổi tiếng (1601) còn lưu trong sử sách (bia sông Cương). 2 con của ông cũng là những danh tướng triều Lê: Nhai quận công Chu Phụng Trực là Cẩm y vệ đô chỉ huy sứ, Giáp quận công Chu Phụng Huệ là Đô đốc thiểm sự, kiệt tiết tuyên lực công thần…

Đất Kẻ Trằm xưa còn được dân gian gọi là “đất Hoàng hậu”, bởi 2 người con gái họ Chu đều lấy chồng nhà chúa: bà Chu Thị Viên là Chính cung Hoàng hậu của chúa Nguyễn Phúc Tần, bà Chu Thị Ngọc Quỳnh (1632 -?) là Vương phi của Thái bảo Trịnh Xuân. Khi chồng mất, cả 2 bà đều trở về quê hương an dưỡng, được quyền quản lý, thu thuế cả một vùng đất đai rộng lớn ven sông Gang. Ngày nay, trên đồi Cổ Ngựa, mộ của “Nhị vị cung phi” họ Chu đã được con cháu tôn tạo khang trang theo phong cách thời Nguyễn, và là một điểm tham quan của du khách khi đến Kẻ Trằm.

Nhà thờ họ Chu có lịch sử hơn 400 năm, gồm 2 toà thượng điện và bái đường nhìn ra sông Gang. Tại nhà thờ, còn lưu giữ được những mảng phù điêu tuyệt đẹp cùng nhiều hiện vật cổ kính như câu đối, long ngai, bài vị... Dưới chế độ phong kiến, nhà thờ đã được các triều đại ban tặng 58 sắc phong, hiện chỉ giữ được 1 sắc phong của triều Thành Thái. Trong kháng chiến, khu vực nhà thờ là nơi làm việc của Khu uỷ Liên khu IV, là nơi nhà máy in Nghệ An đặt cơ quan ấn loát, cất dấu nguyên vật liệu… Nhà thờ và mộ các vị tổ họ Chu đã vinh dự được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh năm 2010.

 photo DSC07160_zpsyik7xhtw.jpg

Mộ tổ họ Chu - Di tích lịch sử xã Thanh Lương (Thanh Chương - Nghệ An)

Về thăm vùng đất “địa linh”, mỗi di tích, mỗi danh nhân trên đất Kẻ Trằm, đều gợi lên trong lòng người bao niềm tự hào, xúc động. Truyền thống vẻ vang được hun đúc trong cả nghìn năm lịch sử ấy của quê hương, đã và sẽ còn toả rạng đến hôm mai. “Bia cầu sông Cương, Trằm xa lệ, núi Ngũ Mã/ Đồng hành cùng với thời gian/ Công đức huy hoàng, vua đã sắc ban”.                                                                              Huy Thư

                                                                                         Nguồn: Báo Nghệ An


  Các Tin khác
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 12
Total: 66139284

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July