Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Ngư dân Nghệ An vươn khơi bám biển: Kỳ 4: Biển gọi Ngư dân Nghệ An vươn khơi bám biển: Kỳ 4: Biển gọi , Người xứ Nghệ Kiev
 

(Baonghean) - Trước khi viết tiếp những câu chuyện về hành trình vươn khơi của ngư dân ven biển Nghệ An, chúng tôi khá bối rối khi đặt tên cho câu chuyện dưới đây. Đó phải là một thứ gì đó thiêng liêng nhưng cũng hết sức gần gũi, rất đời của cư dân một miền quê biển ám ảnh từ dáng vóc, bước chân chênh vênh trên cát mịn... Hẳn đó chỉ có thể là: “Biển gọi”!

Không hiểu vì sao khi nghĩ về nghề biển, tôi thường liên tưởng đến hình ảnh những người phụ nữ hơn là những người đàn ông cưỡi sóng, đạp gió trên biển cả. Sớm sớm, chiều chiều, ngày qua ngày những người phụ nữ biển lại cắp nón, bấm chân trần, ánh mắt ngóng về phía khơi xa. Đó là những người vợ, người mẹ chờ đợi, kiếm tìm dáng hình quen thuộc của chồng, con mỗi khi đoàn tàu trở về hay bất chợt trời nổi gió giông. Ít có nghề nào lắm gian truân và rủi ro như nghề đi biển. Còn nhớ, chỉ trong năm 2013, có 3 chiếc tàu của ngư dân xã Quỳnh Long và An Hòa (Quỳnh Lưu) liên tiếp gặp nạn khiến 17 người chết và mất tích, điều này càng cho thấy sự nghiệt ngã của biển cả. 
 
Ngư dân xã Quỳnh Long đánh vây trên Vịnh Bắc bộ.
Ngư dân xã Quỳnh Long đánh vây trên Vịnh Bắc bộ.
Tôi vẫn còn nhớ cái dáng lưng cong, bàn tay gầy guộc và mái tóc bạc xơ của cụ bà Lê Thị Nguyên vào cái lần đầu tiên tôi gặp cụ. Buổi chiều hôm ấy dường như bao nhiêu gió nắng cuộc sống đã xô nhăn thành muôn lớp sóng trên gương mặt của người vợ, người mẹ đã đi qua gần 80 năm đời biển. Ở cái thôn Thành Công và cả xã Quỳnh Long này ai mà chẳng biết mẹ Nguyên phải trải qua những nỗi mất mát không gì bù đắp được. Mẹ có 3 con trai thì 2 con đã  vùi thân xác trên biển cả. Trong đó một người đã hy sinh trong hải chiến Gạc Ma vào ngày 14/3/1988, một người nằm lại với biển cùng 5 bạn thuyền trong cơn lốc năm 1996.  Rồi cách đây vài năm người con trai út suýt phải rời xa mẹ vì bị tàu Trung Quốc bắt trong một lần đi biển. Những đứa con của mẹ ai cũng sáng sủa, cũng vạm vỡ nhưng khi đã là một phần của biển cả thì cũng thôi đành. Mẹ nói: “Biết làm răng được. Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm”. 
 
Ở cái xã Quỳnh Long còn có những người vợ, người mẹ khác như chị Lê Thị Tám ở thôn Thành Công hay Hoàng Thị Thương thôn Đại Bắc và hàng chục người có chồng không bao giờ trở về sau những lần ra khơi. Chỉ cần một con tàu cá ở đâu đó gặp nạn, là nỗi đau bao trùm lên cả cộng đồng. Trong những ngôi làng nhỏ nghiêng bên bờ sóng, có những ngày cả làng chung giỗ. Biển còn mặn mòi vì nước mắt của quê hương. Nhưng nói như Thuyền trưởng Nguyễn Văn Minh, chủ tàu cá NA 90802 TS, thì phải gạt tình riêng mà ra khơi. Ấy thế nên mấy khi bố anh cũng như nhiều người khác được làm giỗ đúng ngày. Bởi một lẽ, nếu ngày giỗ người thân trùng với dịp tối trời thì đành xin vong linh người đã khuất tổ chức vào dịp trước hoặc sau. “Ông cha cũng hiểu mà bỏ quá cho. Chẳng phải chuyện kiếm tiền hay mưu sinh, cũng vì cái nghiệp, cái nghề, vì tiếng biển cả thôi” - anh Minh chia sẻ.
 
Vậy nên đời nối đời những trẻ trai miền biển khi sinh ra đã biết nghe tiếng sóng vỗ trước khi cất tiếng khóc. Đời cha… đời chú… đời anh… đi biển, đời em lại tiếp nối. Dẫu cho rải rác khắp các vùng quê ven biển thi thoảng lại đắp thêm một vài ngôi mộ gió để chở che những linh hồn phiêu dạt không còn xác thân trở về. Chẳng phải vì tiếc mẻ cá hay lát lưới mà đó thực sự là đam mê, khát vọng với nghề, với biển, trách nhiệm trước gia đình và quê hương.
 
Trở lại cuộc hành trình trên con tàu NA 90686 TS do Thuyền trưởng Trần Xuân Khai làm chủ cùng 14 thuyền viên. Chúng tôi  đùa với họ rằng, tàu này là tàu “ngư kiều”. Bởi lẽ tàu có 15 thành viên thì có tới 12 người đã từng tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Những Đài Loan, Malaysia, Hà Quốc, Guam… Ngay như Thuyền trưởng Trần Xuân Khai, anh đã có 3 năm tham gia lao động ở Đài Loan, em trai anh là Trần Xuân Lai, một thuyền viên trên tàu cũng từng 2 lần bôn ba “hải ngoại” ở Đài Loan và Hàn Quốc.
 
Nhắc đến chuyện này, không khí trên tàu sôi động hẳn lên. Lão ngư Nguyễn Công Bảy cười đến chảy nước mắt nói: “Tàu ta có mấy người đã từng làm việc ở Mỹ đấy. Xin giới thiệu “đại ca” Trí từng hoạt động trong lực lượng nghề cá Hoa Kỳ”.Thuyền viên có tên Trí cười giải thích: “Tui trước đây có đi xuất khẩu lao động ở đảo Guam một thời gian, sau chán với lại nhớ nhà quá nên về”. Ấy là lão Bảy “vin” vào việc đảo Guam từng là thuộc địa và căn cứ quân sự của Mỹ để đùa trêu mọi người. 
 
Thực tế có rất nhiều ngư dân vùng biển đã và đang tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Thị trường lao động được lựa chọn thường là Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia. Bởi lẽ người dân vùng biển đi lao động nước ngoài thường không được đào tạo về nghề, trình độ văn hóa thấp lại không đồng đều nên họ chỉ phù hợp với hoạt động lao động trên biển - thứ mà họ có sẵn. Tuy vậy, khi sang làm thuê cho các công ty, chủ tàu khai thác hải sản ở nước ngoài đã có rất nhiều người bị hành hạ, đánh đập và thậm chí bị lừa gạt tiền công. “Đó chưa bao giờ là bức tranh sáng sủa” - Nguyễn Duy Định cho biết. Định cũng từng là lao động nghề cá ở Guam nên anh quá hiểu thân phận của người làm thuê trên những con tàu khai thác cá ngừ lênh đênh hết năm này đến tháng khác trên đại dương mênh mông. Mọi người trên tàu đều cho rằng, người Việt mình sáng dạ, chăm chỉ. Trên biển việc gì cũng làm được, nhưng ra nước ngoài mình chỉ như quả chanh vắt kiệt nước. Đã thế, ngoại ngữ không biết, chỉ học mót được từ “hê lô”, ai giỏi hơn thì thêm từ “thanh kiu”.
 
Thuyền viên Nguyễn Duy Định, người từng có thời gian đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, Đài Loan và đảo Guam
Thuyền viên Nguyễn Duy Định, người từng có thời gian đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, Đài Loan và đảo Guam
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quỳnh Lưu, nếu như năm 2013 toàn huyện có khoảng 900 người đi nước ngoài theo diện xuất khẩu lao động, thì năm nay chỉ có 400 người. Có thể mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng thực tế cho thấy số người trở về nước tham gia hoạt động khai thác đánh bắt xa bờ đang có chiều hướng tăng lên. Trần Văn Thía, thuyền viên tàu NA 90802 TS cho biết, bố anh mất trong một lần đi khơi, gia đình rất khó khăn. Với mong muốn đổi đời, năm 2005 gia đình anh đã chạy vạy, vay mượn để Thía được sang Đài Loan lao động. Thời điểm đó, lương Thía chỉ được 1,2 triệu đồng/tháng. Lương thấp, lao động cực nhọc 7 năm ở xứ người, Thía trở về quê gần như trắng tay. Về nước Thía trở lại gắn bó với nghề đánh bắt xa bờ, sau 2 năm anh đã xây được nhà. Mỗi năm đi biển đem lại cho Thía nguồn khu nhập hơn 200 triệu đồng. 
 
Thực tế còn cho thấy việc tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài đối với ngư dân ở huyện Quỳnh Lưu không chỉ để được “vinh thân”, mà còn mang một ý nghĩa lớn lao hơn. Ông Trần Quang Vệ - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long cho rằng, trước đây khi hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản còn manh mún, đời sống của người làm nghề đi biển khó khăn nên việc tham gia thị trường lao động ở ngoài nước là một giải pháp về việc làm và thu nhập. Bên cạnh đó, hoạt động này còn hướng tới mục tiêu chuyển đổi nghề biển từ nhỏ lẻ, thủ công sang tập trung hiện đại, đồng thời góp phần rèn luyện kỷ luật, kỹ năng lao động cho ngư dân.
 
Theo Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long, quan trọng hơn cả là ngư dân sau khi từ nước ngoài về đã có thêm nguồn vốn để đầu tư và tái đầu tư vào hoạt động khai thác thủy, hải sản, đánh bắt xa bờ. Rất nhiều người trong số đó đóng được thuyền to, máy lớn, tham gia cổ phần trong nghề vươn khơi, bám biển. Ông Trần Quang Vệ còn cho biết, điều đáng mừng hơn nữa là nếu như trước đây mỗi năm xã Quỳnh Long có từ 230-240 người đăng ký xuất khẩu lao động thì nay chỉ còn khoảng 150 người, giảm trên 25%. “Đây thực sự là tín hiệu rất vui khi bà con nhận thấy nghề đi biển ở trong nước đã phát triển mạnh, thu nhập cao và chính ngư dân đã góp phần tạo ra điều đó”  - ông Vệ nói.
 
Xu thế phát triển của nền kinh tế biển đã và đang đặt ra những thách thức cho ngành đánh bắt và khai thác hải sản xa bờ. Hơn ai hết, người ngư dân Nghệ An hiểu rất rõ điều này. Ở huyện biển Quỳnh Lưu đã có những con tàu công suất lên đến cả ngàn sức ngựa được đóng mới, hạ thủy. Đúng vậy, chỉ có tàu to, máy lớn với trang bị hiện đại mới đủ sức vươn mình ra khơi xa, con tôm con cá đánh bắt được cũng mang lại giá trị cao hơn. Vị thế, vai trò của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông nhờ vậy trở nên rõ ràng và bình đẳng hơn. Hướng ra biển, đáp lời biển gọi cũng là đáp lời non nước thiêng liêng.
 
(Còn nữa)
Năm 2014, toàn tỉnh Nghệ An có 12.366 người đi xuất khẩu lao động, nhiều hơn so với năm 2013 là 666 người. Các huyện ven biển có khoảng 5.000 người đi xuất khẩu lao động. Trong đó, TX. Cửa Lò có 540 người, Diễn Châu có hơn 1.000 người, Quỳnh Lưu gần 900 người, Nghi Lộc 1.200 người, TX. Hoàng Mai có hơn 300 người đi xuất khẩu lao động. Trên bình diện chung, số lượng người đi xuất khẩu lao động của các huyện đồng bằng ven biển có tăng lên, tuy nhiên số lượng con em ngư dân ở các xã ven biển đang giảm xuống. Hiện nay, đang có hàng trăm ngư dân từng đi xuất khẩu lao động, làm thuyền viên trên các tàu cá của Hàn Quốc, Đài Loan trở về bám biển, vươn khơi.

Đào Tuấn - Nguyên Khoa

 

Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/kinh-te/201505/ngu-dan-nghe-an-vuon-khoi-bam-bien-ky-4-bien-goi-611943/



  Các Tin khác
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65176149

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July