(Baonghean) -“Ngày hôm nay, nhìn ông nằm đó, trong bộ quân phục với huân chương, huy chương cùng chiếc phù hiệu màu xanh in dòng tên: Thiếu tướng Nguyễn An Thuyên. Khuôn mặt ông như đang ngủ. Thế là từ nay, chẳng còn nghe ca khúc mới nào của nhạc sỹ An Thuyên nữa. Phút giây từ biệt, sao trong mình lại ngân lên câu hát ấy của ông: “Điệu buồn và điệu thương/ Sao cháy lòng đến thế”. Giây phút này, ngày hôm nay, xin được hát cho ông “điệu buồn và điệu thương” ấy...”.
Đó là một, trong vô vàn dòng cảm xúc được nói, được viết trong lễ tiễn đưa người nhạc sỹ tài hoa - một người con xứ Nghệ. Và trong dòng chảy bất tận thời gian, một ngày không còn như mọi ngày, không riêng với gia đình nhạc sỹ, mà còn với rất nhiều bạn bè, đồng đội, học trò, những người Nghệ và công chúng yêu nhạc.
Nhạc sỹ An Thuyên. |
Tôi gặp NSƯT Bích Ngọc (Đoàn Nghệ thuật Quân khu IV) khi chị vừa từ Hà Nội trở về lúc 5 giờ chiều ngày 9/7. Chị nghẹn giọng: “Sớm ni chị ra tiễn thầy. Một cô học trò - một người đồng hương - một kẻ suốt đời hàm ơn nhạc sỹ, không thể không ra nhìn mặt thầy lần cuối”. Bích Ngọc kể rằng, cũng hiếm có đám tang nào lại đông người, lại lắm nỗi nghẹn ngào đến vậy. Cho đến khi đặt chân đến Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng rồi, chị vẫn không tin nổi người thầy của mình đã đi xa. Cả rừng người đã im lặng, trang nghiêm, nghe thấy cả những tiếng nấc, nghe rõ từng giọt nước mắt lặng rơi... Và phút chị đi vòng quanh chỗ nằm của nhạc sỹ, chị đã thầm nói: “Thầy ơi, chắc là thầy chỉ ngủ một giấc thôi, phải không thầy?”.
Ký ức lúc ấy chợt ùa về, bủa vây lấy chị. Là thầy đấy, với gương mặt hiền từ, đức độ đã cất lời ngợi khen cô bé nhà quê tham gia cùng Đoàn Nghệ thuật Quân khu IV trong 1 đợt tập huấn biểu diễn cách đây hơn 20 năm. Lúc ấy, nhạc sỹ là Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Quân đội đã “đặc cách” để Bích Ngọc trở thành sinh viên của trường. Bài hát “Huế thương” của nhạc sỹ, cũng đã được thu âm ngay tại nhà ăn của trường với giọng ca Bích Ngọc một cách tình cờ. Bài hát này sau đó đã đưa Bích Ngọc giành Huy chương Vàng đơn nữ tại “Liên hoan ca - múa - nhạc học sinh, sinh viên các trường văn hóa, nghệ thuật toàn quốc” lần thứ nhất. Cũng chính là thầy- như một người cha ân cần dặn Ngọc: “Thầy cấm con không được bắt chước học nói giọng Bắc, cứ giữ giọng xứ Nghệ của mình, và hát giọng Nghệ, đó là cái chất riêng của con”! Bích Ngọc nói rằng, một mối giao cảm nào đó, sâu nặng lắm, giữa chị và âm nhạc của An Thuyên. Những con đò, bến sông, bờ bãi... là tuổi thơ, là máu thịt của chị. Và chị đã chọn nhạc của An Thuyên để hát như là hát về chính nỗi lòng mình. “Không có thầy, con sẽ ra sao?”- Chị tự vấn với tất cả lòng biết ơn sâu nặng.
Không ra được Hà Nội để đưa tiễn người bạn - người nhạc sỹ tài năng mà mình hằng quý mến, nhà thơ Tùng Bách chia sẻ rằng, ông có cách tiễn biệt của riêng mình. Ông ngồi trầm tư, và... viết. Ông nghĩ rằng mình sẽ có một bài thơ tiễn bạn, như bao nhiêu người bạn thơ khác đã làm đầy xúc động. Nhưng rồi, ông chưa thể viết nổi một dòng. “Nhớ những ngày xưa ấy đến cồn cào. Tôi nhớ An Thuyên khi anh ấy còn ở Nghệ - Tĩnh. Cái con người xứ Nghệ mà đằm tính đến lạ. Tài hoa ấy mà cũng khiêm tốn hết mực. Những bài hát “Em chọn lối này” hay “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, chính là tôi và các anh chị em nghệ sỹ tỉnh nhà được An Thuyên hát cho nghe lần đầu. Ngay từ những bài hát ấy, tôi đã sững sờ vì độ xúc cảm nó mang lại. Cũng lâu rồi, chúng tôi ít gặp nhau, có gặp cũng thật vội vã. Nhưng ánh mắt, nụ cười, sự hiền hậu, chân tình, độ lượng của An Thuyên luôn khiến tôi có cảm giác ấm áp. Thật là tiếc, nhớ một con người như An Thuyên, không phải chỉ ở tài năng, mà cả ở tấm lòng”.
Và không chỉ người thân, bạn bè, học trò, giới văn nghệ sỹ, biết bao nhiêu con người bình dị, dù được gặp nhạc sỹ một đôi lần, hay chỉ mới nghe nhạc của An Thuyên thôi mà chưa một lần gặp mặt cũng nhớ về ông với nỗi buồn thương vô hạn. Chị Lê Thị Mỹ Hạnh, Phòng Hậu cần, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã dành cả buổi chiều ngày tiễn đưa nhạc sỹ để viết lên những dòng này, chị nói với tôi: “Nếu để nói, chị sợ mình nghẹn lời, thôi để chị viết: “Tôi may mắn được gặp gỡ nhạc sỹ An Thuyên vào dịp tháng 5/2014, tại buổi giao lưu Thơ của Hội Văn hoá doanh nhân Hải Phòng. Nhạc sỹ ăn mặc rất giản dị, áo sơ mi trắng thả buông, quần đen, giày đen trông rất thoải mái mà vẫn lịch lãm. Ở ông, tôi thấy toát lên một sự gần gũi, thân thiện. Ông có ánh nhìn nhân từ, hiền dịu, ấm áp. Biết tôi đồng hương Nghệ An, là lính, lại còn võ vẽ viết lách, khách mời của buổi giao lưu văn hoá doanh nhân, ông rất quý.
Bất ngờ vì được gặp nhạc sỹ nổi tiếng tài hoa với những ca khúc ngọt ngào "nằm lòng" trong công chúng yêu âm nhạc, tôi và mọi người vui mừng đề nghị được chụp ảnh với ông, ông đồng ý ngay. Trong buổi giao lưu hôm ấy, tôi được đề nghị đọc thơ và hát. Tôi run. Run chưa từng thấy. Tôi thiếu tự tin. Bởi, ông - nhạc sỹ An Thuyên - đang ngồi dưới khán phòng, cười hiền, chăm chú lắng nghe...Tôi lấy hết can đảm, hít một hơi thật sâu, cất cao lời ca. Tôi hát với tất cả tấm lòng, nỗi niềm... quên mất khán giả, quên nỗi sợ hãi e ngại. Khi xuống khán phòng, ông trìu mến, bắt tay: “Quê mình vừa xinh vừa hát rất hay !”. Biết là ông động viên nhưng tôi rất vui, cảm động. Đâu hay, đó là lần gặp đầu tiên và duy nhất mà tôi có được, những phút giây quý giá bên nhạc sỹ tài hoa, đức độ quê mình.
Chiều 3/7, nghe tin ông đột ngột ra đi, tôi sững sờ, bàng hoàng, không tin nổi. Chiều 6/7, nhà thơ Lê Huy Mậu ghé về thăm quê, hẹn gặp mấy anh em chúng tôi: Nhạc sỹ Phan Thanh Chương, nhà thơ Tùng Bách, anh Chu Quang Luân và tôi. Nhạc sỹ Phan Thanh Chương bùi ngùi đề nghị: “Tất cả chúng ta dành ít phút tưởng nhớ An Thuyên nhé!”. Mấy anh em, không ai bảo ai, lập tức ngay ngắn cúi đầu, nghiêm trang, tĩnh lặng... Cuộc gặp gỡ chủ yếu nhắc nhớ những câu chuyện về nhạc sỹ An Thuyên.
Hôm nay, 9/7, gia đình ông, Bộ Quốc phòng cùng đông đảo văn nghệ sỹ, học trò, hàng nghìn người yêu mến về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng đưa tiễn ông...
Tôi - một người lính - một người con xứ Nghệ - vô cùng yêu quý nhân cách và tài hoa Nhạc sỹ An Thuyên - nghẹn ngào hướng về nơi xa ấy, thầm mong ông yên giấc vĩnh hằng...”.
Còn với tôi, người làm dâu xứ Nghệ. Tôi đã biết đến quê hương này, chính là nhờ nhạc sỹ An Thuyên. Khi tôi chưa về với đất Nghệ, thì nhạc sỹ đã vẽ cho tôi: Câu đò đưa thầm gọi, vầng trăng non ngơ ngác, ngô mướt dài bãi quê, chuyến đò đầy rời bến... Nhạc sỹ đã vẽ về con sông Lam không bao giờ biết cạn, về ân tình người xứ Nghệ mãi mãi đằm sâu. Tôi đã hát những lời ấy một thời tuổi trẻ, để cảm nhận muối mặn gừng cay, để thương người con trai thuở chân trần ngơ ngác trăng non.
Tôi biết ngày 9/7 này, có bao nhiêu người đã lặng lẽ tiễn đưa ông trong tâm tưởng mình, bằng cách khe khẽ hát một ca khúc nào đó của ông, như tôi bây giờ. Âm nhạc của An Thuyên, một cách tự nhiên, cứ neo vào hồn người như một dòng suối mát lành hòa vào đại ngàn mênh mông. Từ những thính phòng sang trọng đến những ngôi nhà đơn sơ giản dị của bao người dân quê, từ những ca sỹ danh tiếng đến những người già, trẻ con, người làm nghệ thuật hay thậm chí cả những người nông dân chân lấm tay bùn…, tất cả đều hát những khúc ca ấy như thể đang bày tỏ chính nỗi lòng mình. Quê hương xứ Nghệ trong những ca khúc của ông làm xúc động những con người xứ Nghệ tha phương, nhưng trên tất cả, nó là biểu tượng của quê hương trong lòng tất cả mọi người.
Có người đã nói, khi ngôn ngữ không còn sức để biểu đạt nổi nữa thì lúc đó âm nhạc lên tiếng. Và có lẽ âm nhạc của An Thuyên đi vào lòng người bởi nó thôi thúc những điều bấy lâu nay được ẩn giấu, những điều mà ngôn từ hay bất cứ hình thức nào khác khó diễn tả sâu sắc được. Giống như một cái giếng sâu, những điều mà âm nhạc của An Thuyên khơi gợi như nỗi im ắng, sự bí ẩn, sâu lắng, nỗi buồn, thời gian… đã trở về với con người khiến họ có cảm giác như tìm lại được chính mình. Họ cảm thấy được sống nhiều hơn, thấm nhuần cái cảm giác “một ngày bằng mấy trăm năm” như trong câu hát nặng trĩu nỗi buồn và tình yêu của ông.
Và tôi biết, An Thuyên vẫn còn đây, ông không đi xa đâu, ông ở trong “điệu buồn và điệu thương” mọi người đang cất lên tiếng hát tự tim mình. Cũng như trong lời tiễn biệt cha mình, cô con gái nhạc sỹ - ca sỹ Bông Mai đã tin rằng: “Chúng ta chia tay hôm nay nhưng con biết Ba sẽ chờ con, đón con và lại yêu thương con như Ba vẫn vậy. Con cứ lo chúng ta không có nhắn nhủ, không ám hiệu thì sao nhận ra nhau! Nhưng giờ con biết chỉ cần trái tim con, tâm thức con luôn nghĩ đến Ba thì chắc chắn chúng ta sẽ còn gặp lại...”.
T.V
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201507/xin-duoc-hat-dieu-buon-va-dieu-thuong-621928/