(Baonghean) - Cuối năm 1973, từ Đồng Tháp Mười, tôi được điều về làm cán bộ phòng tuyên truyền - tổng hợp của Tiểu ban giáo dục miền Nam, trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam. Nhiệm vụ của chúng tôi là tổng hợp tình hình giáo dục của toàn miền để tham mưu, cung cấp thông tin cho lãnh đạo Tiểu ban, đồng thời viết bài cho buổi phát thanh giáo dục giải phóng phát vào tối thứ 2 và thứ 4 hàng tuần trên Đài Phát thanh Giải phóng.
Đồng chí Mười Cúc - Nguyễn Văn Linh đến thăm và chụp ảnh với học trò Trường Nguyễn Văn Trỗi, Chiến khu C Tây Ninh (năm 1974). |
Một hôm, vừa đi vừa chạy thể dục từ đường “Hà Nội” qua “Đồ Sơn” (ở căn cứ, chúng tôi thường lấy tên các vùng quê đặt tên cho các con đường từ đơn vị này sang đơn vị khác), tôi được anh Hải trưởng phòng đến báo tin: “Sáng nay cậu chuẩn bị đi sang dự lễ khai giảng ở Trường Nguyễn Văn Trỗi với bác Mười Chí”. Bấy giờ, bác Lê Văn Chí (chúng tôi thường gọi là Mười Chí) là Thứ trưởng Bộ Giáo dục Giải phóng, đồng thời là Phó Tiểu ban giáo dục Miền.
Nhận được sự phân công của lãnh đạo, tôi về lấy giấy bút đi sang nhà bác Mười Chí. Đoàn đi gồm có 3 người, 2 xe đạp, anh Va giao liên kiêm bảo vệ chở bác Mười Chí và tôi... Trường Nguyễn Văn Trỗi là trường đào tạo giáo dục con em cán bộ chủ chốt của các tỉnh từ khu 6, cực Nam Trung bộ trở vào. Học sinh phần lớn còn nhỏ, từ lớp 1, lớp 2 đến các lớp cấp 2. Thầy giáo phần lớn là anh em giáo viên từ miền Bắc chi viện vào. Khi chúng tôi đến, hơn một trăm thầy giáo và học sinh đã tập trung đông đủ ở hội trường lợp lá trung quân. Xung quanh bao bọc bằng lũy đất để tránh bom pháo. Khi đến nơi, nghe bác Mười Chí nói nhỏ: Lễ khai giảng năm nay có vinh dự đặc biệt được đón anh Mười Cúc (bí danh của đồng chí Nguyễn Văn Linh ở chiến trường Nam bộ) sang thăm trường, chúng tôi rất bất ngờ và sung sướng. Lâu nay tôi cứ nghe các anh trong phòng kể chuyện về đồng chí Mười Cúc, người lãnh đạo cao nhất của Đảng ở Nam Bộ lúc bấy giờ, với bao câu chuyện gần như là huyền thoại khi ông ở Củ Chi, ở Rừng Sác chỉ đạo phong trào đấu tranh ở Sài Gòn - Gia Định... Nay được gặp ông thì sung sướng nào bằng.
Đang cùng thầy trò nhà trường háo hức trông chờ thì thấy một đoàn cỡ bảy, tám người từ phía cổng đi vào. Tôi chú ý thấy một người mặc bộ bà ba nâu, có gương mặt phúc hậu, đặc biệt có cặp mắt tinh anh dưới đôi lông mày rậm. Cả hội trường rạo rực đứng dậy chào đoàn khách của Trung ương Cục. Bác Mười Chí đến bên đồng chí Mười Cúc nói nhỏ mấy câu gì đó, tôi thấy đồng chí Mười Cúc giơ hai tay ra hiệu cho cả hội trường im lặng rồi nói: “Hôm nay, tôi rất vui được đến dự lễ khai giảng của thầy trò trường ta, trường được mang tên người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Được biết các thầy giáo và học sinh có nhiều cố gắng trong năm học vừa qua, đã tổ chức dạy tốt, học tốt, nhiều em đạt học sinh giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Trường ta có nhiệm vụ quan trọng là giáo dục, đào tạo con em cán bộ, phần lớn là con em liệt sỹ trở thành những cán bộ cung cấp cho cách mạng miền Nam hiện nay và chuẩn bị cho việc xây dựng đất nước sau này nên các thầy, cô giáo và các cháu học sinh tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác Hồ dạy tốt, học tốt, đồng thời phải tổ chức cho các cháu ăn ở tốt, phòng tránh bom pháo của địch, đảm bảo an toàn”. Nói rồi, đồng chí xuống các hàng ghế phía dưới hội trường bắt tay các thầy giáo, ôm hôn các cháu học sinh. Có em được bác Mười Cúc bế lên cao; rồi tất cả các em đứng dậy quây tròn xung quanh bác Mười Cúc và được bác phát quà là những tập giấy trắng và mấy gói kẹo quý từ miền Bắc chuyển vào.
Cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra chưa đầy tiếng đồng hồ, ngay sau đó đồng chí Mười Cúc đến thăm một lớp học, thăm nhà ăn của thầy và trò, thăm hệ thống giao thông hào, hầm chữ A, hầm tròn tránh bom pháo... rồi lên đường ra về.
Lần gặp gỡ đồng chí Nguyễn Văn Linh năm 1974 trở thành kỷ niệm sâu sắc trong đời tôi. Sau ngày 30/4/1975, tôi về tham gia tiếp quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định, năm 1976 được trở ra miền Bắc, mỗi lần thấy đồng chí Nguyễn Văn Linh xuất hiện trong những sự kiện lớn của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI hoặc trên những bài báo ký tên NVL ngắn gọn mà lan tỏa, lay động, tôi thầm tự hào vì có lần vinh dự được gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh, một kiến trúc sư của công cuộc đổi mới.
Dự kỷ niệm 30/4 năm nay, nhân dịp hội ngộ đoàn cán bộ giáo dục miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam 45 năm trước, tôi cùng các chiến hữu được gặp gỡ đoàn cựu học sinh Trường Nguyễn Văn Trỗi đến thăm thầy giáo cũ Lê Anh Tương. Mừng mừng tủi tủi, thầy trò ôn lại những năm tháng ở rừng Chiến khu C (Tây Ninh), kể chuyện những học trò cũ của trường nhiều người trở thành những cán bộ lãnh đạo các tỉnh, các ngành. Tôi cũng không ngờ được gặp lại cô học trò Trường Nguyễn Văn Trỗi ngày ấy tên là Huấn bấy giờ mới bảy, tám tuổi. Huấn còn giữ được tấm hình bác Mười Cúc - Nguyễn Văn Linh bế mình trong ngày bác đến thăm trường. Huấn là cháu ngoại của nhà cách mạng Dương Quang Đông, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ những năm 1939 - 1941, bạn chiến đấu với các đồng chí Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai... Cả ba má Huấn đều là liệt sỹ. Tấm hình kỷ niệm đặc biệt Huấn tặng tôi do một người bạn làm ở Bảo tàng thành phố tặng. Đó là một khoảnh khắc đáng nhớ ngày bác Mười Cúc – Nguyễn Văn Linh về thăm Trường Nguyễn Văn Trỗi và ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ ở khu rừng bên sông Vàm Cỏ Đông năm 1974.
Ngô Đức Tiến
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/xa-hoi/201507/ky-niem-100-nam-ngay-sinh-tong-bi-thu-nguyen-van-linh-mot-lan-duoc-gap-dong-chi-muoi-cuc-va-tam-anh-dac-biet-619572/
Tin liên quan: