(Baonghean) - Nếu ví mỗi di tích lịch sử là một sợi chỉ kết nối quá khứ và hiện tại thì chúng tôi đã có một hành trình kết nối giàu cảm xúc được dệt nên từ những mốc son chói lọi, những người con anh hùng khi đến với mảnh đất Hưng Nguyên.
1. Lật giở từng trang sách viết về vùng đất này, mới hay cái danh xưng Hưng Nguyên có từ thế kỷ XV, khi vị vua anh minh Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ hành chính cả nước. Danh xưng ấy hàm chứa cả ý nghĩa giàu tính triết học và nhân văn có thể khái quát là: “Ngọn nguồn, chảy mãi, hưng thịnh và phát triển”. Phải chăng, chính tên đất ấy đã vận vào mỗi con người sinh ra hoặc có cơ duyên gắn bó để rồi chính họ đã viết nên nhiều sự kiện có dấu ấn đặc biệt, làm rạng danh mảnh đất bên dòng Lam và có tác động không nhỏ đến lịch sử nước nhà.
Ông Lê Thanh Hưng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Hưng Nguyên giới thiệu về khu mộ chung của các liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh. |
2. Sợi chỉ đầu tiên phải kể đến trên đất Hưng Nguyên chính là đền Hoàng Mười, tọa lạc trên vùng đất đắc địa, phía đầu dáng đất có hình mỏ con hạc khổng lồ do sông Mộc, sông Vĩnh uốn lượn tạo thành, tại xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) được xây dựng vào thế kỷ XVII. Theo các nhà nghiên cứu, đền Hoàng Mười thờ các vị phúc thần như: Vị Quốc công Lê Khôi là cháu gọi Vua Lê Thái Tổ bằng chú ruột, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ đầu và lập nhiều công lao hiển hách; Phúc Quân công Trịnh Trung; Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng Quân Nguyễn Duy Lạc; Song Đồng Ngọc Nữ và hệ thống đạo Mẫu tứ phủ… Vị thần chính của ngôi đền là Hoàng Mười, được nhân dân quý trọng, tôn sùng, mặc dù là một nhân vật huyền thoại. Về với đền Hoàng Mười, người dân hướng tới đức tín hướng thiện và sự linh nghiệm trong đời sống tâm linh để mỗi người thêm yêu mến quê hương xứ sở, thêm trận trọng những giá trị văn hóa tinh thần, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân có công với đất nước đã được bao thế hệ gìn giữ và phát huy.
Thái độ ứng xử trân trọng với quá khứ đó đã vun đắp cho mảnh đất, con người nơi đây một truyền thống văn hóa đặc sắc, tinh thần yêu nước nồng nàn. Đặc biệt, trong thế kỷ XX, Hưng Nguyên là một trong những cái nôi của cách mạng xứ Nghệ và cả nước. Để hôm nay, trong mỗi trang sách về lịch sử, trên mỗi miền quê đã thay màu áo mới còn lưu giữ những câu chuyện, những di tích ghi dấu lại một thời kỳ đấu tranh hào hùng. Trước hết, đó chính là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Nhà cụ Hoàng Viện ở xã Hưng Châu – là nơi đóng trụ sở của Xứ ủy Trung Kỳ để chỉ đạo trực tiếp cao trào cách mạng 1930 -1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Mảnh đất Hưng Nguyên đã có nhiều thay đổi trong guồng phát triển chung của đất nước. Nhưng mỗi lần đi qua cách đồng Thái Lão, nằm dọc Quốc lộ 46 đoạn qua Thị trấn Hưng Nguyên, Khu Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn là một chứng tích ghi dấu một sự kiện bi hùng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Vào ngày 12/9/1930 nổ ra cuộc biểu tình của hơn 2 vạn nông dân Hưng Nguyên dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ kéo về huyện lỵ Hưng Nguyên đòi dân chủ, dân sinh. Khi đoàn biểu tình đến Thái Lão, hoảng sợ trước khí thế cách mạng mạnh mẽ của quân chúng, thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom làm 217 người chết và 125 người bị thương.
Hành động dã man đó của kẻ thù như đổ thêm dầu vào lửa, đẩy cao trào cách mạng lên cao, lan rộng ra nhiều địa phương khác. Tròn 85 năm sau, vào một ngày tháng 6 nắng vàng như rót mật, anh Lê Thanh Hưng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Hưng Nguyên dẫn tôi đi thăm một vòng quần thể di tích này. Cánh đồng Thái Lão xưa giờ đã có nhiều đổi khác nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được rằng, mỗi thước đất nơi đây thấm đẫm máu đào của biết bao nông dân nồng nàn tấm lòng yêu nước đã ngã xuống để các thế hệ cháu con có ngày hòa bình, độc lập hôm nay. Ngôi mộ tập thể của các liệt sỹ ngã xuống vào ngày định mệnh đó đã được xây cất đàng hoàng, khang trang vẫn thường xuyên đón các đoàn khách thăm viếng, thắp nén hương tri ân. “Hàng năm có rất nhiều đoàn khách từ Trung ương, địa phương và nhân dân các tỉnh, thành vào thăm và thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Đặc biệt, vào các ngày Rằm, mồng Một hàng tháng. Đây là một sợi chỉ đỏ, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của đất và người Hưng Nguyên”, anh Hưng bày tỏ.
Từ Thị trấn Hưng Nguyên, tôi về với xóm 10, xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) thăm Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Trong khung cảnh làng quê yên bình, vẫn còn đó hàng chè tàu xanh mát trong nắng gắt, ngôi nhà tranh đơn sơ gắn bó nhiều kỷ niệm về thuở thiếu thời và cuộc đời hoạt động của cố Tổng Bí thư. Ông Lê Văn Ngụ (67 tuổi), cháu của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và các thuyết minh viên tận tình hướng dẫn và kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về tuổi thơ, cuộc đời hoạt động của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Dừng lại ở tấm phản trong gian nhà đơn sơ, giọng ông Ngụ bỗng trầm xuống: Đây là tấm phản mà bác Doãn (tên thiếu thời của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong) đang ngồi khâu vá thì 3 lính Tây vào bắt dẫn đi trong thời gian bị quản thúc tại quê nhà. Chính cha tôi chứng kiến toàn bộ sự việc và đó cũng lần cuối cùng người trong gia đình còn được thấy bác trước khi hy sinh”. Câu chuyện cảm động này là một trong vô vàn những câu chuyện về cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong còn lưu giữ trong ký ức của mỗi người trong gia đình và dòng họ. Và cũng không biết bao lần, ông Ngụ kể câu chuyện ấy cho khách đến tham quan Khu lưu niệm nhưng như ông nói, lần nào cũng vô cùng xúc động bởi đó không chỉ là trách nhiệm công việc mà còn xuất phát từ tình cảm gia đình, của con cháu. Đến với Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, chính trong không gian giản dị, đơn sơ ấy, chắc hẳn không chỉ tôi mà bất cứ mỗi du khách sẽ càng thêm cảm phục ý chí sắt son đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và thêm trân quý giá trị của hòa bình, độc lập chúng ta có được hôm nay.
3. Mảnh đất Hưng Nguyên còn có rất nhiều di tích lịch sử như hành trình kết nối quá khứ, giúp chúng ta hiểu hơn về đất và người nơi đây. Theo thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hưng Nguyên, trên địa bàn huyện có 111 di tích, trong đó có 12 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, 16 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Với những giá trị đó, những năm qua, tiềm năng du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh dần được khai thác, đón du khách trong tỉnh, cả nước về tham quan. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hưng Nguyên cho biết: “Tiềm năng du lịch của Hưng Nguyên là rất lớn và bước đầu đã được khai thác dựa trên những giá trị đặc thù và vị trí địa lý, giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, sức phát triển đó vẫn chưa xứng tầm. Vì vậy, huyện đang rất mong muốn có thể kết nối được nhiều tour, tuyến du lịch trong tỉnh, trong nước nhằm giới thiệu những giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh của mình đến với nhiều du khách”.
Thành Duy
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/xa-hoi/201506/hanh-trinh-ket-noi-qua-khu-618010/