(Baonghean) - Có dịp ghé thăm Nghệ An - quê Bác, đi trên Quốc lộ 1A, tới phía Bắc đầu cầu Bến Thuỷ, ta sẽ thấy một ống khói to cao sừng sững cạnh chân núi Dũng Quyết. Đó chính là chứng tích còn lại của Nhà máy điện Vinh.
Tháng 2/1965, đế quốc Mỹ mở chiến dịch “sấm rền”, dùng không quân ném bom, bắn phá ào ạt nước ta từ Vĩnh Linh đến Nghệ An. Cùng với dân và quân cả nước, công nhân, viên chức và đoàn viên công đoàn Nhà máy điện Vinh biểu thị chí căm thù và lòng quyết tâm cao độ, kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược bằng khẩu hiệu “Sản xuất tốt - chiến đấu tốt - chấp hành lệnh phòng thủ tốt - sẵn sàng chiến thắng địch”.
Trước tình hình chiến sự ngày một căng thẳng, Đảng ủy Nhà máy điện Vinh đã họp bàn và nhận định: “Kẻ địch bằng mọi cách sẽ đánh mạnh, đánh ác liệt vào Nhà máy ta, máy móc sẽ bị hư hỏng và nhất định sẽ có đồng chí phải hy sinh. Trong cuộc đấu tranh với kẻ thù để bảo vệ và duy trì dòng điện thì sự hy sinh đối với chúng ta sẽ tất nhiên, chúng ta đã sẵn sàng nhận lấy sự hy sinh đó. Song chúng ta phải làm thật tốt công tác phòng không nhân dân, che chắn đến mức tối đa với con người và thiết bị, giảm bớt thương vong. Hãy lãnh đạo đảng viên và quần chúng quyết bảo vệ và duy trì dòng điện, hãy bám lấy lò, máy, đường dây để sản xuất ra điện, sản xuất bây giờ thực tế là chiến đấu và cũng sẽ gian khổ hy sinh”. Là mục tiêu đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, nhưng cán bộ, công nhân Nhà máy Điện Vinh vẫn kiên cường bám trụ nhà máy. Các bộ phận vừa dũng cảm phối hợp đánh trả địch, vừa vận hành nhà máy hoạt động. Khi trận địa ngớt bom, anh em lại lao vào sửa chữa, phục hồi lại nhà máy để phát điện phục vụ cho sản xuất và chiến đấu.
Ống khói Nhà máy Điện Vinh - một chứng tích ở nơi lưu dấu những ngày tháng chiến đấu anh hùng của CBCNVC nhà máy. Ảnh: T.H |
Trong cuộc chiến đấu ác liệt đó, ngày 4/6/1965 trở thành một ngày không thể nào quên của cán bộ, công nhân viên Nhà máy điện Vinh, khi đang sửa chữa các thiết bị hư hỏng do trận bom đầu tiên giặc Mỹ vừa ném xuống, bất ngờ máy bay địch lại ập đến trút bom vào nhà máy, 8 đồng chí, cán bộ công nhân hy sinh ngay tại nơi làm việc, trong tay còn các dụng cụ đồ nghề, nhiều đồng chí khác bị thương. Như đồng chí Trần Văn Qua, quản đốc phân xưởng điện hy sinh khi tay còn nắm chặt tuốc nơ vít, đồng chí Đỗ Ngọc Đỉnh hy sinh bên cạnh chiếc đồng hồ vạn năng mà anh đang sử dụng, đồng chí Lê Thị Hòe ngã xuống bên cạnh bảng điều khiển lò khi đang kiểm tra đồng hồ tự ghi áp lực, đồng chí Trần Văn Tý kíp trưởng kíp vận hành lò hy sinh trong lúc đi kiểm tra chuẩn bị đưa lò vào vận hành. Các đồng chí Nguyễn Cảnh Dần, Trần Văn Toàn, Nguyễn Bửu Quang, Phan Đức Duyệt hy sinh trong lúc đi kiểm tra nhà máy... Bên cạnh sự tổn thất to lớn về con người, Nhà máy điện Vinh đã bị đánh phá hư hỏng nghiêm trọng.
Ngay dưới chân núi Dũng Quyết, nơi kẻ địch ngày đêm đem bom đạn cày xới, nhà máy bị tàn phá tưởng không còn gì, thì tại nơi ấy, những người thợ điện Vinh vẫn kiên cường mưu trí bằng nhiều cách: Khi thì đặt máy phát điện trên các xe ô tô cơ động tránh bom, lúc đào hầm di chuyển máy móc vào sâu trong lòng núi... để đảm bảo dòng điện không tắt. Với tinh thần “dù có phải hy sinh tính mạng vẫn bám trụ nhà máy”, các đồng chí Đỗ Văn Phụng, Trịnh Văn Thuận, Hà Đăng Sinh đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ nhà máy. Trên các tuyến đường dây cũng bị đánh phá nghiêm trọng, việc đứt dây, vỡ sứ, đổ cột thường xuyên xảy ra. Công nhân quản lý đường dây đã chia nhau trực giải quyết sự cố tại các trọng điểm, nhiều đồng chí bị sức ép của bom đạn khi đang làm nhiệm vụ; có đồng chí như Nguyễn Khắc Đạt đã anh dũng hy sinh ngay trên cột điện khi đang xử lý đường dây để cấp điện cho trạm bơm Linh Cảm, công nhân Phan Văn Cừ hy sinh khi tiếp cận đánh bom nổ chậm ở vách núi nhằm giải phóng đường đi đến cụm máy phát.
Giám đốc Điện lực Nghệ An được vinh danh Doanh nhân xứ Nghệ lần thứ 4/2015. Ảnh: P.V |
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, giành giật với kẻ thù để sản xuất ra từng ki-lô-oát điện, dòng điện của Nhà máy điện Vinh vẫn được phát đi đáp ứng yêu cầu sản xuất và chiến đấu cho Nghệ Tĩnh. Những khẩu hiệu hành động “Địch đánh ta phục hồi, địch lại đánh ta lại phục hồi, bám trụ kiên cường, thề quyết tử cho dòng điện quyết sinh”, “Ống khói chính đổ, ta làm ống khói bằng tôn, ống khói bằng tôn đổ ta làm đường khói ngầm”... trở thành niềm tin, niềm kiêu hãnh của ngành Điện Nghệ An qua bao thế hệ. Ghi nhận những chiến công anh dũng của người thợ điện trên quê hương Xô Viết kiên cường, Nhà máy Điện Vinh được Nhà nước và Quốc hội tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng và 2 Anh hùng Lao động Huỳnh Ngọc Đủ, Trương Quang Thâm cùng 30 huân chương các loại.
Phát huy truyền thống vẻ vang của Đơn vị Anh hùng, tri ân mồ hôi công sức, trong đó có cả máu xương của đồng chí, đồng đội đi trước, Nhà máy điện Vinh - Sở Điện lực Nghệ Tĩnh - Sở Điện lực Nghệ An - nay là Công ty Điện lực Nghệ An luôn nỗ lực phấn đấu và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Các thế hệ CB,CNV Nhà máy điện Vinh năm xưa, Công ty Điện lực Nghệ An ngày nay tự hào đã đóng góp một phần không nhỏ năng lực, trí tuệ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tính đến tháng 12/2014, khối lượng tài sản lưới điện Công ty Điện lực Nghệ An đang quản lý gồm 5.319 km đường dây trung áp; 13.500 km đường dây 0,4KV; 7 trạm trung gian công suất 48.000 KVA; 4.325 trạm phân phối công suất 1.213.587 KVA... Công ty đã tranh thủ tối đa các nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện, tiếp tục đưa điện về các xã vùng sâu, vùng xa với hàng loạt dự án nâng cao hiệu quả lưới điện nông thôn, các khu công nghiệp, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa quê hương đất nước, góp phần xây dựng Nghệ An ngày càng giàu đẹp. Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Công ty đã nhận phụng dưỡng 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đóng góp 1,3 tỷ đồng vào các quỹ từ thiện. Đó cũng chính là những nén hương dâng lên báo công, tri ân với các anh linh liệt sỹ đã ngã xuống vì dòng điện quê hương, nhân kỷ niệm 50 năm ngày diễn ra sự kiện 4/6/1965.
Trịnh Phương Trâm
(Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An)
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/xa-hoi/201506/mai-tri-an-nhung-nguoi-nga-xuong-612772/