NIỀM VUI LỚN CỦA CON CHÁU HỌ HỒ VIỆT NAM NIỀM VUI LỚN CỦA CON CHÁU HỌ HỒ VIỆT NAM , Người xứ Nghệ Kiev
------- -------
Trải thời gian và thăng trầm thế sự, Đền Vua Hồ ( Đền thờ Nguyên Tổ Họ Hồ Việt Nam), Nơi thờ tự Trạng Nguyên Hồ Hưng Dật ở Bào Đột xã Ngọc Sơn - huyện Quỳnh Lưu - tỉnh Nghệ An được Vua Hồ Hán Thương vâng lệnh Thái Thượng Hoàng Hồ Quý Ly xây dựng năm Quý Mùi - 1403 đã bị phế tích. Với tâm nguyện ý thức thành kính tri ân tiên tổ, con cháu Họ Hồ Việt Nam đã chung sức chung lòng quyết tâm phục dựng lại Linh từ của dòng họ. Sau gần bốn năm xây dựng, đến nay từ đường của Họ Hồ Việt Nam - (Đền Vua Hồ) cơ bản đã được hoàn thành theo quy hoạch. Tọa lạc trên nền đất xưa của dãy Núi Y sảo thế “Long ngai” vững chắc, bên phải là Hòn Rồng, bên trái là Hòn Rết và Núi Ngọc.
Lễ tế tố đầu xuân Giáp Thìn 2014
Trong không gian quy hoạch hàng chục ha, các hạng mục chính của Đền đã hiện hữu: Nhà bia tưởng niệm nguyên Tổ; Tòa chính điện, với thượng điện (Hậu cung) nơi thờ Nguyên Tổ, song thân Nguyên tổ, thần linh thổ địa; trung điện nơi thờ Hồ Tộc tiên liệt; hạ điện nơi thờ cộng đồng Hoàng Đế, Văn Quan, Võ Tướng Họ Hồ, thờ Chủ Tịch Hồ Chí Minh, thờ Hồ gia liệt nữ; Nhà tiền tế; Nhà Tả Vu, Hữu Vu; gác chuông, gác Trống đều được xây cất bằng gỗ lim, gạch, ngói cổ và ốp đá xanh. Các công trình phụ trợ, sân vườn, cây cảnh đã tạo nên Di tích khá hoàn chỉnh, hoành tráng, thâm nghiêm, to đẹp, hiện đại nhưng vẫn lưu giữ được nét cổ kính của Ngôi Đền xưa.
Ban hành lễ Bằng chứng nhận vừa được Bộ văn hóa thế thao và du lịch cấp ngày 12/12/2014
Ngày 12 tháng 12 năm 2014, Bộ trưởng Bộ văn hóa thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh đã ký quyết định số 4106/QĐ-BVHTT-DL xếp hạng Di tích lịch sử - cấp quốc gia - Đền thờ Nguyên tổ Họ Hồ Việt Nam, Trạng nguyên Hồ Hưng Dật - Thần Thành Hoàng; thờ các Vua Hồ và các bậc tiên liệt Họ Hồ Việt Nam. Đây là sự ghi nhận của Nhà Nước và Xã hội với những người đã có công với dân với nước; với một công trình có giá trị lớn về đời sống văn hóa tâm linh, lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Từ nay con cháu Họ Hồ Việt Nam có nơi thờ tự Nguyên tổ của Dòng họ, đáp ứng tâm nguyện thiêng liêng vốn có tự thân của mỗi con người. Bởi vạn vật sinh ra là nhờ trời đất. Con người sinh ra là nhờ có Tổ tiên. Việc lập Đền, thờ cúng Tổ tiên là nét văn hóa cao đẹp tri ân Tổ tiên trong đời sống tâm linh con người Việt nam. Thờ cúng Tổ tiên con người có thêm sức mạnh tinh thần để yêu giang sơn xã tắc, để hướng tới và hoàn thiện nhân cách, chân - thiện - mỹ, để xua đi cái xấu, cái ác và là một trong những việc để ngăn cản thói vô cảm, sự hênh hoang về giàu có và hoang đường về địa vị và cấp bậc xã hội mà xa dân, xa dòng họ, tổ tiên, Ông bà, Cha mẹ.
Đông đáo con cháu khắp nơi về dự lễ tế tổ
Giá trị lớn của Di tích Đền Vua Hồ bởi nó được xây dựng trên vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Nơi gắn liền với đức cao vọng trọng “ Vạn đại vi dân” và công lao khai hoang mở đất lập trại của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật. Sự kiện vua Hồ Hán Thương xây dựng Đền ở đầu thế kỷ XV và là nơi phát tích ra một dòng Họ trâm anh thế phiệt với nhiều truyền thống tốt đẹp trên đất nước Việt Nam. Các tài liệu và hiện vật xưa và nay lưu trữ, thờ phụng tại Đền có giá trị lịch sử, giúp chúng ta hiểu biết thêm về bề dày lịch sử, văn hóa tín ngưỡng, thờ phụng, phong tục tập quán, truyền thống , trọng đạo của nhân dân đối với người có công với dân với nước, cũng như lịch sử xây dựng và thăng trầm của Ngôi Đền.
Tiết mục văn nghệ chào mừng lễ khánh thành nhà tiền tế và lễ tế Tổ
Các hoạt động tế Tổ, lễ Hội từ xưa diễn ra tại Đền, nay từng bước được phục dựng và phát triển là những nét đẹp dân gian lành mạnh có giá trị văn hóa phi vật thể rất quý báu, phản ánh được tình cảm, sự biết ơn, ngưỡng vọng của con cháu, của nhân dân đối với các bậc tiền nhân, người có công; phản ảnh một phong tục không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh và bản sắc văn hóa của dân tộc. Thông qua đó mà góp phần vào việc đoàn kết cộng đồng, giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” khơi dậy niềm tự hào tình yêu dòng họ, quê hương đất nước; ý thức bảo vệ và phát huy giá trị vĩnh hằng của di tích lịch sử văn hóa.
Lễ dâng hoa
Đền Vua Hồ xưa, nay là một công trình kiến trúc bằng gỗ lim, được phục dựng với quy mô lớn hơn, đồ sộ hơn, trang trí công phu với nhiều mảng khắc, chạm tinh tế, đẹp mắt, kết hợp hài hòa giá trị sử dụng với giá trị thẩm mỹ thể hiện được phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Các hiện vật được lưu giữ, thờ phụng tại Đền đa dạng về thể loại, phong phú về kiểu dáng, có giá trị nghệ thuật như: Hương án, bài vị, ban thờ, long ngai, câu đối, Đại tự, Lư hương đồng, Lư hương đá, Bia đá, Rồng đá, Tượng gỗ mít, Lộc bình gỗ Hương, Chuông đồng, Trống, Chiêng,…. Nghệ thuật xây dựng kiến trúc và trang trí các đồ tế khí của Đền đã tạo ra vẻ đẹp trang trọng, tôn nghiêm và cổ kính cho một công trình tâm linh tín ngưỡng, là một bằng chứng sinh động, chân thực thể hiện tâm đức, trình độ tài nghệ của các Nghệ nhân có giá trị rất lớn trong kho tàng kiến trúc Việt Nam.
Con cháu về dự lễ đua nhau đóng góp công đức xây dựng đền
Di tích Đền Vua Hồ có quy mô lớn, khuôn viên rộng rãi, cảnh quan đẹp, có núi non trùng điệp, có làng mạc bao quanh, lại nằm trên tuyến xuyên Việt Bắc Nam và các Di tích nổi tiếng của Xứ Nghệ như: Đền Cuông, Làng văn hóa Quỳnh Đôi, Đền Cờn, Đền Phùng Hưng,…. Con cháu và du khách về Đền, thăm quan Di tích không những được thắp nén Tâm hương thành kính lên tiên tổ, lên các vị thần có công với dân với nước, mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp “Sơn thủy hữu tình” sự hoành tráng khang trang của Ngôi Đền trên vùng quê thanh bình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.
Bài: Hồ Tất Thắng
Trưởng Ban liên lạc họ Hồ Nghệ An
Ảnh : Sỹ Minh - Báo Nghệ An