Suốt hơn 10 năm nay, không kể nắng mưa, người phụ nữ nghèo ấy đều đặn có mặt tại cổng trường lúc tan học để đưa học sinh qua quốc lộ. Công việc lặng thầm mà vĩ đại ấy của bà đã giúp quãng đường ấy chưa bao giờ xảy ra tai nạn với các cháu học sinh.
Bà cẩn thận quan sát trước khi đưa từng nhóm học sinh sang đường.
"Vác tù và hàng tổng"
Không khó để gặp được bà, bởi cứ gần 11h trưa, đúng giờ tan trường, bà sẽ cầm chiếc gậy tre, đứng sẵn bên mép đường quan sát dòng xe cộ ngược xuôi, chờ khi an toàn nhất sẽ lần lượt đưa từng nhóm học sinh bé nhỏ của Trường Tiểu học Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) băng qua quốc lộ 1A. Bà là Chu Thị Vanh (SN 1958), là bảo vệ trường Tiểu học Cẩm Thịnh.
“Nào, cẩn thẩn đứng hẳn vào trong lề đường đi các cháu, không được đứng ra ngoài đường nghe chưa... Rồi, nắm chặt tay bà nào, bà cháu mình cùng qua đường các cháu nhé. Các cháu về nhà đi cẩn thẩn nghe chưa… ” - ngày nào cũng vậy, với nhóm học sinh nào cũng vậy, bà đều cẩn thận nhắc nhở như thế. Lâu dần, đám trẻ cũng coi bà như người thân ruột thịt, ngày nào cũng chờ để được bà đưa qua đường an toàn.
Cậu bé Cao Văn Như Ý, học sinh lớp 5A Trường tiểu học Cẩm Thịnh cho biết: “Cháu cảm thấy rất vui và an toàn mỗi khi được bà Vanh đưa qua đường. Không kể ngày nắng hay mưa, bà dẫn cháu đi suốt gần 5 năm như thế đấy”.
Bà Chu Thị Vanh (SN 1958) chia sẻ, Cẩm Thịnh quê bà - nơi có quốc lộ 1A đi qua - từng là một điểm đen về tai nạn giao thông. “Trước đây tui đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn thương tâm ngay tại mảnh đất này. Tai nạn đã cướp đi sinh mạng của những người xấu số, để lại nỗi đau cho gia đình các nạn nhân, trong đó có cả gia đình các cháu học sinh” - bà Vanh đượm buồn nói.
Bà nói rằng, hơn 10 năm nay khi đất nước phát triển hơn cũng là lúc xe cộ đi lại trên quốc lộ tăng đột biến. “Đến người lớn còn bị tai nạn mất mạng sống, thì trẻ con cũng khó an toàn trước lượng xe ngày một đông đúc như thế. Cứ nhìn thấy học sinh đi lại trên đường, ùa chạy băng qua quốc lộ mà cách đó không xa là những chiếc ô tô đang phóng nhanh, là tui lo cho các cháu lắm. Tui không yên tâm khi để học sinh tự đi một mình qua đường nên đã tự nguyện làm cái việc dắt các cháu sang đường”- bà Vanh chia sẻ.
Bà Vanh kể, dù là việc làm xuất phát từ tâm nhưng những ngày đầu cũng có không ít người bàn tán nói rằng bà “rảnh hơi”, rỗi việc, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Bỏ qua mọi dị nghị, bà cứ âm thầm, lặng lẽ làm cái việc đầy nhân văn ấy. Để có thể đều đặn đưa các cháu qua đường, bà Vanh gắng thu xếp việc nhà, việc ở trường một cách hợp lý. Ban đầu chồng con bà cũng có ý kiến vì lo cho bà, nhưng giờ gia đình rất ủng hộ, còn giúp bà lo việc nhà để bà có thời gian lo cho sự an toàn của trẻ nhỏ.
Sự tận tụy, tấm lòng của bà Vanh đã góp sức tạo nên một điều kỳ diệu: Trong suốt hơn 10 năm qua, không có một vụ tai nạn nào xảy ra với học sinh Trường tiểu học Cẩm Thịnh. “Tôi công tác ở đây được mấy năm rồi, và như tôi đã biết trước đó nữa, thì đã 10 năm rồi dù xe cộ đi lại đông đúc nhưng không có vụ tai nạn nào xẩy ra đối với học sinh nhà trường. Có được điều tuyệt vời này có sự đóng góp không nhỏ của bác Vanh. Bác đã đã hi sinh cả công sức, công việc của gia đình để bảo vệ sự an toàn cho các em”- cô giáo Lê Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Cẩm Thịnh bày tỏ cảm kích.
Chỉ dừng lại khi không còn sức
Với Trường tiểu học Cẩm Thịnh, bà Vanh không chỉ là một người bảo vệ trường mà còn là người mẹ, người bà luôn chăm lo đến từng em học sinh. Không chỉ đều đặn mỗi ngày đưa học sinh qua đường, bà Vanh còn luôn quan tâm đến những đứa trẻ mồ côi, nghèo khó... trong trường.
Với đồng lương eo hẹp một tháng 1,5 triệu đồng, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bà Vanh vì tình yêu thương những đứa trẻ nơi vùng quê nghèo mà có tháng không đưa được đồng nào về cho gia đình. “Tui thường mua mì tôm, xôi để phát cho những cháu có hoàn cảnh khó khăn. Những hôm học cả ngày, tui phải chuẩn bị bữa trưa cho chúng. Có đứa tui nuôi đến cả năm trời, khi bố mẹ nó về đưa nó đến gặp tui để trả lại tiền ăn nhưng tui không nhận, vì hoàn cảnh bố mẹ nó cũng khó khăn”, bà Vanh kể.
Giờ đây tuổi bà đã cao nhưng ngày ngày bà vẫn đều đặn đưa học sinh qua đường. Hình ảnh bà Vanh đưa trẻ qua đường thậm chí đã trở nên quá quen thuộc với cánh tài xế xe Bắc - Nam. Hỏi bà giờ đã có tuổi rồi, sức lực kém, khi nào thì bà dừng công việc âm thầm và nhân văn này? Bà nói nhanh: "Còn bước được là tui còn đưa các cháu sang đường".