(Baonghean) - Chỉ là say với nghề biển, cái nghề “cha ông mình để lại, mình phải giữ; biển của mình, mình cứ đánh bắt, sợ chi ai…” - đó là trải lòng của các ngư dân sau khi cười và gạt đi cách gọi thán phục của chúng tôi rằng họ là những “kình ngư “hay những “sói biển” lão luyện...
Cuộc hành trình của chúng tôi trên ngư trường Vịnh Bắc bộ thực sự mang lại nhiều trải nghiệm thú vị. Mỗi lần con tàu NA 90686 TS đi qua một tọa độ mới trên hải đồ lại mang đến cho chúng tôi những xúc cảm khác nhau. Hóa ra biển không rộng lớn đến thế. Chúng tôi thường xuyên bắt gặp và được trò chuyện với những người bạn đồng hành trên các chuyến tàu cùng rẽ sóng vươn khơi. Ngày thứ 4 của hành trình, chúng tôi ngỏ ý với thuyền trưởng Trần Xuân Khai muốn được “quá giang” trên một con tàu khác, đương nhiên anh vui vẻ nhận lời.
Ngư dân Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) đánh vây ở Vịnh Bắc bộ. |
Khai cầm lấy bộ đàm và liên tục hỏi: “Sớm ở đâu vậy? Sớm. Sớm”. Chỉ vài phút, đầu dây bên kia bắt liên lạc trả lời: “Sớm đây! Ai vậy?”. “Chú Khai đây. Cháu đâu vậy?”. “Cháu đang ở mười chín ba tư”. “Cháu chạy lên mười chín bốn bảy được không? Chú có việc nhờ tý!”. “Được!”. Vậy là từ 19 độ 34 phút vĩ Bắc con tàu mà thuyền trưởng Trần Xuân Khai liên hệ đã đến tọa độ theo đề nghị. Và đó là tàu chúng tôi bước lên để nối tiếp hành trình. Tạm biệt thuyền trưởng Khai tốt bụng cùng 14 thuyền viên vui tính, chúng tôi thụp ngồi trên chiếc nốc thúng để chuyển tàu. Trời nắng chói chang. Gió mạnh, những con sóng như muốn nuốt chửng chiếc thúng nan nhỏ nhoi... Khá lóng ngóng, rồi chúng tôi cũng lên được con tàu mới.
Ấn tượng đầu tiên chính là người lái tàu. Trẻ trung, rắn rỏi và có cái tên khá lạ: Nguyễn Văn Sớm. Chàng trai 29 tuổi có khuôn mặt điển trai này là thủ lĩnh đầy kinh nghiệm của con tàu cá 500 mã lực với trị giá 3,5 tỷ đồng. Vặn nhẹ bánh lái theo hướng hải đồ, Sớm tâm sự với chúng tôi về chuyện đời, chuyện nghề, về cái nghiệp với biển cả cứ như một lão ngư dạn dày sóng gió. Cả nhà đều theo nghiệp biển. Đời cha, đời ông đã mong muốn con cháu mình cũng sẽ theo nghiệp này. Ngay cả trong cách đặt tên cũng chứa đựng những thời khắc đặc biệt trên biển. Bố của Sớm tên là Sáng, em trai ruột của cậu tên là Chiều. Ông nội tên Lừng… Dân biển vùng bãi ngang, ai cũng nói Sớm là tay “thợ săn thiện chiến” trên biển. Dường như Sớm sinh ra để đi biển, còn anh vẫn tự hào là biển cả đã chọn mình. 15 tuổi đã theo tàu đi vẹt, 17 tuổi trở thành tài công, thay thuyền trưởng cầm bánh lái điều khiển tàu. Ngày đó, thuyền viên trên con tàu đánh vây ai cũng nể phục cậu tài công mới lớn. Sớm sành sỏi nghề vây và rành con tàu hơn cả lòng bàn tay mình. Từng mũi dây, mắt lưới, từng sợi cáp, cần nâng, rồi hướng gió, chần sao, ngửi mùi sóng... đều nằm trong tầm kiếm soát của anh. Năm 25 tuổi, chàng trai làng biển ấy đã trở thành thủ lĩnh của con tàu 500 sức ngựa với 16 thuyền viên. Sớm cùng con tàu đã dọc ngang khắp Vịnh Bắc bộ, đánh bắt cá nơi tiếp giáp với Hoàng Sa...
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Sớm đang điều khiển tàu. |
Thấy khách háo hức với chuyện đánh vây, thuyền trưởng Sớm đưa bánh lái cho tài công, pha ấm trà đặc ra ngồi trên boong tàu tiếp chuyện. Biển chiều. Gió lồng lộng. Rít điếu thuốc lào, phả hơi chầm chậm, Sớm lim dim nhìn về ráng mặt trời lặn. Sớm tâm sự, đời ngư phủ quanh năm đi tìm cá. Giữa sóng nước trùng khơi, phải luôn giữ được cái đầu lạnh và trái tim nóng, đam mê nhiệt huyết với biển thì tổ nghề đãi. Thanh niên nghề biển thường nghỉ học sớm nên vốn kiến thức trong sách vở không được nhiều. Nhưng, họ cũng lại là những người tháo vát, nhanh nhẹn, dám nghĩ, dám làm và có chất ngang tàng, rắn rỏi của những người ăn sóng, nói gió. Sớm vẫn nhớ như in kỷ niệm lần đầu tiên chỉ huy đánh vây trên biển với tư cách thuyền trưởng của mình.
...Đó là một ngày trời yên biển lặng tháng 3, sau lễ cầu an vào chính ngọ, con tàu của những chàng trai 25 tuổi chầm chậm ra khỏi Lạch Quèn, từ từ vượt qua đỉnh núi đầu trâu, rồi đầu rồng rồi tiến thẳng ra Vịnh Bắc bộ. Lần đầu tiên điều khiển 1 con tàu lớn với 16 thuyền viên đã dạn dày kinh nghiệm, người thuyền trưởng trẻ tuổi không khỏi cồn cào ruột gan. Suốt 2 ngày 2 đêm Sớm không hề chợp mắt. Anh có thể rành rọt tất thảy về con tàu vây, nhưng khi đứng ở vị trí thuyền trưởng, mọi thứ hoàn toàn khác. Ai còn tin mình nếu ra quân thất bại. Biển giả, xảy ra sự cố, làm sao gánh nổi. Luồng suy nghĩ của Sớm chỉ dừng lại khi chiếc máy dò ngang báo hiệu một đàn cá tấn lớn ngay dưới thân tàu. Sớm quyết định buông dù, lên đèn để thả vây. Mọi thao tác đều rất thuần thục. Anh em thuyền viên trẻ rất hăng hái. Thế nhưng, mẻ lưới hôm đó, tàu chỉ được hơn 1 tạ cá. Không hiểu điều gì đang xảy ra. Mãi sau gần 1 ngày Sớm mới trấn tĩnh lại được. Nguyên nhân là do khi tiến hành vây đàn cá dây pheng và chì không diễn ra nhịp nhàng, cá bị đánh động, ra hết.
Sau lần đó, Sớm quay tàu vào bờ, tìm đến những lão ngư dạn dày trong nghề đánh vây để tìm hiểu. Cuối cùng, anh quyết định đầu tư 160 triệu đồng, mua bộ dây bo. Loại dây thừng đặc biệt, phải đặt nhà máy sản xuất riêng bởi bên trong dây có tới 6 lõi chì. “Đây là loại dây dùng để thắt đáy - một cải tiến độc đáo của ngư dân Quỳnh Long. Người sáng tạo ra loại dây và cách làm này chính là chú ruột của em, chú Nguyễn Văn Minh”, Sớm tâm sự. “Có phải là anh Minh lừng - người đi biển lừng danh”, chúng tôi hỏi tiếp. Sớm gật đầu.
Đưa cá vào khoang bảo quản. |
Ra là vậy, chàng thuyền trưởng dạn dày sương gió chưa đến 30 tuổi này chính là cháu ruột (gọi chú) của người đã đưa nghề vây về xứ Nghệ và trở thành người đi biển nổi danh nhất miền Bắc hiện nay. Anh Minh được ngư dân Quỳnh Long suy tôn là ông tổ nghề vây. Những năm 2000, khi cả làng đang đi giã cào, rê lưới, anh đã vào tận Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi để học nghề vây và mạnh dạn đóng tàu, sắm ngư cụ đi vây. Anh cũng là người đầu tiên ở Việt Nam có những sáng tạo độc đáo cho nghề vây như lắp thêm máy tời đáy, trục nâng lưới, cáp thu phao, cáp néo, dây bo đáy... Điều này đã giảm được sự vất vả cho thuyền viên và các lao động, đồng thời hiệu quả khai thác, đánh bắt đạt ở mức tối đa. Cải tiến ngư cụ đến đâu, Minh Lừng đều trao lại hết kinh nghiệm cho bà con đến đó. Đặc biệt, nhất là những ngư dân ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định - nơi mà Minh từng khăn gói vào học đánh vây nay lại quay ngược ra Nghệ An, tìm Minh Lừng để học hỏi sáng kiến, kinh nghiệm. Trong 15 năm qua, từ con số 0 tròn trĩnh, đến nay, Minh Lừng đã trở thành người đánh vây giỏi nhất miền Bắc, nếu không muốn nói là nhất cả nước…
Từ câu chuyện của Sớm của Minh “Lừng”, chúng tôi chợt thấy, những câu chuyện về thủ lĩnh đánh vây ở xứ Quỳnh đều nhuốm màu huyền thoại. Nếu như Minh Lừng là người đưa nghề vây về xứ Nghệ, thì ông Trần Quang Vệ, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long là người có công trong việc phát triển nghề vây. Ngày đó, khi vừa nhận chức Chủ tịch UBND xã, ông Vệ đã ứng 22 triệu đồng, thuê ô tô đưa 42 hộ dân ra học nghề đánh vây ở xã Quảng Tiến, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ít năm sau, chính những ngư dân biển Quỳnh trở lại xứ Thanh và mua hết ngư cụ của đội thuyền vây Quảng Tiến khi người dân ở đây gặp khó khăn trong khai thác vì không cải tiến kỹ thuật phù hợp với ngư trường. Sau đó, trong suốt 2 nhiệm kỳ giữ cương vị Chủ tịch UBND xã của mình, ông Vệ còn vận động để tổ chức các hoạt động khuyến ngư, tập huấn kỹ thuật, kỹ năng cho bà con, khuyến khích, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn, sắm tàu to, máy lớn để vươn khơi đánh bắt xa bờ.
Lâu nay, trong quá trình tác nghiệp, được tiếp xúc với những cái tên nổi tiếng của vùng biển bãi ngang, tôi vẫn ví những người như Minh Lừng, Trần Quang Vệ là những “sói biển”. Nhưng trên con tàu vây của Nguyễn Văn Sớm, chúng tôi lại được gặp những... con hổ biển! Bởi, trên tàu, không riêng gì thuyền trưởng mà có tới gần 10 thuyền viên đều sinh năm Bính Dần 1986, cầm tinh con hổ. Ở đó, đều có những con người điển hình cho một thế hệ ngư dân mới. Nếu như Nguyễn Văn Sớm là người thủ lĩnh với tài năng thiên bẩm, thì thuyền viên Nguyễn Văn Hùng lại là một thủy thủ tài ba với thâm niên 16 năm đi biển, trong đó có 14 năm đứng thúng đánh vây. Trên con tàu trẻ này còn có những thợ máy chưa học hết phổ thông, nhưng chỉ nghe tiếng nổ là bắt mạch được bệnh; những tài công điệu nghệ, những thuyền viên đón tăm cá cừ khôi. Tất cả đều còn rất trẻ, là tiêu biểu của thế hệ 8X ngư dân vùng biển Quỳnh...
Câu chuyện của chúng tôi với người thuyền trưởng trẻ và các thủy thủ kéo dài gần nửa đêm, cho đến khi Sớm ra lệnh thả dù, đánh điện. Nhìn lên tọa độ, chúng tôi mới biết mình đã ở vùng biển của tỉnh Quảng Bình. Đêm đánh vây lại tiếp tục. Tiếng máy phát điện chạy phành phành rộn rã, tiếng máy cẩu, tiếng thả dây pheng, neo lưới lại nhộn nhịp giữa trùng khơi. Lại nhớ lời của thuyền trưởng Nguyễn Văn Sớm: “Lâu nay mọi người cứ ồn ào về những phức tạp ngoài khơi. Thực lòng anh em đi biển không ai ngại cả. Biển mình, mình đánh bắt sợ chi”.
Ký sự: N.Khoa - Đ.Tuấn
Để giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, trong những năm qua, lực lượng kiểm ngư vùng I và Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An đã liên tục tổ chức tuần tra, kiểm sát, giám sát việc thực hiện Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc tại vùng đánh cá chung vịnh Bắc bộ. Mới đây, từ ngày 19 - 26/5/2015 Chi cục Kiểm ngư vùng I và các Chi cục Khai thác & BVNL thủy sản các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã tiến hành tuần tra kiểm soát trên vùng nước Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc. Kết quả, đã quan sát 389 tàu cá, kiểm tra 113 phương tiện và phát hiện 20 chiếc vi phạm quy định. Ngày 25/5, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện 4 tàu cá với 50 lao động mang quốc tịch nước ngoài đánh bắt trên vùng biển Việt Nam. Trong đó chỉ 1 tàu cá có giấy phép đánh bắt trên vùng đánh cá chung. Khẳng định các tàu cá này không có giấy tờ theo quy định, vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam để đánh bắt hải sản, biên phòng Quảng Bình đã lập biên bản và phóng thích 4 tàu cá cùng 50 lao động ra khỏi vùng biển Việt Nam. |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/kinh-te/201505/ngu-dan-nghe-an-vuon-khoi-bam-bien-ky-3-nhung-kinh-ngu-lang-bien-611597/