Hồn quê trong bát nước chè xanh
Tôi nhớ những buổi chiều tháng Sáu bình yên, sau một ngày bận rộn với công việc đồng áng, mẹ lại tranh thủ lên ngọn đồi trước nhà cẩn thận chọn hái những nhánh chè xanh tươi non về om nước uống. Đất đồi quê tôi khô cằn sạn sỏi, nên lá chè cũng trở nên nhỏ và dày hơn. Nhưng khi được nấu bởi thứ nước giếng khơi trong lành, mát mẻ bắt nguồn từ mạch ngầm núi đá, bát nước chè xanh mẹ nấu luôn mang trong mình màu vàng lóng lánh, tươi nhuần như màu nắng mới. Đó là nét đặc trưng riêng có mà chỉ mới nhìn vào mặt nước sóng sánh ấy thôi đã đủ thấy sức hấp dẫn tỏa ra đầy mời gọi.
Chè xanh xứ Nghệ
|
Tối đến, sau bữa cơm, cả gia đình lại quây quần bên ấm chè nóng đặt trên chiếc chõng tre, dưới gốc ổi già xạc xào tiếng lá. Điềm tĩnh uống xong một ngụm nước chè nhỏ, cha tấm tắc khen mẹ là người phụ nữ có đôi tay om chè ngon nhất làng. Mẹ chỉ mỉm cười dịu dàng rồi vừa ngồi phe phẩy chiếc quạt nan, vừa thủ thỉ với cha chuyện mùa màng, đồng ruộng. Còn anh em tôi thì hết chơi đuổi bắt lại thi xem ai đọc thuộc hằng đẳng thức nhanh hơn. Theo ngọn gió miên man, hương chè xanh cứ thế thoang thoảng phả ra làm cho không gian trở nên thanh tịnh và yên bình đến lạ.
Một nét văn hóa dân dã rất Việt Nam
Người dân làng vẫn thường bảo: “Chưa uống được nước chè xanh, chưa phải là người xứ Nghệ”. Vậy nên ở quê tôi, từ trẻ con cho đến người già, ai cũng nghiện nước chè xanh. Người ta uống chè xanh không phải để giải khát. Bởi vì vị đắng chát đầm đậm và hương thơm bùi bùi của nó chỉ thích hợp để nhâm nhi vào những lúc nông nhàn, để mà ngẫm nghĩ về chuyện xưa đã cũ, để thấy vị quê quyện hòa nơi đầu lưỡi, để nghe tâm hồn lắng lại bâng khuâng. Có phải vì thế mà con người xứ Nghệ luôn được đánh giá là chất phác, thật thà và vô cùng sâu sắc?
Không chỉ xuất hiện trên chiếc chõng tre mỗi nhà sau những bữa cơm thanh đạm, ấm nước chè xanh còn là thứ nước chẳng thể thiếu trong những dịp lễ lạt, cưới xin. Ngồi kề bên nhau, rót cho nhau từng bát nước chè đặc sánh, thấy như vừa được san sẻ một chút gì đó thật giản dị, đơn sơ mà ấm áp, nồng nàn để nghĩa xóm, tình làng thêm kết đoàn, gắn bó. Và không biết tự bao giờ, người dân nơi dải đất miền Trung gian khó của tôi còn quan niệm rằng, hương vị của nước chè xanh là hương vị của sự thủy chung son sắt, của sự chân thành tha thiết yêu thương. Thế nên uống nước chè đã trở thành một nét đẹp văn hóa.
Đối với tôi, chẳng có thứ nước nào lại thơm ngon và tuyệt vời như những bát chè xanh xứ Nghệ. Bây giờ, khi đã thực sự biết cách thưởng thức một bát nước chè vàng ươm màu nắng, thì tôi mới vỡ lẽ ra rằng tại sao nhạc sỹ Phạm Tuyên từng viết: “Nước chè xanh xứ Nghệ, càng chát lại càng ngon”. Vị chát chè xanh cũng giống như vị chát cuộc đời, mỗi người phải có ít nhất một lần nếm trải để được trưởng thành hơn, vững vàng hơn trước mọi gian nan, thử thách. Và nước chè xanh xứ Nghệ đã thấm đều vào da thịt của tôi như dòng huyết mạch chảy ngược nơi trái tim bé nhỏ!
Nếu nói rằng tình người xứ Nghệ đậm đà như bát nước chè xanh hay bát nước chè xanh cũng đậm đà như tình người xứ Nghệ đều đúng! Trải qua những thăng trầm bể dâu, có ai sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất gió Lào, nắng rát này lại có thể đành lòng quên đi vị đắng chát chè xanh đã thấm sâu vào từng tế bào cảm xúc của ta tự những ngày còn để tóc trái đào ba chỏm?
Phan Đức Lộc (Làng Việt)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/dam-da-che-xanh-xu-nghe-20150818163832813.htm