(Baonghean) - Hơn 50 năm qua, người dân Vĩnh Thành (Yên Thành) tự hào được đón Bác về thăm, đó là nguồn động viên lớn lao để mỗi người dân nơi đây bền bỉ lao động, phát huy sáng tạo. Người dân Vĩnh Thành không còn chỉ biết “trông trời, trông đất” nữa, mà đã biết trông cậy vào bàn tay chính mình, không chỉ làm nên những mùa vàng mà còn tạo dựng được thương hiệu “Gạo xứ Nghệ”…
Chúng tôi về Vĩnh Thành những ngày tháng Năm đầy nắng. Cảm nhận trong bình yên làng mạc, có tất cả những rộn rã của đổi thay. Này đường làng, ngõ xóm phong quang, này nhà cao mới xây, này những đồng lúa đang lên hương. Tại Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm, những lời căn dặn của Người trong buổi nói chuyện thân mật với cán bộ, xã viên và các cháu thiếu niên, nhi đồng trong lần về thăm HTX Vĩnh Thành ngày 10/12/1961 được lược ghi và lưu giữ đầy trang trọng.
Đọc lại những lời căn dặn ấy, thấy dường như vẫn vẹn nguyên giá trị thực tiễn. Bác khen HTX có nhiều thành tích, song Bác nhắc nhở HTX Nông nghiệp Vĩnh Thành cần làm tốt hơn nữa một số việc trong thời gian tới, đó là thủy lợi, vệ sinh môi trường, thời vụ, phân bón, cải tiến nông cụ, sự đoàn kết của ban quản lý có vai trò to lớn để HTX phát triển… và nhân rộng hơn nữa các điển hình tiên tiến. Trong mỗi lĩnh vực, Bác đều phân tích rõ để mọi người dễ hiểu. Ví như, với nông cụ, Bác nói: “Cải tiến nông cụ ở đây có làm, nhưng chưa được khá lắm. Muốn tăng gia sản xuất phải cải tiến nông cụ. Bác nói một ví dụ, trước đây cày một đám ruộng phải 4 người làm trong 1 ngày mới xong, nay với nông cụ cải tiến, 1 người làm trong 1 ngày, như thế 1 người có thể làm bằng 4 người… Có cày cải tiến rồi thì phải có bừa cải tiến, có máy cải tiến để ruộng khỏi chờ, lại phải có máy gặt cải tiến, có máy tuốt lúa... Toàn diện là như thế, thiếu một khâu là không được rồi”.
Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành (Yên Thành). |
Từ buổi nói chuyện của Người hơn 50 năm trước, bà con Vĩnh Thành luôn “khắc cốt ghi tâm”. Anh Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành cho hay: “Soi chiếu những lời dạy ấy để hôm nay chúng tôi làm nông thôn mới”.
Đầy hào hứng, anh kể rằng: Bằng nhiều nguồn đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của người dân, Vĩnh Thành đã có trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc của xã và nhiều công trình phúc lợi khác được xây dựng kiên cố, khang trang. Trong tiến trình xây dựng NTM, mặc dù địa phương chưa hoàn thành 19 tiêu chí, nhưng với mục tiêu làm đến đâu chắc đến đó, đến nay Vĩnh Thành đã đạt 14/19 tiêu chí. Một số tiêu chí khó khăn nhất như: giao thông thủy lợi, vệ sinh môi trường, thu nhập đầu người… từng bước tiến dần về đích. Trong tiêu chí thu nhập, địa phương chú trọng mũi nhọn vào công tác xuất khẩu lao động. Bằng cách xã phối hợp với các công ty XKLĐ có uy tín, giúp người dân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, nên con em đi XKLĐ ngày càng nhiều. Hiện nay toàn xã có trên 600 con em Vĩnh Thành đang lao động tại các nước: Hàn Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc, Đài Loan, Malaysia… Mỗi năm lượng kiều hối từ nước ngoài gửi về địa phương trên 55 tỷ đồng. Kinh tế hộ ngày càng ổn định, là tiền đề cho người dân tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay 95% chiều dài tuyến đường liên xóm đã được đổ bê tông, cùng với ý thức của người dân, vệ sinh môi trường tại các thôn, xóm được thu dọn sạch sẽ. Cùng với các tuyến kênh mương do huyện quản lý đã được xây dựng kiên cố hóa, hệ thống thủy lợi nội đồng cũng được địa phương đầu tư xây dựng, tiết kiệm nước tưới, chủ động nguồn nước chăm sóc cây trồng. Vì thế nông dân ở đây nhiều năm nay đăng ký với các công ty sản xuất lúa giống; thay thế dần các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng thấp bằng các giống lúa thuần chất lượng cao. Năng suất lúa của Vĩnh Thành hàng vụ đạt 70 tạ/ha, là một trong những địa phương có năng suất lúa đạt cao nhất huyện. Đà phát triển toàn diện trên các lĩnh vực là cơ sở để Vĩnh Thành đặt mục tiêu hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM vào năm 2016.
Nói rồi, anh Hùng hỏi chúng tôi, chắc là đã biết nhiều về người con Vĩnh Thành Phan Văn Hoà? Anh nói, với người Vĩnh Thành, thì ông ấy là niềm tự hào, được bà con trìu mến gọi là “nhà khoa học chân đất”. Mà đã về đây rồi, thì gặp “lão nông Hoà” trên chính đất Vĩnh Thành sẽ có nhiều chuyện hay.
Chúng tôi gặp nhà khoa học “chân đất” vừa lúc ông thay mặt Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa nhận giải Bạc chất lượng quốc gia về thương hiệu gạo của mình. Vẫn giản dị như bao người quê khác, lối nói chuyện cởi mở mà mộc mạc: “Ồ, gọi mình là lão nông là trúng phoóc đấy nhé! Quê mình, ai chẳng là nông dân. Từ đời cha, đời ông và chắc hẳn bao đời trước nữa, đã gắn với cái cày, cái cuốc, con trâu. Nhưng không lẽ, nông dân là chỉ biết đơn thuần cái việc đi sau con trâu, cái cày? Vì sao quê mình được xem là vựa lúa mà chưa có nổi giống lúa thuần có năng suất, chất lượng cao?” Chính câu hỏi đó đã vang lên trong đầu “lão nông tri điền” Phan Văn Hoà, để thúc giục ông thành lập một công ty, dày công tạo ra giống lúa mới và bắt đầu con đường tự học của mình. Học để có thể làm “một nông dân thực thụ”, nắm bắt mọi kỹ thuật trồng trọt và sáng tạo, cải tiến từ giống má cho tới nông cụ.
Ông nhớ lại, ngày mình lên 4 tuổi được theo mẹ đến xem Bác Hồ nói chuyện với bà con quê mình trong khuôn viên sân trường học. Trong ký ức của cậu bé ấy, chỉ còn đọng lại niềm xúc động. Để rồi khi lớn lên, ông nuôi lớn niềm tự hào. Sau khi xuất ngũ về địa phương với hàm thượng úy, bệnh binh 2/3, ông lại về bám đồng bám ruộng. Năm 2001 ông mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa, với mục tiêu nghiên cứu, sản xuất giống lúa, kinh doanh sản xuất lúa sạch và chế biến gạo an toàn. Để có diện tích đất do mình làm chủ, phục vụ sản xuất giống tại chỗ, ông nhận khoán 11 ha đất hoang hóa, nhiễm mặn, đầy hố bom của địa phương, đầu tư khai hoang thành những đám ruộng ưng ý để sản xuất giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng. Tuy nhiên, do sử dụng nông cụ thô sơ là cái cày với con trâu, nên lúa cấy không kịp thời vụ, vì vậy dẫn đến lỗ vốn.
Thời điểm đó kinh tế gia đình kiệt quệ, đến nỗi căn nhà ở của gia đình cũng phải phát mại. Đã có những lúc, người nông dân ấy bó gối ngồi ngẫm nghĩ và thấm thía nỗi đau. Một trong vô vàn lần dạo bước đến Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm, ông đã đọc đi đọc lại lời căn dặn cần phải cải tiến nông cụ. Ông Hoà như bỗng tìm ra “lối gỡ” cho mình. Ông tiếp tục vay tiền ngân hàng, sang tận Trung Quốc tìm mua máy làm đất để cơ giới hóa đồng ruộng của mình... Từ “nông cụ” ông lại nghĩ đến giống lúa thuần vừa đảm bảo sản lượng, vừa có chất lượng cao phục vụ bản thân và nông dân Yên Thành.
Ông cất công ra Hà Nội tìm gặp cố Giáo sư - Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng để được giúp đỡ nghiên cứu làm giống lúa thuần chất lượng cao. Và trong số 212 bộ giống mới được cấy thử nghiệm tại ruộng, ông đã tìm ra giống lúa thích hợp nhất là AC5. Khẳng định được giống lúa AC5 trên đồng đất Yên Thành, Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa mở rộng diện tích, bằng cách phối hợp với nông dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Ninh Bình và Quy Nhơn để sản xuất lúa AC5 làm thương hiệu. Có giống lúa tốt, chất lượng cao, nhưng làm sao để có gạo sạch, gạo an toàn cho người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, để người nông dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm?”. Thế là người nông dân ấy vẫn chưa chịu “dừng lại”...
Nhà khoa học “chân đất” Phan Văn Hòa với sản phẩm “Gạo xứ Nghệ”. |
Công ty của ông Hòa bắt tay vào việc thực hiện quy trình sản xuất khép kín. Đó là, cung cấp giống lúa, phân bón, hướng dẫn chỉ đạo quy trình kỹ thuật chăm sóc lúa cho bà con nông dân. Cuối vụ thu hoạch, Công ty thu mua toàn bộ sản phẩm lúa cho bà con. Trước đó, bản thân ông Hòa mang gạo AC5 ra tận Hà Nội để kiểm tra dư lượng chì, dư lượng thuốc trừ sâu và các yếu tố khác theo quy định của tiêu chuẩn Việt Nam. Ông Hòa cười nói: Lúc đó nhiều cán bộ ở Cục Đo lường chất lượng thấy việc làm “lạ” của một lão nông xứ Nghệ đều ngạc nhiên và nhận giúp đỡ một cách tích cực có trách nhiệm.
Năm 2006, Công ty bắt đầu bán thăm dò thị trường gạo AC5 mang thương hiệu “Gạo xứ Nghệ”. Đến nay mỗi năm Công ty xuất bán trên 2 nghìn tấn gạo AC5 mang thương hiệu “Gạo xứ Nghệ”. Từ chỗ lao động sản xuất, phơi phong, cất làm lương thực dự trữ theo tập quán truyền thống cũ, nay người dân đã biết và dám sản xuất, sơ chế lúa hàng hoá chất lượng cao. Đó là minh chứng bà con đã thoát nghèo một cách bền vững, đang từng bước vươn lên làm giàu ngay trên ruộng đồng của mình. Không chỉ có sản phẩm gạo AC5, nay Công ty còn có thương hiệu “Gạo xứ Nghệ” nổi tiếng với giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1, chất lượng cao do Công ty TNHH Vĩnh Hoà nghiên cứu chọn tạo.
Và mảnh đất Vĩnh Thành, với những con người không chỉ siêng năng, cần cù, mà còn giàu sáng tạo, trăn trở ấy chắc chắn sẽ còn làm nên nhiều kỳ tích nữa.
Xuân Hoàng
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201505/dat-va-nguoi-noi-bac-ve-tham-608148/