(Baonghean) - Làng Sen, tháng Năm. Đã có một mùa lễ hội mừng sinh nhật Người, giữa náo nức đoàn người diễu hành, giữa rực rỡ sắc màu của cờ hoa, giữa rộn rã tiếng chiêng, trống, tôi chợt nhận ra một Nam Đàn đang khởi sắc, nhưng vẫn yên bình và ấm áp đến nao lòng, khi một điệu ví được cất lên trên sân khấu với giọng hát mượt mà của một nghệ nhân.
Tôi thốt nhiên thấy nghẹn ngào. Như thể giữa bao nhiêu gấp gáp của cuộc sống hôm nay, câu ví là “dòng sông vỗ sóng gọi ta về”. Tôi nhớ đến Bác Hồ, đến câu chuyện “trước lúc Người đi xa”. Tôi hình dung nỗi mong mỏi, khát khao phút ấy của Người: được nghe một câu ví! Như bao người con xứ Nghệ, Bác sinh ra, được nuôi dưỡng bởi ví giặm. Cả một đời quên mình đấu tranh giành độc lập cho dân tộc cũng là để bảo vệ cho những điều tốt đẹp, ấm áp và bình yên như ví giặm. Và đến lúc đi xa, Người muốn được đắm chìm trong làn điệu ấy. Ví giặm là nơi sinh ra, cũng là nơi Bác mong mỏi tìm về. Ví giặm chính là quê hương của Người!
Quê hương ấy, thân thuộc như bao miền quê khác, có những hàng cau cao vút trước sân; hàng rào hoa râm bụt đỏ; cái giếng nước trong trẻo mạch nguồn, chiếc liếp cửa đan bằng tre che nắng trước hiên. Đã bao lần, tôi đứng lặng trước cánh võng đay ngỡ như đang chao nghiêng theo nhịp gió đồng. Có phải không, cánh võng ấy năm nào theo cánh tay đưa của người mẹ tảo tần, để từ lồng ngực nhân từ và yêu thương của Mẹ, cất lên tiếng hát ru. Mẹ ru Kiều, Mẹ ru Chinh phụ ngâm, Mẹ ru bằng ví, giặm…
Dưới mái đình Làng Sen. Ảnh: Trần Hải |
Quê hương ấy, có tuổi thơ Người, giờ như vẫn còn vi vút tiếng sáo diều trên núi Chung. Có chàng trai “ theo phường đi nghe hát, quần xắn gối đứng đầu sân” những đêm phường vải để lòng quặn thắt nỗi dân mất nước, lầm than.
Hẳn rằng, trong bước đường xa xứ, theo sau gánh gồng của Mẹ khi vào Huế cùng cha, hay sau này, trên con tàu lênh đênh tìm con đường cứu nước, những câu ví giặm quê nhà, lời mẹ ru thưở nhỏ đã là nỗi nhớ bỏng rát trong trái trái tim Người. Để sau này, Bác của chúng ta- khi đã trở thành một chính khách lỗi lạc, trong các ứng xử ngoại giao quốc tế hay giữa các diễn văn quan trọng, vẫn thỉnh thoảng lẩy Kiều thật linh hoạt, dí dỏm mà sâu sắc như: “Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay / Mối tình đoàn kết càng ngày càng sâu” hay: “Trăm năm trong cõi người ta/ Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua” . Nghe nghệ sỹ Minh Huệ của Đoàn Đoàn Văn công Quân khu 4 ra hát mừng sinh nhật Người 79 tuổi, khi chị hát điệu ru: “Ru em, em ngủ cho muồi”, Bác đã sửa lại: “Ru tam, tam théc cho muồi”. Sau những năm bôn ba hải ngoại với vốn ngoại ngữ thông thạo nhiều thứ tiếng, Bác vẫn giữ nguyên giọng nói miền Trung trầm ấm như hơi thở đồng quê. Rồi trước lúc đi xa, Người muốn nghe một câu ví giặm…
Thưa Bác! Làn điệu dân ca ru Người năm xưa đó đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được thế giới công nhận. Di sản ấy đã, đang được giữ gìn, lan toả. Mỗi dịp sinh nhật Người, “Liên hoan tiếng hát Làng Sen” đều được tổ chức, để mong dâng lên Người câu hát quê hương. Và Làng Sen- quê chung hôm nay lại náo nức, bồi hồi những bước chân tìm về. Như nhà thơ Xuân Hoài đã viết:“Bỗng nghe tiếng nói trăm miền / Khi con bước đến làng Sen, làng Chùa…/ Bước chân bè bạn năm châu / Đứng gần nhau, xích gần nhau lối này”. Câu ví nào cất lên, để hương sen tháng Năm nở bừng trên mảnh đất xứ Nghệ khô cằn nắng gió nhưng cũng đẹp đẽ mơ màng như ánh trăng đêm phường vải…
P.V
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/xa-hoi/201505/huong-toi-ky-niem-125-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-va-le-hoi-lang-sen-2015-nho-nguoi-trong-cau-hat-que-huong-608121/