Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Kỷ niệm 51 năm đánh thắng trận đầu (5/8/1964- 2015): Chiến thắng năm xưa và khát vọng hôm nay Kỷ niệm 51 năm đánh thắng trận đầu (5/8/1964- 2015): Chiến thắng năm xưa và khát vọng hôm nay , Người xứ Nghệ Kiev
 

(Baonghean) - Giờ thì quang cảnh của “mảnh làng quanh mâm pháo” chẳng còn dấu tích có thể gợi nhắc rõ ràng về những tháng ngày mưa bom, bão đạn của hơn nửa thế kỷ trước. Nhưng bà Hoàng Thị Lương, cư dân gốc của đất Yên Dũng Thượng, cô dân quân kiên cường của làng Đỏ năm nào vẫn rành mạch dòng ký ức về những dấu ấn sự kiện về những tháng ngày hào hùng ấy...

Người phụ nữ đã bước qua ngưỡng “thất thập cổ lai hy” ấy vẫn gợi lên nét duyên thầm của cô dân quân
Bà Hoàng Thị Lương nhớ lại những sự kiện ngày 5/8/1964.	Ảnh: P.C
Bà Hoàng Thị Lương nhớ lại những sự kiện ngày 5/8/1964. Ảnh: P.C
làng Đỏ (Hưng Dũng - TP. Vinh) năm nào. “Tròn 16 tuổi, tui gia nhập Tiểu đội 1, thuộc Trung đội dân quân tự vệ Phong Định. Hồi nớ, cả làng, cả xã nô nức tham gia kháng chiến, thanh niên chờ đủ ngày, đủ tuổi để vào dân quân tự vệ. Không khí sôi sục lắm!” - bà Hoàng Thị Lương nhớ lại.
 
Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, quê hương làng Đỏ một thời được biết đến với cái tên “làng quanh mâm pháo”, bởi lẽ, đây là một trong những trọng điểm về quân sự, chính trị trên địa bàn Thành phố Vinh lúc bấy giờ. Bà Hoàng Thị Lương là 1 trong 3 nữ dân quân tự vệ của tiểu đội 1, ngày đảm đang luống cày, đêm rộn ràng những ca khúc cách mạng trung kiên. “Không lúc nào ngớt tiếng cười, nói. Thì chiến tranh ác liệt mấy cũng cần phải lạc quan, không chỉ đám thanh niên, mà người dân cả làng, cả xã Hưng Dũng đều như thế.” - bà Lương tâm sự. Những nếp chân chim xô lại sau nụ cười tươi gợi những điều xưa cũ. Bà bảo, bà nhớ hết tất thảy những hồi ức của năm tháng hào hùng. “Nhớ nhất là ngày 5/8/1964, trúng ngày Chủ nhật. Hôm ấy, đám thanh niên làng vừa tan hội hát, ai về nhà nấy chuẩn bị bữa trưa. Quên sao được, cữ vừa tròn nắng, đất trời bỗng nhiên chuyển động… Âm thanh máy bay chiến đấu gầm rít vụt qua, rồi gần như ngay lập tức trùm lên tiếng nổ long trời, lở đất. Kẻng báo động dồn dập vang lên. Ai đó hét lớn: Kho xăng Hưng Hòa cháy rồi!” – nữ dân quân làng Đỏ của 51 năm về trước khẽ ôm lấy lồng ngực, se thắt trong dòng ký ức cuộn trào.
 
Sự kiện ngày 5/8/1964 của thành Vinh đau thương và anh dũng, tôi đã nghe, đã biết. Sử sách chép nhiều, những người già của phố, những chiến sỹ pháo thủ, những nam nữ dân quân tự vệ khắp vùng Hưng Dũng, Hưng Hòa… và bao chàng trai, cô gái là sinh viên Trường ĐH Vinh… đã nhớ và kể suốt mấy mươi năm qua. Nhưng dẫu đã nghe biết bao nhiêu bận, thì sự kiện ấy vẫn sống động, vẫn day dứt và đau đáu trong muôn thế hệ mai sau. Tôi khẽ nhắm mắt lại, mường tượng theo mạch chuyện hào hùng của người nữ dân quân làng Đỏ kiên cường ấy lao vào dập lửa, bốc vác, vận chuyển đạn dược tập kết ra vùng an toàn trong những khoảnh khắc đầu tiên của sự kiện. “Thuở ấy đôi mươi, người ngót 40 kg mà không hiểu có sức mạnh thần kỳ nào mà một mình tôi băng băng nâng thùng đạn chạy như bay. Dần dà, người đến tiếp ứng càng đông. Dân quân và người dân Hưng Dũng, Hưng Hòa, Hưng Thủy… ào đến xốc vác” - bà Hoàng Thị Lương nhớ lại. Những tiếng nói, tiếng cười vừa mới đây thôi, đã lặng vụt tắt.
 
Không gian trùm khói lửa, căng thẳng trong tiếng chạy dồn dập, tiếng những phuy xăng bén lửa phụt lên thành tiếng nổ long trời. Hạnh phúc và đau thương, sự sống và cái chết trong chiến tranh mong manh quá! Nhưng thời khắc ấy, vượt lên trên nỗi sợ hãi bản năng, hàng ngàn người dân thành Vinh đã di chuyển 1.200 tấn xăng ở các bồn chứa lớn, 6.000 phuy xăng dầu các loại, 50 bể chứa nhỏ và 1.000 tấn thiết bị kỹ thuật, hàng hoá các loại từ kho xăng Hưng Hòa đang bốc cháy ngùn ngụt ra khỏi thành phố chỉ trong vài giờ đồng hồ ngắn ngủi. Sức mạnh diệu kỳ nào thôi thúc lòng quả cảm, nếu không phải là tình yêu quê hương, đất nước?!
Dân quân TP. Vinh bắn máy bay Mỹ.	Ảnh tư liệu: Internet
Dân quân TP. Vinh bắn máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu: Internet
Sự kiện ngày 5/8/1964 còn gắn liền với chiến tích hào hùng của quân dân thành Vinh bắn rơi máy bay Mỹ. Chỉ vài giờ sau trận bom mở đầu ném vào kho xăng Hưng Hòa, máy bay Mỹ vù vù kéo đến đe dọa bầu trời thành Vinh. Cùng với hỏa lực của Trung đoàn E280 phòng không bảo vệ Thành phố Vinh, các trận địa phòng không, các hỏa lực tầm thấp của các đơn vị dân quân tự vệ trong các nhà máy, xí nghiệp, các xã ven đô… đồng loạt khai hỏa, giăng tấm lưới lửa vây giặc Mỹ trên không. “Bức tranh” đẹp của tình quân dân ấy còn vọng mãi. Và tình quân dân ấy, đã đưa thành Vinh vươn lên “từ gạch vụn” sau cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Vẫn còn đó trong sử sách số liệu đau thương của thành Vinh thời kỳ ấy, với diện tích chưa đầy 32 km2 lúc bấy giờ đã bị địch rải xuống 250.555 tấn bom đạn, trung bình mỗi đầu người phải hứng chịu 1.900 kg, với 8.768 trận đánh phá. Cả thành phố gần như không còn một ngôi nhà nguyên vẹn, hàng nghìn người dân bị chết và bị thương. Nhưng vẫn vang bản hùng ca của chí kiên cường, lòng yêu nước, nhân dân thành Vinh đã bắn rơi 146 máy bay Mỹ, trong đó có chiếc máy bay đầu tiên (ngày 5/8/1964), chiếc máy bay thứ 100 (ngày 14/9/1966), thứ 300 (ngày 27/5/1965) của giặc Mỹ trên miền Bắc.  
 
Giờ, thênh thang ngày mới trên những làng quê rực lửa năm nao, chỉ còn bình dị miền ký ức thăm thẳm của những người như bà Hoàng Thị Lương, gọi về tuổi thanh xuân ngời cống hiến. Sinh ra, lớn lên, và rồi như bà nói, sẽ nằm lại trên mảnh đất làng Đỏ này, cả cuộc đời bà gắn với làng đến thân thuộc từng gốc cây, từng hõm đất. Đôi tay người con gái chai sần vì hằn căm thù trên báng súng, lại trở dịu dàng, thoăn thoắt trên cánh đồng mùa vụ tươi xanh. Và như vòng quay nhịp nhàng không thể khác, những người con trai, con gái của bà, tiếp tục gắn với quê hương với những công việc khác nhau, nhưng tất thảy đều chung ý nguyện góp sức dựng xây. Làng Đỏ nói riêng, thành Vinh nói chung của những người con trai, con gái ngày hôm nay ngời khí chất và vận hội của thành phố bình minh. Nơi những trận địa pháo năm xưa, nay là cao ốc, cầu vượt nhộn nhịp ánh xe, là dãy phố chuyên doanh sôi động nhịp bán mua, là tít tắp miên man cung đường du lịch sinh thái – tâm linh. Trọng điểm phà Bến Thủy năm nào, giờ rộn ràng nhịp cầu hiện đại nối đôi bờ sông Lam, thành tuyến giao thông, giao thương huyết mạch Bắc - Nam. Bầu trời làng Đỏ rực lưới lửa phòng không năm nào giờ vun vút những chuyến bay nối dài mọi miền đất nước. 
 
Thành Vinh một thuở hào hùng, “đi đầu dậy trước” trong truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, nay vươn tầm đô thị loại 1 với hàng loạt dự án đã, đang và sắp được triển khai, sáng lên khát vọng tương lai. Thành phố Đỏ nay còn được biết đến như là thành phố xanh, màu xanh của bầu sinh thái, của một đô thị hướng biển thanh bình. Tôi nói điều ấy với người nữ dân quân làng Đỏ anh hùng, bà cười nhỏ nhẹ: “Ngày xưa chúng tôi chiến đấu giữ nước, ngày nay các anh, các chị “chiến đấu” dựng xây đất nước. Trận chiến nào cũng cam go, mà mình chỉ có thể thắng bằng quyết tâm và lòng yêu nước”.
 
Bà Hoàng Thị Lương chỉ là người dân của miền quê bình dị, là một trong hàng ngàn nhân chứng còn sống qua những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Bà nhỏ nhẹ nói, sao lại chọn bà làm nhân vật cho bài viết, còn nhiều lắm những chiến sỹ phòng không quả cảm, những dân quân tự vệ trên khắp các phường, xã của thành Vinh ngày ấy? Bà Lương cũng như bao người khác chưa một ngày nguôi lặng trong ký ức… Người con gái bất khuất của làng Đỏ kia ơi, bởi những điều bình dị nhất là những điều sáng trong, đẹp đẽ nhất; bởi bà hay bất kỳ ai, đều là đại diện cho một thế hệ thanh xuân đã dành trọn tuổi trẻ của mình cho bầu trời thanh bình của quê hương; và còn bởi, dẫu giản dị hay lớn lao, thì vẫn có một thứ tình yêu mang tên “Đất nước” vang lên trong lòng mỗi người con Thành phố Đỏ! Tình yêu ấy trường tồn, chắp cánh cho khát vọng vươn lên của quê hương…
 
Phương Chi
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/quoc-phong/201508/ky-niem-51-nam-danh-thang-tran-dau-581964-2015-chien-thang-nam-xua-va-khat-vong-hom-nay-628243/



  Các Tin khác
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65177865

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July